Ngày 16/02, ông Konstantin Vorontsov, phó giám đốc Cục Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố trong cuộc họp bàn tròn “Quân sự hóa vũ trụ trở thành vấn đề an ninh quốc tế cấp bách” rằng, các cơ sở hạ tầng được sử dụng trong vũ trụ cho mục đích quân sự ở Ukraine có thể trở thành mục tiêu hợp pháp để tấn công trả đũa.
Được biết, cuộc hội thảo này được tổ chức tại Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) nhân dịp 40 năm chương trình “Phòng thủ chiến lược ban đầu” (SDI), hay còn gọi là chương trình phòng thủ “Chiến tranh giữa các vì sao”, được Tổng thống Ronald Reagan tuyên bố vào ngày 23 tháng 3 năm 1983.
Theo ông Vorontsov, việc Hoa Kỳ và các đồng minh sử dụng các cơ sở hạ tầng dân sự trong vũ trụ, bao gồm cả cơ sở hạ tầng dân dụng (như là vệ tinh thương mại) dùng cho mục đích quân sự, là xu hướng nguy hiểm “được thể hiện rõ ràng trong quá trình diễn ra các sự kiện ở Ukraine”.
"Chúng tôi chỉ ra rằng, về cơ bản, các hoạt động như vậy cấu thành sự tham gia gián tiếp vào xung đột vũ trang. Do đó, Nga khẳng định rằng, cơ sở hạ tầng vũ trụ dân sự như vậy có thể trở thành mục tiêu hợp pháp cho cuộc tấn công trả đũa" - nhà ngoại giao Konstantin Vorontsov nói.
Ông Konstantin Vorontsov lưu ý rằng, việc sử dụng các vệ tinh dân sự “một cách khiêu khích” đã đặt ra vấn đề liên quan đến các hiệp ước, hiệp định quy định chỉ sử dụng vũ trụ cho mục đích hòa bình.
Vệ tinh Mỹ đã cung cấp tọa độ cho HIMARS Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga |
Từ năm 1967 đến nay, Liên hợp quốc đã thông qua 5 điều ước quốc tế liên quan đến vấn đề sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình, bao gồm Hiệp ước năm 1967, Hiệp định năm 1968, Công ước năm 1972, Công ước năm 1975 và Hiệp định năm 1979.
Mặc dù Hiệp ước năm 1967 quy định việc sử dụng hòa bình không gian vũ trụ và đưa ra các văn bản pháp lý liên quan đến không gian vũ trụ, nhưng theo giới chức Nga, Mỹ đã sử dụng khoảng không vũ trụ cho các hoạt động quân sự ở Ukraine nhằm chống lại Nga.
Ngoài việc cung cấp thông tin từ vệ tinh quân sự để chỉ thị mục tiêu cho các hệ thống vũ khí Ukraine tấn công Nga, các công ty vệ tinh thương mại phương Tây cũng thường xuyên cung cấp công khai hình ảnh vệ tinh thời gian thực và chất lượng cao về các mục tiêu quân sự của Nga.
Thực tế đã cho thấy, các hình ảnh của những công ty vệ tinh thương mại của Mỹ hoàn toàn có thể được sử dụng để thu thập thông tin tình báo quân sự một cách ổn định với độ chính xác cao, giống như trường hợp cuộc tấn công hôm 05/12/2022 của Ukraine vào căn cứ không quân Engels-2.
Theo giới chuyên gia quân sự, chính những hình ảnh “rất đáng lo ngại” về các máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95 tại sân bay Engels-2 của Nga, do vệ tinh thương mại của các hãng vệ tinh tư nhân là Maxar Technologies và Planet Labs của Mỹ công bố, đã thúc đẩy cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào căn cứ không quân chiến lược này.
Ảnh vệ tinh của Công ty Maxar-Mỹ hiển thị rõ các máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95 tại Căn cứ Không quân Chiến lược Engels-2 |
Chính giới truyền thông Mỹ trong thời gian qua cũng thừa nhận là Washington không chỉ cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev, mà còn cung cấp khả năng định vị qua vệ tinh, để xác định tọa độ các mục tiêu của Nga cho Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) M142 của tấn công các vị trí của quân Nga.
Bài báo hôm 10/02/2023 của các nhà báo Isabelle Khurshudyan, Dan Lamothe, Shane Harris và Paul Sonn trên tờ Washington Post đã dẫn nguồn tin từ các quan chức Ukraine nói rằng, trong phần lớn các cuộc tấn công bằng HIMARS họ đều yêu cầu Mỹ và các đồng minh cung cấp hoặc xác nhận tọa độ mục tiêu.
Giới chức quân sự Ukraine cũng tuyên bố sẽ cung cấp “đầy đủ và liên tục” danh sách các mục tiêu của Nga bị tấn công. Ngoài việc để Mỹ xác nhận không có mục tiêu nào nằm sâu trong lãnh thổ Nga, một phần nguyên nhân cũng là do Ukraine không có khả năng định vị vệ tinh, nên cần Mỹ xác thực để cung cấp tọa độ mục tiêu đáng tin cậy.
Nguồn tin của báo cũng cho biết thêm rằng việc chỉ dẫn mục tiêu được thực hiện thông qua “thiết bị của Mỹ trên lãnh thổ của một trong các quốc gia NATO”. Nếu không được Quân đội Mỹ cung cấp tọa độ cụ thể, Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ không mở cuộc tấn công.