Vi phạm giao thông, nam thanh niên đốt xe có phạm luật?

Sau khi vi phạm giao thông, nam thanh niên không nộp phạt mà bất ngờ đốt xe của mình. Hành vi này có bị coi là vi phạm pháp luật hay không?

Chiếc xe bị đốt cháy nghi ngút khói.
Chiếc xe bị đốt cháy nghi ngút khói.

Theo tin tức mới nhất, vào ngày 27/11, Nguyễn Văn H. (SN 1983), trú tại huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) điều khiển xe máy 29S9 – 1927 vi phạm giao thông tại địa phận TP Phủ Lý (Hà Nam) và bị CSGT yêu cầu dừng xe.

Thực hiện hiệu lệnh của cảnh sát và nhận lỗi vi phạm nhưng H. không nộp phạt mà năn nỉ để được tha nhưng không thành. Trước sự cứng rắn của các cán bộ chiến sĩ, H. bắt đầu có ngôn ngữ và thái độ thiếu kiềm chế và bỏ ra quán nước gần đó.

Khoảng 10 phút sau, nam thanh niên này đột nhiên quay lại rồi bất ngờ đốt xe. Do tình huống quá bất ngờ nên tổ CSGT đang làm nhiệm vụ không kịp ngăn chặn, chỉ kịp di chuyển xe khác gần đó để tránh gây thiệt hại. Sau khi châm lửa đốt xe của mình, H. lập tức bỏ đi trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Liên quan đến sự việc, H. vi phạm giao thông là sự việc đã hiển nhiên. Tuy nhiên, khi vi phạm mà không nộp phạt, hơn nữa H. còn có thái độ thiếu kiềm chế với lực lượng CSGT và đốt xe của mình, hành vi này liệu có vi phạm pháp luật hay không?

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Luật sư Tạ Quốc Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Với tình huống trên, người điều khiển phương tiện giao thông đi sai làn đường sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, khi đã vi phạm mà không nộp phạt thì nhà nước sẽ có những biện pháp cụ thể để tính mức phạt với lỗi vi phạm do chậm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 5, Thông tư 153/2013/TT-BTC quy định: Quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Không tính chậm nộp tiền phạt trong thời hạn cá nhân vi phạm hành chính được hoãn thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật .

Trường hợp quyết định xử phạt được giao trực tiếp thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) kể từ ngày giao nhận quyết định xử phạt (Khoản 4, Điều 1, Thông tư số 105/2014/TT-BTC).

Đối với các trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thông báo cho kho bạc Nhà nước nơi thu phạt hoặc ngân hàng thương mại nơi kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt về thời điểm được coi là giao quyết định xử phạt để kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt tính tiền chậm nộp phạt.

Vi pham giao thong, nam thanh nien dot xe co pham luat? - Anh 2

Sự việc được nhiều người chứng kiến không khỏi ngỡ ngàng. Nguồn: Facebook.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình không nộp tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt, thì các đơn vị kho bạc Nhà nước nơi thu phạt hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trên quyết định xử phạt; đồng thời, vẫn tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt và ghi rõ trên biên lai thu phạt số tiền chậm nộp tính đến ngày nộp tiền mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt chưa nộp.

"Như vậy trong trường hợp này, dù sao anh H. cũng phải nộp phạt về hành vi vi phạm của mình. Nếu chậm nộp hoặc cố tình không nộp thì số tiền bị phạt sẽ tăng lên theo số ngày và mức tăng thêm đã được quy định" - Luật sư Tạ Quốc Cường cho hay.

Về hành vi tự đốt xe của anh H., vị luật sư phân tích: "Nếu đây là tài sản thuộc quyền sở hữu của anh H. thì anh ta có mọi quyền quyết định về chiếc xe này, do đó, hành vi này sẽ không bị xử lý cũng như không cấu thành tội hủy hoại tài sản.

Về việc H. có ngôn ngữ và thái độ, không hợp tác, thiếu kiềm chế với CSGT có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 20, Nghị định 167/2013/NĐ-CP: Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ".

Theo Người Đưa Tin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ