Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Tính đến hết năm 2021, 9/9 xã của huyện Tân Uyên đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5%. Tuy nhiên, theo tiêu chí đánh giá hộ nghèo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện tăng lên gấp hơn 2 lần là 10,37%, tương đương với trên 1.350 hộ dân. Để thực hiện công tác giảm nghèo, huyện Tân Uyên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, phát huy nội lực sẵn có ở địa phương với mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo.
Tại xã Phúc Khoa, ở những năm trước, những cánh đồng trống sau vụ gặt lúa mùa, thì năm nay cánh đồng lại xanh hơn với hàng ngô tươi non mơn mởn. Điều đó cho thấy sự chuyển biến rõ nét của bản nghèo trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho các hộ dân.
Anh Hàng A Dơ – Trưởng bản Hô Bon, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên cho biết, bản hiện có hơn 200 hộ, năm nay còn 20 hộ nghèo. Đây là năm đầu tiên, dân bản đưa cây ngô vào trồng trên chân ruộng 1 vụ. Hiện đã có hơn 10 hộ tham gia trồng với diện tích hơn 1ha. Dân bản hy vọng cây ngô sẽ phát triển tốt, cho thu hoạch, năng suất. Từ kết quả này, sang năm, sẽ vận động bà con nhân rộng hơn để cho kinh tế bà con ổn định hơn.
Còn theo ông Lò Văn Lục – Chủ tịch UBND xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, để thực hiện giảm nghèo cho đảm bảo, hiện nay, xã đã đưa những mô hình vào sản xuất cho bà con phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất ruộng 1 vụ, 2 vụ. Đưa các cây nông sản có chất lượng cao như: bí xanh, ớt và trồng các cây hoa màu khác có giá trị kinh tế cao trên địa bàn xã. Ngoài ra, xã đẩy tăng sản xuất cây chè, năng suất cây chè.
“Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi có hướng dẫn và giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức xã đến từng bản chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất ruộng 1 vụ”, ông Lục thông tin.
Được biết trên địa bàn huyện Tân Uyên, năm 2022 nhiều mô hình khuyến nông đang mang lại hiệu quả như trồng Khoai sọ tại xã Hố Mít; mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất Lúa (giống Nếp 98, giống VNR 20) tại xã Pắc Ta, xã Trung Đồng và thị trấn Tân Uyên; mô hình trồng thâm canh cây Mắc ca bằng các giống tiến bộ kỹ thuật (A16, A38, QN1, OC, 246) tại xã Hố Mít, xã Mường Khoa; mô hình nuôi Ong tại xã Hố Mít; mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại xã Mường Khoa
Kiên định mục tiêu giảm 1%/năm về hộ nghèo
Được biết, trong định hướng về phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, huyện Tân Uyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp UBND các xã, thị trấn trên địa bàn quy hoạch vùng kinh tế; vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học vào kỹ thuật sản xuất. Đồng thời tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết, đề án của tỉnh. Chú trọng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu. Điều quan trọng nhất, là các xã, thị trấn trong huyện khai thác tốt tiềm năng, lợi thế; tìm hướng đi mới để giảm nghèo.
Cùng với đó, huyện quan tâm đào tạo nghề vùng đồng bào dân tộc thiểu số; duy trì các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Ông Lê Thanh Huy – Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên cho biết: Mục tiêu của đại hội huyện 2020-2025, chúng tôi vẫn xác định là giảm 1%/năm về hộ nghèo. Để đảm bảo được chỉ tiêu này, huyện đề ra các giải pháp, trong đó có những định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi có 2 chương trình mục tiêu rất quan trọng trong giai đoạn 2020-2025 là phát triển nông nghiệp hàng hoá gắn với bao tiêu sản phẩm; xây dựng 2 xã, 9 bản nông thôn mới nâng cao. Các nguồn lực chúng tôi dành cho các chương trình gắn với các chính sách của tỉnh, dẫn dắt ngành nông nghiệp như Nghị quyết 07, 08. Chúng tôi cũng đang mời gọi các nhà đầu tư liên kết với người dân, cùng đầu tư trên địa bàn
Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và Nhân dân trong huyện, đến nay, Tân Uyên đã hình thành được nhiều vùng kinh tế với các loại cây trồng cho năng suất, giá trị kinh tế cao như: vùng chè, mắc ca trên 5.300 ha, vùng cây ăn quả gần 600 ha; phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhà màng, nhà lưới 0,75 ha với các cây trồng dưa leo baby, cà chua, dưa lưới... Liên kết với các công ty ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm cho chanh leo, bí xanh. Chăn nuôi, thuỷ sản theo quy mô trang trại, gia trại ngày một lớn.