Vẽ tương lai xanh trên cánh đồng Mường Than

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giá trị kinh tế cao theo hướng hàng hoá, đời sống của người dân Mường Than đang ngày một nâng cao.

Làm giàu từ bí xanh

Trên những cánh đồng Mường Than thời điểm này, những thửa ruộng bí xanh tươi mơn mởn, quả sai trĩu giàn. Đây là thành quả của nhiều hộ dân trong xã khi chuyển đổi đất cấy lúa sang trồng bí xanh theo hình thức liên kết với Công ty TNHH Thương mại Rau quả Ngọc Linh (Sơn La) – đơn vị bao tiêu sản phẩm.

Mô hình trồng bí xanh của hội viên nông dân bản Đông đang cho hiệu quả tốt.
Mô hình trồng bí xanh của hội viên nông dân bản Đông đang cho hiệu quả tốt.

Anh Tòng Văn Tiếp ở bản Sen Đông, một trong 5 hộ dân tiên phong trồng bí xanh của bản cho biết: Vụ trước, gia đình tôi thu được 5 tấn bí xanh bán cho Công ty. Vụ này, vợ chồng tôi mở rộng diện tích trồng nhiều hơn, khoảng gần 3.000m2. Hiện nay, quả sắp cho thu hoạch. Trước đó, khi cây còn nhỏ, gia đình trồng xen rau cải thảo để bán cho Công ty luôn. Cùng một diện tích đất, nhưng kinh tế trồng bí mang lại gấp 2-3 lần so với cấy lúa. Ngoài ra, gia đình nuôi 5 con trâu, 11 con bò theo hình thức sinh sản; trồng 2 ha cỏ voi, 5.000m2 ngô để lấy thức ăn cho đàn vật nuôi. Trồng bưởi diễn, măng sặt, thu hoạch được 2 vụ rồi. Nói chung, kinh tế gia đình ổn định hơn; tính ra mỗi năm có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng.

Hội Nông dân Mường Than có 792 hội viên, sinh hoạt ở 13 chi hội bản. Không chỉ tích cực chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng bí xanh, hội viên nông dân trong xã còn mạnh dạn tham gia các dự án mới. Điển hình trong đó là mô hình trồng 19ha lúa VASS-16 theo tiêu chuẩn VIETGAP giữa Trung tâm chuyển giao Học viện nông nghiệp 1 với 69 hộ dân ở bản Ngà; chăn nuôi đại gia súc của hội viên ở bản Đông, Sen Đông; trồng bưởi da xanh của các hộ nông dân bản Én Nọi, Hua Than…

Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Anh Kiều Văn Quang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Than cho biết: Những năm qua, hội viên nông dân của xã phát huy tính cần cù, chịu khó; tích cực áp dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chế biến; một số hội viên mạnh dạn đầu tư để mở rộng kinh doanh thương mại dịch vụ, quán ăn. Về phía Hội, tạo điều kiện cho các hội viên được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng, chương trình, dự án của Trung ương hội, tỉnh hội; đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân. Riêng năm 2022, Hội phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Lai Châu mở 2 lớp tập huấn về trồng và chăm sóc cây có múi với 60 hội viên; phối hợp với tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện mở 1 lớp tập huấn hướng dẫn, tuyên truyền, quảng bá thuốc BVTT phòng chống sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn hại lúa vụ mùa cho 70 hội viên. Tạo điều kiện cho 354 gia đình hội viên được vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp với tổng dư nợ trên 20,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 2 dự án được hỗ trợ từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đang phát huy hiệu quả. Trong đó có 1 dự án nuôi trâu vỗ béo, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ 8 hộ ở bản Đông với số tiền 450 triệu đồng; 1 dự án nuôi trâu, bò vỗ béo nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện với số tiền 210 triệu đồng hỗ trợ 3 hộ tại bản Én Nọi, Cẩm Trung 1,2.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò của hội viên nông dân bản Sen Đông đang phát triển tốt.
Mô hình chăn nuôi trâu, bò của hội viên nông dân bản Sen Đông đang phát triển tốt.

Năm 2022, nông dân Mường Than cấy 851 ha lúa, trong đó lúa hàng hoá tập trung là 397 ha; trồng 65 ha ngô; trên 150 ha rau đậu, khoai các loại; trồng 4,6 ha bí xanh; chăm sóc và bảo vệ hơn 51 ha cây ăn quả. Tập trung phát triển chăn nuôi với tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 70.000 con.

Từ sự tích cực của hội viên, quan tâm của các cấp lãnh đạo Hội, chính quyền địa phương mà phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ngày càng được lan toả sâu rộng và mang lại hiệu quả cao.

Trong năm 2022, Hội nông dân xã có 172 hộ gia đình đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp; trong đó có 20 hộ SXKDG cấp tỉnh, 40 hộ SXKDG cấp huyện, còn lại là cấp xã. Những gương nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế như: ông Kiều Văn Dung – bản Sen Đông với mô hình nuôi trâu bò sinh sản và vỗ béo quy mô hàng trăm con; anh Kiều Duy Đọn – bản Sen Đông với mô hình nuôi 1.000 con lợn; chị Tòng Thị Hương – bản Đông và anh Phan Văn Hoan - bản Mường với mô hình trồng rau, cây ăn quả cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm…

Ngoài ra, các mô hình chăn nuôi, kinh doanh thương mại dịch vụ của gia đình các hội viên nông dân còn góp phần giải quyết công ăn việc làm lao động cho nhiều lao động ở địa phương với mức thu nhập ổn định từ 3-6 triệu đồng/người/tháng.

Trong năm 2023, phát huy tinh thần “Tiên phong, cần cù, đổi mới, sáng tạo”, “vượt khó làm giàu”, các hội viên nông dân xã Mường Than tiếp tục thi đua lao động sản xuất, thực hiện nhiều mô hình mới, hay mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phấn đấu thêm 7 hộ gia đình đạt danh hiệu hộ SXKDG các cấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ