Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin trong một cuộc họp của những người đứng đầu Bộ quốc phòng các nước Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương ở Brussels ngày 14/2 đã tiết lộ danh tính 8 quốc gia NATO sẽ cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Leopard cho Quân đội Ukraine.
Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, NATO không chỉ cung cấp vũ khí mà còn hỗ trợ quân sự tổng hợp, bao gồm cả các sáng kiến công nghiệp, để hỗ trợ Lực lượng Vũ trang Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, không chỉ trong thời gian trước mắt mà cả về lâu dài.
“Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục nói về việc tích hợp và đồng bộ hóa sự hỗ trợ của chúng ta để Ukraine có đủ phương tiện chiến đấu. Chúng ta sẽ thảo luận về các sáng kiến về mặt công nghiệp để giúp duy trì sự hỗ trợ của mình cho Ukraine trong dài hạn” - ông Austin nói.
Ông cũng cho biết, liên minh cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine bao gồm 8 quốc gia NATO là: Đức (cha đẻ của dòng xe tăng này) và một số quốc gia đã mua sắm Leopard 2 là Đan Mạch, Tây Ban Nha, Canada, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan và Bồ Đào Nha.
Theo giới truyền thông, Ukraine có thể được cung cấp tới hơn 100 chiếc Leopard thế hệ cũ từ phiên bản Leopard 2A4 đến 2A6 mà Đức đã bán cho các nước này. Tất nhiên, những xe tăng này sẽ không có Hệ thống Phòng vệ Chủ động (APS) Trophy (của Israel) mà Đức sẽ lắp trên phiên bản Leopard 2A8 của mình.
Lục quân Ukraine sẽ được cung cấp hơn 100 chiếc xe tăng Leopard 2 |
Ngoài ra, Ukraine còn được cung cấp một số loại xe tăng tiên tiến khác của phương Tây là xe tăng M1 Abrams của Mỹ, Challenger 2 của Anh. Chính quyền Paris cũng đang cân nhắc cung cấp cho Kiev xe tăng chiến đấu hiện đại nhất của lục quân Pháp là AMX-56 Leclerc.
Tuy nhiên, cả 3 quốc gia này chắc chắn sẽ cung cấp số lượng chưa tới 100 chiếc, bởi chính các nước này cũng có số lượng xe tăng hết sức hạn chế, ví dụ như Pháp cũng chỉ có hơn 200 xe tăng, mà một nửa trong số đó đã ngừng hoạt động và được đưa vào kho dự trữ chiến tranh.
Cuộc họp trước đó của nhóm các đối tác của Ukraine được tổ chức vào ngày 20/01 tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức. Theo đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, các cuộc đàm phán này khẳng định phương Tây tập trung vào việc leo thang hơn nữa cuộc xung đột ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga trước đó đã gửi công hàm phản đối tới các nước NATO vì cung cấp vũ khí cho Ukraine. Công hàm nêu rõ, các nước NATO đang “đùa với lửa” bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng Sergei Lavrov lưu ý rằng, bất kỳ chuyến hàng nào chứa vũ khí cho Ukraine sẽ trở thành mục tiêu tấn công hợp pháp của Nga.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin là ông Dmitry Peskov lưu ý rằng, việc cung cấp cho Ukraine vũ khí từ phương Tây không góp phần vào sự thành công của các cuộc đàm phán Nga-Ukraine, mà ngược lại, nó sẽ có những tác động tiêu cực.