Người dân Vân Hà thoát nghèo nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

GD&TĐ - Hơn 10 năm trở lại đây, người dân xã Vân Hà đã thoát nghèo nhờ chuyển đổi mô hình sang trồng bưởi.

Trang trại trồng bưởi của gia đình anh Hoàng Văn Đào.
Trang trại trồng bưởi của gia đình anh Hoàng Văn Đào.

Thoát nghèo nhờ cây bưởi

Vân Hà là xã vùng bãi nằm ở phía Bắc của huyện Phúc Thọ (Hà Nội) có 477 hộ với trên 2.100 nhân khẩu. Xã Vân Hà tiếp giáp với sông Hồng có diện tích đất tự nhiên là 508ha. Trong đó, đất nông nghiệp là 60ha và chủ yếu trồng bưởi Tam Vân còn lại là đất thổ cư và đất dịch vụ khác. Năm nay, dự kiến Vân Hà thu hoạch trên 3,5 triệu quả với doanh thu khoảng 45 tỷ đồng.

Ông Hoàng Ngọc Giang, Chủ tịch hội Nông dân xã Vân Hà chia sẻ, trước đây, Vân Hà là xã nằm trên bãi nổi sông Hồng nên vào mùa mưa, nhân dân Vân Hà gần như cô lập với nhân dân các địa phương trong huyện bởi mực nước sông Hồng lên cao. Những tháng này, nhân dân cũng không thể sản xuất nông nghiệp do thường xuyên bị ngập úng vì vậy đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Thời đó, Vân Hà trở thành một trong những xã nghèo của huyện Phúc Thọ.

Ông Hoàng Ngọc Giang, Chủ tịch hội Nông dân xã Vân Hà

Ông Hoàng Ngọc Giang, Chủ tịch hội Nông dân xã Vân Hà

“Trước đây, kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào việc trồng cây ngô giống và sản xuất nông nghiệp manh mún. Một năm, người dân chỉ sản xuất được 1 vụ, vụ còn lại nước ngập trắng đồng nên việc canh tác rất khó khăn. Đời sống của người dân vì thế mà cũng không được cải thiện”, ông Giang chia sẻ.

Đến những năm 2000, nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, xây dựng cho xã Vân Hà đập tràn, từ đó nhân dân có điều kiện để phát triển kinh tế, giao thương hàng hoá. Mặt khác nhận thấy đồng đất phù sa của địa phương phù hợp với trồng cây ăn quả nên một số hộ dân đã mạnh dạn đưa vào trồng cây bưởi.

Từ chỉ có một số hộ, đến năm 2006, 50% số hộ trong xã đã cải tạo đất vườn của gia đình để trồng bưởi và đều cho hiệu quả kinh tế, trong đó một số vườn bưởi tại thời điểm đó đã cho thu khoảng 100 triệu đồng như vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Hà, ông Trần Văn Nhân ở thôn 4, ông Đặng Văn Hải ở thôn 2.

Hiệu quả đó đã khẳng định hướng đi đúng trong phát triển kinh tế của nhân dân trong xã và đã tiếp thêm sức mạnh cho các hộ dân khác. Vì vậy, đến nay, 100% số hộ dân trong xã Vân Hà đều trồng bưởi. Ngoài 20 ha diện tích đất vườn, nhân dân còn phát triển trồng sang đất nông nghiệp 15 ha. Toàn xã đang trồng khoảng 14.000 cây bưởi, trong đó hộ trồng ít cũng ngoài 10 cây và hộ trồng nhiều lên đến 400 cây.

Đặc biệt, nhân dân trong xã đã rất năng động, nhạy bén trong việc lai tạo, chiết, ghép các giống bưởi đường cam Tích Giang, bưởi ngọt Đoan Hùng, bưởi Diễn để thành giống bưởi đặc trưng của Vân Hà.

Cây bưởi - cây thoát nghèo của người dân xã Vân Hà.

Cây bưởi - cây thoát nghèo của người dân xã Vân Hà.

Bưởi Tam Vân có trọng lượng từ 0,8-1kg với đặc điểm là trái tròn cân đối, vỏ nhẵn, mỏng cùi; cuống nhỏ, mới chín có màu vàng sau chuyển sang vàng đồng. Quả có từ 11-13 múi, múi to đều, không có múi kẹ; tép to, mọng nước, có màu nâu sẫm; khi ăn có vị ngọt đậm, hương thơm đặc trưng và đặc biệt không có vị đắng như những giống bưởi Diễn.

Do có nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc và do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên năm 2015, nhân dân Vân Hà bội thu từ bưởi. Toàn xã thu khoảng 1 triệu - 1,2 triệu quả, giá trị kinh tế từ bưởi đạt 20 - 22 tỷ đồng. Nhờ trồng bưởi, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Toàn xã hiện có khoảng 50% số hộ có mức sống khá, giàu. Số hộ nghèo giảm còn 9 hộ. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 29,6 triệu đồng, tăng 9,2 triệu đồng so với năm 2014 và tăng 7,6 triệu đồng so với kế hoạch.

Theo báo cáo của Hội Nông dân xã Vân Hà, trong năm 2021, tổng diện tích trồng cây ăn quả của xã Vân Hà tiếp tục được mở rộng. Trong đó, diện tích trồng cây bưởi là 58ha (tăng 3ha so với năm 2020).

Xây dựng nhãn hiệu cho cây bưởi

Cây bưởi hiện nay không còn là cây xóa đói, giảm nghèo mà đã trở thành cây làm giàu của người dân trong xã Vân Hà. Bên cạnh công việc của Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Vân Hà, gia đình ông Phú cũng tận dụng diện tích canh tác của gia đình để chuyển hướng trồng bưởi.

Theo ông Phú, cây bưởi Tam Vân có đặc điểm sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh, cây bền và cho quả đều đặn hàng năm nên kinh tế của gia đình ông cũng khấm khá lên nhờ cây bưởi. “Trước đây, kinh tế gia đình tôi cũng như đa số những người dân thuộc xã Vân Hà bấp bênh do tác động và ảnh hưởng của môi trường nhưng từ khi chuyển hướng sang trồng cây bưởi, gia đình tôi có của ăn, của để, thu nhập hàng năm cũng được đảm bảo. Đời sống của người dân theo đó mà cũng có sự phát triển đáng kể”, ông Phú chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Vân Hà.

Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Vân Hà.

Cũng giống như gia đình ông Phú, gia đình anh Hoàng Văn Đào cũng là một trong số những hộ thay đổi cuộc sống nhờ cây bưởi. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây bưởi, gia đình anh Đào đã mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của gia đình sang trồng bưởi. Ngoài ra, anh Đào cũng thầu thêm diện tích đất của xã để tăng diện tích bưởi trồng của gia đình.

Bên cạnh giống bưởi Tam Vân, anh Đào còn mạnh dạn trồng thử nghiệm nhiều giống bưởi khác trên diện tích đất thầu của xã. “Trồng bưởi không vất vả như trồng các cây nông nghiệp khác khi chỉ cần nắm vững kỹ thuật, bưởi sẽ ra quả nhiều, đều đặn hàng năm. Bưởi cũng là cây không phải chăm sóc nhiều nên việc trồng cây sẽ nhàn hơn rất nhiều so với trước kia”, anh Đào chia sẻ.

Trang trại trồng bưởi của gia đình anh Hoàng Văn Đào.

Trang trại trồng bưởi của gia đình anh Hoàng Văn Đào.

Theo ông Hoàng Ngọc Giang, Chủ tịch hội Nông dân xã Vân Hà hiện tại, chính quyền xã đang nỗ lực tìm hướng đi mới để phát triển cây bưởi của địa phương thành giống cây ăn quả đặc sản. Bên cạnh việc hàng năm địa phương đều phối hợp với các trung tâm, viện nghiên cứu tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ bệnh hại trên cây bưởi cho bà con nông dân, xã Vân Hà cũng đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội xây dựng nhãn hiệu bưởi Tam Vân.

Để phát triển vườn bưởi sạch, xanh, an toàn và bắt kịp công nghệ 4.0, cũng như nâng cao chất lượng bưởi, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, người dân đã thay đổi tư duy chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ, từ đó nâng cao giá trị sản xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ