Thực trạng trên để lại cho xã hội, gia đình và bản thân học sinh hậu quả khôn lường và đang đòi hỏi công tác giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cần được quan tâm, đầu tư để đạt được hiệu quả tốt hơn nữa.
Hổng kĩ năng sống
TS. Tào Thị Hồng Vân – Viện Nghiên cứu Sư phạm (ĐHSP Hà Nội) cho biết: Một số khảo sát tại các trường học cho thấy một thực tế hiện hay trẻ em có quan hệ tình dục (QHTD) khá sớm. Tuổi QHTD lần đầu của các em gái là 14 tuổi (sớm hơn nhiều so với điều tra quốc gia năm 2010 công bố là 18,1 tuổi) đó là tính trung bình, cá biệt có trường hợp QHTD lần đầu khi mới 10 tuổi, và QHTD là tự nguyện chứ không phải bị ép buộc.
Chương trình hành động giáo dục sức khỏe sinh sản và phòng chống HIV/AIDS cho học sinh trung học giai đoạn 2012 -2012 được Bộ GD&ĐT ban hành với mục tiêu cụ thể: Đến năm 2015, phấn đấu đạt 70% và năm 2020 đạt 80% học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục đào tạo được tiếp cận với giáo dục sức khỏe sinh sản – sức khỏe tình dục, giới tính, kĩ năng sống nâng cao nhận thức và thực hành những hành vi phòng, chống HIV/AIDS và giảm kỳ thị phân biệt đối xử những người có HIV/AIDS.
Tuy vậy, việc tổ chức giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản – sức khỏe tình dục cho học sinh tích hợp với các môn học trong chương trình vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế đối với giáo viên về quá trình thiết kế các bài học tích hợp với các môn học cũng như quá trình tổ chức dạy học chưa phát huy được hiệu quả, chất lượng vẫn chưa đạt theo yêu cầu của ngành đề ra.
Từ đây cho thấy, việc vận dụng quan điểm tích hợp để đề ra một số yêu cầu và cách thiết kế bài học tích hợp cho giáo viên trong giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản – sức khỏe tình dục đáp ứng đổi mới chương trình cần được các nhà trường, tổ bộ môn và giáo viên quan tâm đầu tư thích đáng hơn nữa.
Giáo dục giới tính với bài học tích hợp
Thiết kế bài học tích hợp giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản – sức khỏe tình dục cho học sinh, theo TS. Tào Thị Hồng Vân cần tuân thủ những nguyên tắc. Khi lựa chọn chủ đề cần đảm bảo tính mục tiêu. Việc sắp xếp, lựa chọn và liên kết các kiến thức kĩ năng phải nhằm đạt tới mục tiêu giáo dục của cấp học, trên hết là tạo nên con người có khả năng hành động trên nền tảng kiến thức, kĩ năng vững chắc.
Đảm bảo tính khoa học với các kiến thức tích hợpphải khách quan, phản ánh đúng bản chất sự vật, hiện tượng. Có những nét tương đồng trong nội dung và phương pháp. Tích hợp kiến thức của hai hay nhiều môn học khác nhau thành một môn học với điều kiện các môn học đó phải gần nhau về bản chất hay mục tiêu, hoặc chúng bổ sung cho nhau, tránh tích hợp lồng ghép một cách tùy tiện hay gượng ép.
Quá trình xây dựng kế hoach bài học về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản – sức khỏe tình dục theo hướng tích hợp ở THCS giáo viên cần suy nghĩ về những mục tiêu học sinh cần đạt tới; Nội dung tri thức: cách thức hoạt động cần được đưa ra trong hoạt động dạy học hay giáo dục; Điều học sinh đã biết về chủ đề của bài học hay của hoạt động giáo dục; Cách đánh giá kết quả…
TS. Hồng Vân lưu ý, vì đặc điểm của mỗi trường, khả năng tiếp thu của học sinh và kinh nghiệm dạy học của giáo viên khác nhau nên xây dựng kế hoạch bài học chi tiết sẽ do từng giáo viên thực hiện phù hợp với hoạt động dạy học của mình.
Khi xây dựng kế hoạch bài học, giáo viên dựa vào nội dung tích hợp để soạn bài. Tuy vậy, cần lưu ý đảm bảo mục tiêu chính của bài học. Mục tiêu của bài học đưa ra ở mức độ nào thì căn cứ vào đó để xây dựng nội dung (lựa chọn chủ đề), thiết kế kế hoạch bài dạy, cách tiến hành dạy trên lớp, lựa chọn phương pháp, cách đánh giá.
Một vấn đề giáo viên cũng rất đáng quan tâm, đó là khi thiết kế kế hoạch bài học theo hướng tích hợp, giáo viên cần coi trọng và biết xác định mục tiêu. Mục tiêu được xác định cần chỉ ra những điều học sinh cần hiểu, biết hoặc làm được sau khi học bài…
Tóm lại, việc xây dựng một số bài học tích hợp về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản - sức khỏe tình dục vào các môn học là một trong những biện pháp quan trọng góp phần nâng cao năng lực dạy học tích hợp cho giáo viên THCS nói chung và giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản – sức khỏe tình dục nói riêng.
Để việc dạy tích hợp này có hiệu quả, không chỉ đòi hỏi giáo viên phải nắm vững nội dung, địa chỉ tích hợp, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tích hợp mà nhà trường cần tạo điều kiện cho giáo viên tự bồi dưỡng các phương pháp thiết kế bài học và các kĩ năng giảng dạy.