Về giảm tải cho chương trình GDPT hiện hành

GD&TĐ - Sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, một số cử tri gửi kiến nghị tới Bộ GD&ĐT, bày tỏ sự băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông vẫn nặng, cho rằng Bộ GD&ĐT thí điểm nhiều mô hình, thay đổi sách liên tục gây nhiều khó khăn cho người dân.

HS hào hứng với tiết học theo mô hình STEM
HS hào hứng với tiết học theo mô hình STEM

Bộ GD&ĐT trả lời:

Từ nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành theo hướng tinh giản; giao quyền chủ động và hướng dẫn nhà trường thực hiện chương trình GD một cách linh hoạt; xây dựng kế hoạch GD theo định hướng phát triển năng lực HS phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng của học sinh; chú trọng GD đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; tăng cường thời gian hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động xã hội; tạo điều kiện cho các trường được linh hoạt áp dụng các hình thức tổ chức GD, các phương pháp dạy học tiên tiến mà không bị áp đặt, nhờ đó HS hứng thú học tập hơn, giảm tải được việc dạy và học xét cả về nội dung kiến thức và tâm lý HS.

Tiếp tục chủ trương đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017 hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất HS từ năm học 2017 - 2018.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội khóa XIV về đổi mới chương trình, SGK GDPT, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK GDPT của Bộ GD&ĐT đã thông qua Chương trình GDPT tổng thể, làm căn cứ biên soạn các chương trình môn học và hoạt động GD. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tổ chức thẩm định để ban hành các chương trình môn học.

Chương trình GDPT mới mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp của HS; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên; chú trọng GD đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; tăng cường thời gian hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động xã hội.

Về thí điểm một số mô hình: Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Bộ GD&ĐT đã triển khai thí điểm một số mô hình, phương pháp dạy học mới như: Mô hình Trường học mới (VNEN), Phương pháp “Bàn tay nặn bột”, Tiếng Việt 1 - Công nghệ GD...

Kết quả thí điểm một số mô hình, phương pháp GD đã thực hiện đều được tổng kết, đánh giá và là những bài học kinh nghiệm đáng quý giúp cho việc triển khai đổi mới chương trình, SGK lần này. Việc đổi mới chương trình GDPT cũng được tính toán để đảm bảo giảm thiểu tối đa kinh phí, không gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước.

Về sách giáo khoa: SGK GDPT hiện hành thực hiện chương trình GDPT ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 của Bộ GD&ĐT. Thực hiện Luật Giáo dục năm 2005, Bộ GD&ĐT đã ban hành 1 bộ SGK và thống nhất sử dụng trên toàn quốc. Tuy nhiên, sau gần 15 năm thực hiện, với sự phát triển của KH-CN, SGK hiện hành đã được tái bản nhiều lần và mỗi lần tái bản đều có chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật những thông tin, số liệu mới thay cho những thông tin, số liệu đã cũ, lạc hậu nhưng nội dung và cấu trúc của SGK được giữ ổn định, bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình GDPT.

Đối với SGK theo chương trình mới, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội đã quy định thực hiện 1 chương trình nhiều SGK. Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, làm căn cứ để bảo đảm chất lượng của SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn. Đồng thời, Bộ cũng đang xây dựng Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở GDPT phù hợp với điều kiện dạy học và nhu cầu của HS, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và sử dụng ổn định, tránh lãng phí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ