UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa công bố các quyết định bổ nhiệm, điều động cán bộ giữ các chức vụ quan trọng tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó có bà Trần Huyền Trang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (thuộc Sở KH-ĐT), được bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc Sở KH-ĐT Vĩnh Phúc. Đáng nói ở đây, bà Trần Huyền Trang là con gái của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan.
Vị cán bộ nữ này năm nay 31 tuổi, từng du học Trung Quốc và bắt đầu sự nghiệp vào năm 2013 với vai trò chuyên viên Thành đoàn TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Sau đó 1 năm (2014), bà Trang được bổ nhiệm giữ chức Phó bí thư Thành đoàn TP.Vĩnh Yên. Hai năm sau (năm 2016) chuyển sang làm chuyên viên Sở KH-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc. Công tác ở đây 1 năm thì bà Trang được cử đi học ở Singapore (2017). Năm 2018, trở về nước, bà Trang được bổ nhiệm giữ chức phó phòng tại Sở KH-ĐT, rồi Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (thuộc Sở KH-ĐT). Với quyết định bổ nhiệm mới đây, bà Trần Huyền Trang trở thành một trong những nữ phó giám đốc Sở trẻ nhất tỉnh Vĩnh Phúc, cũng như cả nước.
Tuy nhiên, sau khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc công bố các quyết định về nhân sự trên, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi. Có ý kiến đồng tình với quan điểm của lãnh đạo UBND tỉnh rằng việc bổ nhiệm bà Trang không sai nhưng đặt ngược lại vấn đề là liệu những người tài khác, thậm chí xuất sắc hơn có được bổ nhiệm hay không? Hay nếu bà Trang không phải là con của lãnh đạo tỉnh thì con đường thăng tiến của bà Trang có nhanh chóng và dễ dàng như vậy không? Điều mà dư luận tâm tư hơn cả là nhiều người giỏi sẽ nản chí, từ bỏ mong muốn phục vụ đất nước bởi họ không có được thân thế như bà Trang.
Đồng cảm với tâm tư của không ít dư luận, ông Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, khi lãnh đạo một địa phương, bộ ngành đã bổ nhiệm một cán bộ như thế chắc chắn họ không thể làm sai quy trình, quy định hiện hành của Nhà nước, họ có thể vận dụng để đạt được mục tiêu đưa con cháu vào những vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước.
“Quy trình bổ nhiệm có thể không sai nhưng vấn đề là quy trình này hiện nay không có sự bảo đảm cơ hội công bằng cho tất cả các tài năng trẻ. Quan trọng nhất theo tôi là vấn đề đó”.
Ông Lê Nghiêm nhấn mạnh như vậy và cho rằng “quy trình hiện nay cho phép những người có chức quyền cao, kiểu như Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng hay các chức vụ khác, có thể “thu xếp” được cho con cháu vào những vị trí quan trọng đặc biệt trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Việc làm đó đã làm mất đi cơ hội cạnh tranh công bằng của cán bộ trẻ. Chắc hẳn không chỉ con của lãnh đạo mới giỏi, mà họ hơn hẳn những người khác, hay nói cách khác, những người trẻ khác không thể sánh với con cái của quan chức về cơ hội".
Câu chuyện ở Vĩnh Phúc cũng khiến người ta liên tưởng đến việc chỉ định Bí thư thành ủy một thành phố trực thuộc tỉnh cách đây không lâu. Vụ việc này cũng vấp phải phản ứng của dư luận.
“Chừng nào quyền lực của người đứng đầu địa phương, bộ ngành chưa được kiểm soát, chắc chắn người dân sẽ còn phản ứng. Những người tài không phải con quan chắc chắn sẽ không có được cơ hội khiến họ nản lòng, nản chí là có thật. Theo tôi đây là vấn đề rất lớn hiện nay”, ông Lê Nghiêm bày tỏ quan điểm.
Nhìn nhận về việc bổ nhiệm của con gái Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, có một công thức chung cho con em quan chức địa phương: học hành vừa vừa, cố kiếm mảnh bằng (cử nhân hay thạc sĩ, du học nước ngoài thì cơ hội hơn), về làm công tác đoàn thể, sau chuyển qua công tác chính quyền hoặc Đảng, rồi thăng tiến nhẹ nhàng. Trong khi đó, ở nhiều gia đình không có vai vế gì, ai cũng thấy, con em họ phải rất trầy trật để đi lên trong sự nghiệp học hành, rèn luyện nghiêm chỉnh, lo về ứng xử hài hoà các mối quan hệ trong tổ chức... Những người đó gặp phải người lãnh đạo giỏi giang, có nhân cách tốt thì cơ may sẽ đến. Ngược lại, không phải "con ông cháu cha" và gặp lãnh đạo muốn lấy lòng cấp trên thì việc ưu ái cho những ai "đáng ưu ái" để vụ lợi là đương nhiên.
Ở góc độ một người dân, ông Vinh cho rằng, trường hợp tân Phó Giám đốc Sở KH-ĐT mới 31 tuổi đã được bổ nhiệm như vậy, làm sao dư luận không khỏi nghi ngờ có sự nâng đỡ từ cán bộ lãnh đạo địa phương, đặc biệt từ mẹ đang là Bí thư Tỉnh uỷ.
“Vấn đề cần xem cô này học chuyên môn gì ở Trung Quốc? Có thực sự xuất sắc để có học bổng hay học tự túc. Thời gian về nước làm công tác Đoàn có thích hợp với chuyên môn được đào tạo ở Trung Quốc hay không? Hay đó chỉ là chỗ trú chân tạm thời? Thời gian làm công tác Đoàn có thành tích gì vượt trội, có được những kinh nghiệm gì khi chuyển sang Sở KH-ĐT làm công tác quản lý nhà nước. Những gì báo chí phản ánh cho thấy thời gian đi học mất khoảng 5-6 năm, chưa kể phải đi học chính trị mất hàng năm, thử hỏi thời gian cống hiến còn lại bao nhiêu? Vĩnh Phúc nên trả lời minh bạch trước dư luận”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.
Dư luận đã quá quen với cụm từ “con ông cháu cha” hay “bổ nhiệm người nhà hơn là người tài”, “bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn không đúng người”.... Nhiều đại biểu Quốc hội đã từng phân tích, mổ xẻ vấn đề này. Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội từng kết luận rằng, cái quy trình bổ nhiệm cán bộ không có lỗi, quy trình ấy có thể đúng, nhưng lỗi nằm ở đầu vào của quy trình, có khi không chuẩn mực.
Thực tế thời gian qua, không ít “hạt giống đỏ” bị “chín ép” do được đẩy lên quá nhanh, quá thần tốc, quá bất ngờ và quá bất thường khiến sự nghiệp chính trị của họ có khi dang dở.
Nếu không có cơ hội công bằng trong các cơ quan Nhà nước, người trẻ thực tài sẽ chọn hướng đi khác. Họ không thể dựa vào quyền lực hay tiền bằng, chỉ có cách duy nhất là dựa vào chính mình để vươn lên. Điều đó cũng rất đáng mừng cho xã hội nhưng như thế, chất xám trong bộ máy công quyền sẽ ngày càng ít đi. Và như vậy, nỗi trăn trở của ông Lê Nghiêm hay ông Hoàng Ngọc Vinh cũng là trăn trở chung của nhiều người.