Vẻ đẹp của dấu chấm lửng trong thi ca

GD&TĐ - Trong ngôn ngữ nói, thế mạnh của nó là nhờ hệ thống phi ngôn ngữ bổ trợ kèm theo như cử chỉ, hành động, giọng điệu lúc bổng lúc trầm…

Nhà thơ Tố Hữu với bài thơ “Việt Bắc”.
Nhà thơ Tố Hữu với bài thơ “Việt Bắc”.

Với ngôn ngữ viết, để hỗ trợ cho nội dung bài viết, người tạo lập văn bản chủ yếu vẫn chỉ dựa vào việc dùng từ, đặt câu để diễn đạt điều mình muốn thể hiện một cách hiệu quả. Văn chương nói chung, đặc biệt là trong thi ca sự thành công trong một tác phẩm nhiều khi được quyết định việc vận dụng tinh tế, hợp lí một kí hiệu dấu câu nào đó, dấu chấm lửng (…) là một trường hợp như thế.

Có khá nhiều thi nhân đã vận dụng dấu chấm lửng (…) trong các thi phẩm của mình rất hiệu quả. Trước hết, họ sử dụng dấu chấm lửng trong những trường hợp ngôn ngữ phải cúi đầu “bất lực” trước tình cảm, cảm xúc. Đó là khi những vần thơ, câu thơ thấm đẫm, dâng trào những cung bậc cảm xúc như nhớ nhung, thất vọng... Hay nói một cách khác, đó là trong những trường hợp thi nhân muốn thể hiện ẩn ý rằng: Dòng thơ ấy, cảm xúc ấy đang quá tuôn trào và cậy nhờ dấu chấm lửng nói hộ mình những cảm xúc bất tận đó. Trong Bài ca du kích, Hồ Chí Minh đã mở đầu và kết thúc như sau:

Ào, ào, ào…

Ào, ào, ào…

Già nào

Trẻ nào,

Lính nào,

Dân nào

Đàn ông nào,

Đàn bà nào!

…….

Ào, ào, ào…

Ào, ào, ào…

Du kích ngày càng mạnh

Du kích ngày càng cao.

Ào, ào, ào…

Ào, ào, ào…

Bằng việc sử dụng động từ mạnh “ào” và kết hợp với dấu chấm lửng ở cuối dòng, Hồ Chí Minh đã diễn tả thành công sức mạnh phi thường của đội quân du kích của ta. Việc sử dụng động từ mạnh, đặc biệt là dấu chấm lửng lặp lại vòng tròn đầu cuối hợp lí đã giúp Bác không cần sử dụng nhiều ngôn ngữ, nhiều hình ảnh, nhiều chi tiết mà vẫn diễn tả sống động, đầy đủ quá trình hình thành, phát triển lớn mạnh của đội quân du kích – một trong những đội quân chủ lực góp công quan trọng trong các cuộc tiến công cũng như phòng vệ của ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Dấu chấm lửng ở cuối bài thơ còn giúp Bác diễn tả hình ảnh một đội quân du kích sẽ còn lập được nhiều chiến công trong tương lai và sẽ còn lớn mạnh mãi…

Trong bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu - ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng, đã có những vần thơ hồi đáp với người ở lại thật tinh tế. Khi người ở lại - đồng bào Việt Bắc băn khoăn, nhắn hỏi rằng:

- Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Thì người về xuôi - những người cán bộ, chiến sĩ kháng chiến đang về lại Thủ đô đã đáp lại rằng:

- Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

Hình minh họa cho bài thơ “Giá như” của nhà thơ Anh Ngọc.
Hình minh họa cho bài thơ “Giá như” của nhà thơ Anh Ngọc.

Dấu chấm lửng trong câu “cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…” là một điểm nhấn đặc biệt về phương diện hình thức nghệ thuật của đoạn đối đáp trên. Trước hai câu hỏi thể hiện những băn khoăn, day dứt của đồng bào Việt Bắc, những người cán bộ về xuôi đã đáp lại bằng những tình cảm chân thành nhất. Tâm trạng bâng khuâng, xúc động, nghẹn ngào được dồn nén ở câu thơ cuối đoạn và rồi chất đầy ở dấu ba chấm. Hóa ra, “biết nói gì” không phải là không có gì để nói mà có biết bao nhiêu điều muốn nói nhưng không thể nói hết nên câu. “Biết nói gì” không phải là sự nguội lạnh, dửng dưng, vô cảm vô tình trước tình cảm thủy chung của người ở lại, mà lại là biết bao tâm sự chồng chất muốn nói ra nhưng không thể bởi sự xúc động, nghẹn ngào trong hoàn cảnh “buổi phân li”. Trong một bài thơ khác của Tố Hữu, bài “Tiếng còi xa” in trong tập “Ta với ta” trong khổ mở đầu tác giả đã sử dụng tới hai lần dấu chấm lửng:

Nhiều đêm trằn trọc… tiếng còi xa

Gọi chuyến tàu vào, gọi chuyến ra

Lại tưởng mình trên toa máy mới

Sáng ngày, chạy tới một sân ga…

Đằng sau “nhiều đêm trằn trọc…” là dấu chấm lửng diễn tả bao nét tâm trạng chồng chất không thể dễ gì diễn tả. Và cũng từ trong khoảng lặng im ấy bỗng cất lên “tiếng còi xa” đầy tươi mới. Dấu chấm lửng như là một gạch nối giữa hai cung bậc cảm xúc buồn vui, băn khoăn và tin tưởng… Dấu chấm lửng ở cuối đoạn lại mở ra những chiêm ngẫm mới về lẽ sống, về cuộc đời:

Được làm cây lúa vàng thơm hạt

Làm tiếng chim thanh hót sớm chiều

Làm hàng gạch lát đường thôn mát

Tri kỉ, tri âm chẳng đợi nhiều.

Và “Cứ đi… cho đến lúc tàn hơi/ Biết đâu, ngày tháng vui như hội/ Bạn mới thêm đông, trẻ lại nhiều”.

Như vậy, dấu chấm lửng trong những trường hợp trên nhằm để diễn tả những tình cảm, cảm xúc, nỗi niềm không thể nói hết, không thể diễn tả được bằng… ngôn ngữ.

Bên cạnh việc sử dụng dấu chấm lửng để diễn tả những cung bậc tâm trạng, nhiều nhà thơ còn sử dụng nó để biểu đạt một ý nghĩa tế nhị nào đó mà mình không tiện nói thẳng, nói thật. Đó là khi các thi nhân lại vận dụng một cách khéo léo, tinh tế dấu chấm lửng để rồi có thể nói tác dụng biểu ý đã vượt ra khỏi tác dụng đơn thuần của loại dấu câu này. Nguyễn Bính là một trong số những nhà thơ vận dụng thành công hiệu quả của dấu chấm lửng ở phương diện trên. Trong bài thơ Chờ nhau có cặp lục bát:

Em nghe họ nói mong manh

Hình như họ biết chúng mình… với nhau.

Dấu chấm lửng trong trường hợp này được vận dụng thật thần tình. Nó đã diễn tả được tâm trạng e thẹn, e ấp với một chút ngượng ngùng của người con gái khi đối diện với người mình yêu. Diễn biến tâm trạng đó cùng hành động nói ngập ngừng đã được biểu lộ qua mỗi dấu chấm lửng thật tinh tế. Tác giả không viết “Hình như họ biết chúng mình yêu nhau”. Vì sao thế? Nếu dùng từ “yêu” và lại không dùng cả dấu chấm lửng đằng sau từ “chúng mình” thì rõ ràng điều tế nhị trong tình cảm sẽ không được giấu đi. Thế thì lộ quá, suồng sã quá. Và cũng đúng với bản chất, tình cảm của người phụ nữ Việt. Và trong trường hợp này, dấu chấm lửng có giá trị hơn bất kì một từ ngữ nào nếu không muốn nói là không thể có từ nào diễn tả được sự hàm súc, biểu cảm mà lại tình tứ đó từ cô gái.

Trong bài thơ “Giá như”, nhà thơ Anh Ngọc cũng sử dụng dấu chấm lửng ở cuối bài như là một ẩn ý sâu sắc. Nhà thơ viết:

Giá như hai đứa... ngày xưa

Chán nhau ngay lúc mới vừa gặp nhau…

Trong một cặp lục bát, nhà thơ dùng tới hai lần dấu chấm lửng hẳn đó phải là một dụng ý nghệ thuật rõ ràng. Trước đó, đọc bài thơ độc giả ít nhiều đã cảm nhận được cái “giá như” phủ định cuộc gặp gỡ của nhân vật trữ tình với người yêu trước đây ít nhiều lại là một sự khẳng định:

Giá ngày ấy chẳng gặp nhau

Chẳng trao ánh mắt chẳng trao nụ cười

Thản nhiên hai cái mặt người

Dửng dưng đi giữa cuộc đời dửng dưng.

Song điều đó được thể hiện rõ hơn hết ở dòng lục bát cuối bài mà đặc biệt là ở cách sử dụng tinh tế dấu chấm lửng. Nhân vật trữ tình - nhà thơ “giá như” nhưng lại để dấu chấm lửng ở giữa dòng thơ cũng đủ thấy sự ngập ngừng, chấp nhận cái sự “gặp gỡ” này rồi. Và nhất định đó là một sự tiếc nuối đến dỗi hờn, một sự mong muốn… dễ thương của nhiều người khi yêu. Dấu chấm lửng giúp nhân vật trữ tình không cần nói ra cái điều khó nói mà người đọc vẫn ngầm hiểu được.

Rõ ràng nếu không có những gì xảy đến như những gì “giá như” ấy thì chắc chắn cuộc đời sẽ trở nên vô vị. Chính tác dụng ngoài ngôn từ ở dòng cuối đã tạo cho tứ bài thơ tình lẽ ra buồn vì chia tay, nhưng đọc lại không thấy buồn. Chia tay một cách nhẹ nhàng làm sao. Còn dấu chấm lửng sau cùng phải chăng còn là sự tiếp nối của nhiều cái “giá như” nữa mà thi nhân muốn nói? Hay lại chính là sự chấp nhận đến nhẹ nhàng cái quy luật muôn thuở trong tình yêu “Tình yêu đến, tình yêu đi/ Biết chăng thì cũng làm gì được đâu”.

Một tác dụng dễ thấy nữa của dấu chấm lửng cũng thường được các thi nhân vận dụng, đó là làm giãn nhịp (chậm nhịp) câu thơ để chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ, thú vị hay hài hước, châm biếm khác xuất hiện. Bài thơ “Học quên để… nhớ” của Đặng Vương Hưng là một minh chứng sống động cho điều này. Bài thơ ngay ở nhan đề đã thể hiện rõ ý đồ tạo bất ngờ cho độc giả. Từ “nhớ” đằng sau dấu chấm lửng thật sự là một bất ngờ đối với độc giả bởi lẽ nó đối lập nghĩa với từ “quên” trước đó. Và từ nhan đề thú vị đó, ta có thể thấy một loạt dấu chấm lửng được sử dụng trong bài đều tạo nên sự ý vị, sâu sắc đối với những ai khi tiếp cận bài thơ:

Học quên để… nhớ cho nhiều

Học hờn giận để… cưng chiều đấy thôi.

hay

Tôi giờ còn lại chiêm bao

Cố trần tục để… thanh tao kiếp người.

Ở đây nhà thơ đã khéo léo sử dụng sự đối lập nghĩa của các cặp từ (quên/ nhớ; giận/ cưng; chiêm bao/ trần tục…) thông qua hệ thống dấu chấm lửng để tạo nên những mệnh đề tưởng như phủ định nhau nhưng ngẫm kĩ lại là có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vậy là những phạm trù triết học khô khan đã được thể hiện nhẹ nhàng mà hiệu quả ở trong một bài thơ. Học quên đi những điều tiêu cực, những thù hận, những tham sân si để có thể “nhớ” đến được nhiều điều tốt đẹp khác đang hiện hữu xung quanh cuộc sống mình… Độc giả không chỉ bất ngờ, mà quan trọng hơn còn có thời gian ngừng nghỉ để chiêm nghiệm về những thứ đối nghịch tưởng chừng như không thể thống nhất trong cuộc đời. Những triết lý nhân sinh sâu sắc như được nhấn mạnh, tô điểm thêm nhờ những… dấu chấm lửng: “Học sắc sảo để… dại khờ/ Học già dặn để… ngây thơ thuở nào”.

Cũng nhờ vẻ đẹp của những dấu chấm lửng này mà nhịp điệu bài thơ trở nên chậm rãi, người đọc có thể ngâm nga thư thái để nghĩ suy về những gì thi nhân muốn bộc bạch, gửi gắm. Có thể nói “Học quên để… nhớ” như là một cô gái đẹp. Cái để ta quen, hấp dẫn ta, cuốn hút ta là vẻ đẹp hình thức – những dấu chấm lửng. Và ít nhiều cũng là chính nó cùng làm nên vẻ đẹp bên trong, vẻ đẹp nội dung của bài thơ để có thể… sống lâu bền ở người đọc. Và đúng là không thể  không “đam mê” với những vần thơ như cặp câu kết của cô gái đẹp ấy “Mải mê học khóc cho… cười/ Quên hờ hững để người đam mê…”.

Còn biết bao nhiêu ánh sáng từ vẻ đẹp của dấu chấm lửng được dùng trong thi ca chưa thể nhắc đến, chỉ biết rằng vẻ đẹp đó có lẽ là bất tận. Mỗi thi nhân trong một phút thi hứng nào đó có thể “tóm bắt” được thứ ánh sáng ấy mà tha hồ làm xốn xang tâm hồn bạn đọc. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ