Vệ sinh ATTP ở các trường học tại Nghệ An (1)

GD&TĐ - Vệ sinh và an toàn thực phẩm tại các trường học là một vấn đề được đông đảo phụ huynh và dư luận quan tâm. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện còn hết sức khó khăn khi mà cả điều kiện khách quan và chủ quan đều chưa cho phép....

Vệ sinh ATTP ở các trường học tại Nghệ An (1)

BÀI 1: NHÀ TRƯỜNG VÀ PHỤ HUYNH CÙNG LO LẮNG 

Thực phẩm nào là sạch?

Trường Mầm non Sunrise (thành phố Vinh) là một trường mới thành lập nhưng số lượng các cháu học sinh khá đông với hơn 400 cháu. Cô Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường rất chú trọng đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và xem đây là một trong những tiêu chí quan trọng để khẳng định uy tín và chất lượng của nhà trường.

Hiện khu nhà bếp được vận hành theo mô hình của bếp một chiều với trang thiết bị khá hiện đại. Đội ngũ nhân viên tổ bếp đều có bằng trung cấp về ngành nghề nấu ăn. Quá trình lựa chọn nguồn thực phẩm được kiểm tra kỹ lưỡng và lưu sổ ghi chép đầy đủ.

Tuy nhiên, cô Bảo vẫn tỏ ra lo lắng bởi trường gặp khá nhiều khó khăn trong việc kiếm nguồn thực phẩm an toàn. Bởi không có nhà cung cấp nào đáp ứng được tất cả các loại mặt hàng đủ điều kiện, đủ mặt hàng. Trường học có đông học sinh và ở nhiều lứa tuổi, nhiều chế độ dinh dưỡng khác nhau.

Trong khi các cơ sở cung cấp rau xanh thì sản phẩm có theo mùa, hoặc số lượng không đáp ứng đủ thường xuyên. Hoặc mua hải sản thì nhà cung ứng chỉ mới đáp ứng được một số mặt hàng, còn lại thì đang trong quá trình chờ giấy phép...

Ở Trường Mầm non Quang Trung 1, TP Vinh, hiện theo tổng hợp của nhà trường ít nhất có 19 mặt hàng thực phẩm phải sử dụng thường xuyên cho các cháu ăn trong tuần như cá, thịt, trứng, hải sản… Tuy nhiên, theo cô giáo Chu Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường, hiện chỉ có các mặt hàng như gạo, dầu, nước mắm, bột ngọt, xúp, muối nhà trường nhập từ siêu thị là có nhãn mác đầy đủ.

Riêng các mặt hàng tươi sống như cá thu, thịt lợn, thịt bò, thịt gà...thì nhà trường phải đi chợ, mua từ các hộ kinh doanh. Các cơ sở này đã cung cấp giấy đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng trên thực tế việc kiểm soát cũng chỉ dựa vào việc quan sát thông thường chứ không có cơ sở nào để xác định hàng đúng tiêu chuẩn.

Trao đổi thêm với chúng tôi về vấn đề này, bà Lê Thị Phương, Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Vinh bày tỏ: Những năm qua, các trường trên địa bàn thành phố đã đầu tư mua sắm trang thiết bị, nhân lực và ngày càng quan tâm đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm .

Tuy nhiên, để nói vấn đề an toàn thực phẩm đã đảm bảo tuyệt đối 100% là không thể vì hiện tại việc tìm nguồn thực phẩm đúng quy định và hồ sơ pháp lý là rất khó. Đơn cử, với những cơ sở kinh doanh gạo, thịt cá...theo tiêu chuẩn phải là công ty, có đăng ký kinh doanh, có đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng trong điều kiện hiện nay, chỉ cần giấy chứng nhận của phường, xã được phép kinh doanh là có thể chấp nhận được....

Cơ sở vật chất còn thiếu và yếu

Mầm non Hương Sơn là một trong những trường miền núi của huyện Tân Kỳ. Để huy động trẻ đến trường đúng độ tuổi, từ năm 2008, nhà trường và phụ huynh đã nỗ lực tổ chức bán trú dân nuôi. Hiện trường đã có nhà bếp và bếp ga nhưng chủ yếu để hâm nóng thức ăn, còn đun nấu chủ yếu sử dụng bếp củi để tiết kiệm chi phí.

Cô Lê Thị Loan, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Cơ sở vật chất thiếu thốn nên việc phục vụ bữa ăn cho trẻ chưa đảm bảo được quy trình vận hành một chiều. Nguồn nước dùng để nấu ăn cho trẻ vẫn còn là nước giếng khoan. Không có tủ cơm để vận chuyển thức ăn nên các cô nuôi phải vất vả bê từng nồi cơm, thức ăn đến từng lớp.

Còn tại huyện Yên Thành, một huyện đồng bằng nhưng việc thực hiện bán trú cũng thiếu đồng bộ. Kiểm tra 47/50 bếp ăn tập thể của các trường học trên địa bàn huyện Yên Thành mới đây cho thấy, chỉ 27/47 các cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; 32/47 cơ sở có đầy đủ giấy xác nhận sức khỏe định kỳ. Hầu hết các cơ sở chỉ mới thực hiện ký hợp đồng trách nhiệm với các đơn vị cung cấp thực phẩm, trong khi nhà cung ứng chưa đủ điều kiện kinh doanh.

Kiểm tra liên ngành một số trường ở khu vực miền núi, nông thôn trên toàn tỉnh cũng phát hiện, việc đảm bảo VSATTP tại trường học còn thiếu và yếu ở các khâu: Nguồn gốc thực phẩm chưa rõ ràng (như Trường THPT Dân tộc nội trú Quỳ Châu, Trường THPT Quế Phong…); chưa có bếp ăn theo nguyên tắc 1 chiều, chưa có chế độ lưu mẫu… (Trường Mầm non Sao Mai - Quỳ Hợp)... Bên cạnh đó, nhiều nơi mức sống của phụ huynh còn thấp, nguồn cung cấp thực phẩm an toàn còn ít.

Những khó khăn trên cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay. Theo ông Nguyễn Đình Thái, Phó Chánh văn phòng, Phụ trách Y tế trường học, Sở GD&ĐT: Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, thì không thể một mình Sở GD&ĐT đảm đương hết mà đòi hỏi sự vào cuộc và trách nhiệm của các cấp các ngành.

Trong đó, chính quyền địa phương phải quản lý chặt các cơ sở cung ứng thực phẩm trên địa bàn. Các cơ quan y tế phải thống kê trên địa bàn và công bố những cơ sở sản xuất và buôn bán thực phẩm đảm bảo có chất lượng để các trường học lựa chọn. Về phía ngành Giáo dục cũng sẽ tăng cường chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học; thường xuyên, kiểm tra, giám sát, tập huấn giúp cho công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở các trường học được thường xuyên, đúng quy trình và quy định đề ra.

Thiếu thốn cơ sở vật chất ở những bếp ăn bán trú là thực tế ở nhiều điểm trường trên địa bàn toàn huyện Tân Kỳ. Trong đó, chủ yếu là tại các điểm trường lẻ thuộc các xã vùng trung du, miền núi. Hiện nay, toàn huyện có 45/62 điểm trường có bếp ăn bán trú đảm bảo được quy trình vận hành một chiều.________________

(Bài sau: Đau đầu vì nước sạch)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ