Vẻ đẹp thiếu nữ Hà Nội trong thi ca

GD&TĐ - Hình ảnh thiếu nữ trong thi ca, trong nghệ thuật bao giờ cũng đẹp, cũng lấp lánh một vẻ yêu kiều, lung linh đủ sắc màu… làm ta mê say, quyến rũ trái tim ta.

Nét duyên của cô gái Hà thành xưa.
Nét duyên của cô gái Hà thành xưa.

Nhưng đối với các thi phẩm, thi ca về Hà Nội thì vẻ đẹp đó càng trở nên quyến rũ hơn, lung linh hơn và nét đẹp thiếu nữ Hà Nội càng thật thăng hoa với nét đẹp tỏa sáng một cách kì lạ và một nét duyên lôi cuốn ta. 

Vẻ đẹp thiếu nữ trong thi ca về Hà Nội đã được thể hiện dù với hình thức nào cũng luôn tạo dấu ấn khó phai mờ, khắc họa thật đẹp hình ảnh đầy ấn tượng về nét đẹp, nét duyên của người Hà Nội:

“Chẳng thơm cũng thể

hoa nhài

Dẫu không thanh lịch

cũng người Tràng An”

Những bài hát về Thủ đô ngàn năm văn hiến luôn luôn rất hay, rất dễ thuộc, dễ nhớ và trong đó hình ảnh người thiếu nữ Hà Nội càng đẹp, càng rạng ngời. Trong nét hào hoa vốn có của người Hà Nội thì nét đẹp thiếu nữ Hà Nội như một điểm nhấn đặc biệt giống như một người thiếu nữ không thể không có nét duyên để tạo nên vẻ đẹp bền vững cho mình.

Chính vẻ nền nã duyên dáng đó mà vẻ đẹp thiếu nữ Hà Nội trong thi ca nói chung, trong thi ca về Hà Nội nói riêng đã có chỗ đứng trong lòng mọi người, đặc biệt với những người yêu Hà Nội.

Trước hết chúng ta đề cập đến nét đẹp rất riêng của thiếu nữ Hà thành trong những bài ca viết về Hà Nội như một minh chứng hùng hồn về vẻ đẹp hoàn mỹ của các cô gái Thủ đô yêu kiều.

Trong “Hà Nội mùa thu”, nhạc sĩ Vũ Thanh đã cho ta thấy thấp thoáng hình ảnh người con gái Hà thành với một vẻ trầm lắng: “Em bên anh, ta bước đi nghe lòng nghĩ suy gì. Hà Nội, tim ta đó. Dặm dài trong gian khó. Vẫn ngát xanh, xanh mùa thu” để đủ cho người hát, người nghe hình dung ra được một vẻ đẹp dung dị của nàng thiếu nữ đang dịu dàng trong một chiều thu Hà Nội.

Vẻ đằm thắm dịu hiền đó được nhạc sĩ hào hoa Phú Quang miêu tả thật sinh động trong “Em ơi, Hà Nội phố” với hình ảnh người con gái  trên con đường mưa rơi càng ấn tượng hơn nhiều: “Con đường vắng thì thầm cơn mưa nhỏ. Ai đứng chờ ai, tóc xõa vai mềm”.

Hình ảnh người con gái tóc xõa ngang vai đang đứng chờ trong cơn mưa bụi trên con đường nhỏ trên phố Hà Nội gợi cho ta nhớ đến câu thơ rất hay của nữ thi sĩ người Nga Onga Becgon: “Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi. Cơn mưa thì thầm lúc chia ly”.

Người con gái Hà Nội, người thiếu nữ Hà thành tất nhiên không chỉ đằm thắm dịu dàng mà còn rất anh hùng, khí phách…Vẻ cứng rắn, tự tin đó được khắc họa qua các lời ca như một nét chấm phá của những nốt nhạc mạnh mẽ. Trong bài “Hà Nội, một trái tim hồng”, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã thể hiện rõ ràng: “Một cô gái lên đường đi xa-vẫn thuỷ chung với cả tấm lòng”.

Còn nhạc sĩ Phan Nhân trong ca khúc “Bài ca Hà Nội” thì đã ngợi ca: “Ơi! Cô gái ơi! Em đi về đâu mà mắt em tươi  sáng, em đi về đâu mà chân bước hiên ngang, những hôm miệt mài trên bãi tập, chiến công này hẳn có tay em...” làm sống lại hình ảnh những người con gái Thành đô trong thời kì bom rơi đạn nổ, cùng cả nước chung sức đánh quân thù để “Bước chân em chưa mòn lối. Em vẫn đạp xe ra phố…” trong bài ca “Nhớ về Hà Nội” của Hoàng Hiệp như một nét đẹp rất riêng của thiếu nữ Hà Nội.

Có lẽ chính vì vậy mà “người hát rong” họ Trịnh khi sáng tác bài hát rất hay “Nhớ mùa thu Hà Nội”: “Hà Nội mùa thu - mùa thu Hà Nội. Nhớ đến một người…”.

Có phải nhạc sĩ tài danh này nhớ về hình ảnh người thiếu nữ Hà Nội thật quyến rũ trong một mùa thu thật đẹp ở Hà Nội có cây cơm nguội vàng, có mùi hoa sữa nồng nàn trong gió thu, có hồ Tây mờ ảo trong sương với  “mặt nước vàng lay” và hương cốm thoảng bay trong không gian tràn ngập nắng thu…

Vẻ đẹp thiếu nữ Việt xưa trong các bức họa nổi tiếng “Thiếu nữ bên hoa huệ”, bức tranh đi liền với tên tuổi danh họa Tô Ngọc Vân.

Vẻ đẹp thiếu nữ Việt xưa trong các bức họa nổi tiếng “Thiếu nữ bên hoa huệ”, bức tranh đi liền với tên tuổi danh họa Tô Ngọc Vân.

Còn nhạc sĩ Hồng Đăng khi sáng tác “Hoa sữa” cho bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” cũng thật ngọt ngào khi hỏi mà không phải hỏi mà là để khẳng định “có lẽ nào anh lại quên em, có lẽ nào anh lại quên em”.

Làm sao có thể quên được người con gái Hà Nội yêu kiều, duyên dáng… đẹp như một giấc chiêm bao… để nhạc sĩ Phú Quang nói “Điều giản dị”: “Càng xa em ta càng thấy yêu em”.

Mùa thu Hà Nội thật đẹp, thật quyến rũ. Mùa thu bao giờ chẳng dịu dàng, đẹp như những cô gái ngoan hiền. Có lẽ vậy nên những ca khúc về Hà Nội cũng như thấp thoáng, như hiển hiện bóng dáng của mùa thu, bóng dáng nàng thiếu nữ, như một nét đẹp, một sự gắn kết không thể tách rời… mà là một.

Đó là vẻ đẹp sương khói của nàng thiếu nữ trong “Phố nghèo”: “Thiếu phụ buồn thương đi trong sương như nhân ảnh mờ… Người thiếu nữ đã gặp tôi ngượng ngùng khăn quàng cũ cuối mùa thu mẹ đưa em qua phủ Tây Hồ” (Trần Tiến). Còn trong ca khúc “Mối tình đầu” của Thế Duy thì hoài niệm, thì nuối tiếc về hình ảnh “tóc em dài như gió mùa thu” để “tôi đi xa Thủ đô nhớ về người thiếu nữ cứ mỗi khi thu về….”.

Với “Đoản khúc thu Hà Nội” thì Trịnh Công Sơn cũng nhớ về nàng thiếu nữ của mùa thu cùng hình ảnh “Thu vàng nhớ em, Hà Nội ơi… Nhớ trong tim Hà Nội có em. Anh nắm tay em, một lời dịu êm, anh nói yêu em, anh nói yêu em mãi thôi. Bởi vì mùa thu tôi ở lại, hồng má môi em hồng sóng xa”.

Dường như những mối tình đẹp, những mối tình lãng mạn đều ở mùa thu có bóng dáng nàng thiếu nữ, có chút se lạnh của gió heo may trong chiều thu Hà Nội, có vương chút nắng vàng diệu vợi… và có mái tóc ai dài buông trong cái vấn vương của thu, của lòng ai…

Chính vì vậy mà nhớ về Hà Nội là nhớ về “em”, nhớ về vẻ đẹp rất riêng của thiếu nữ Hà thành, vẻ đẹp đó gắn với vẻ đẹp của mùa thu tuyệt vời mà thiên nhiên chỉ ban tặng riêng cho mảnh đất hào hoa của kinh đô ngàn năm văn vật, “ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” của chúng ta.

“Anh cũng có một bóng hình Hà Nội. Hà Nội là em, duyên dáng dịu dàng. Ơi, mái tóc em, lá cây xanh thoảng mùi hoa sữa. Ơi, đôi mắt em, nước hồ thu lồng lộng gió heo may. Nghe tiếng hát em, gió thu ru sông Hồng đôi bờ vắng. Anh, anh đã yêu Hà Nội đến say mê” (Hà Nội là em).

Cũng với tâm trạng như vậy, tác giả Minh Nhiên trong “Hà Nội có em” đã thể hiện tình cảm của mình, nỗi nhớ về mùa thu với bao kỉ niệm đong đầy cùng dáng hình ai và mùi hương của tóc nàng thiếu nữ “Buổi chiều nhớ em. Dường như tiếng thu. Lòng người nhớ ai… Tìm lại mùi hương trên mái tóc em. Hà Nội có em cùng bao kỷ niệm, dìu bước bên nhau về. Nhớ trong tim, Hà Nội có em”.

Với “Chiều Hà Nội”, Vũ Quang Trung lại thổn thức cùng em, cùng mùa thu trong xôn xao lá rơi, trong đôi mắt nàng thiếu nữ có cả những buồn vui nơi góc phố nhỏ chứa chan bao kỷ niệm buồn vui: “Hà Nội trong mắt ai bao buồn vui góc phố em. Hà Nội trong mắt em hay mùa thu tiếng lá rơi, và em đến với tôi trong một chiều. Anh xa em lá thu rơi ngập đường góc phố”. Để “Sài gòn hôm nay mong lá thu rơi. Tìm lại mùi hương trên mái tóc em” (Hà Nội có em - Minh Nhiên).

Nhạc sĩ Hữu Xuân thì lại nhận thấy vẻ đẹp trong sáng hồn nhiên của những tà áo trắng học trò bay trên phố phường Hà Nội mỗi độ thu về, khi một năm học mới lại bắt đầu, khi đó những tà áo trắng tinh khôi lại “như mây xuống phố”, nhẹ bay trong nắng, trong gió thu… “tà áo trắng, tóc em bay trong chiều mùa thu” để “ta còn em một màu xanh thời gian. Một chiều mái tóc em bay chợt nhòa chợt hiện” (Em ơi, Hà Nội phố - Phú Quang).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vẻ đẹp của các thiếu nữ Hà thành quyện trong hương hoa sữa nồng nàn, một nét đặc trưng chỉ có ở Thủ đô mà Trương Quý Hải thổn thức “hoa sữa thôi rơi em bên tôi một chiều tan lớp” của “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”… Còn nhạc sĩ Trọng Đài thì reo vang cùng nụ cười học trò “chiều mùa thu gió về dọc trên phố phường. Nắng vàng hồng tươi những nụ cười” trong “Hà Nội đêm trở gió” làm tâm hồn ta như rộng mở, chan chứa niềm vui, tình yêu cuộc sống tươi đẹp…

Với “Hà Nội ngày tháng cũ”, nhạc sĩ Song Ngọc lại vẫn ám ảnh về hình ảnh “Áo trắng” của cô học trò ngày nào cùng nét đẹp thơ ngây, hồn nhiên… để nhớ hoài về Hà Nội, nhớ về cô gái ngày nào: “Có dáng em tôi áo trắng nghiêng nghiêng đường chiều, tiếng guốc lưa thưa lao xao khua trên vỉa hè… Hà Nội có nhớ chiếc áo xanh lam, thơ ngây cô em học trò. Áo trắng Tây Sơn Trưng Vương em tan trường về. Dù đường xưa vắng… ai chờ”.

Vẻ đẹp của người thiếu nữ trong các bài ca về Hà Nội là vẻ đẹp dịu dàng, kín đáo. Vẻ đẹp ấy toát lên vẻ nữ tính, vẻ sang trọng, nét thanh lịch của thiếu nữ kinh thành ngàn năm văn hiến. Nét đẹp thiếu nữ Hà Nội ngân nga trong các ca khúc trữ tình mà sâu lắng, mà say đắm lòng người. Nét đẹp đó làm nên sự thăng hoa cho các ca khúc viết về Hà Nội, làm tăng thêm nét duyên, vẻ đẹp của con người Hà Nội, tôn thêm nét văn hoá của con người, cảnh vật Hà Nội.

Với bất cứ cung bậc cảm xúc nào, thì những ca khúc viết về Hà Nội, những ca từ đều thể hiện sự tinh tế mà nhẹ nhàng, dịu dàng mà uyển chuyển, thiết tha… mà điểm nhấn là hình ảnh đẹp của các thiếu nữ Hà Nội ẩn hiện trong lời ca, điệu nhạc. Đó có thể chỉ là một “dáng huyền tha thiết đê mê, tóc thề thả gió lê thê” (Hướng về Hà Nội - Hoàng Dương) cũng đã khơi gợi trong ta bao niềm cảm xúc.

Hay đơn giản chỉ là hình ảnh chiếc khăn gắn liền với mùa đông trên cổ nàng thiếu nữ Hà Nội đã đủ để khắc họa nên vẻ đẹp nền nã mà kiêu sa của người con gái kinh kỳ “Em tôi đi màu son lên đôi môi, khăn san lả lơi trên vai anh” (Gửi người em gái miền Nam - Đoàn Chuẩn, Từ Linh), “Tôi mong về Hà Nội. Để thương áo len cài vội, một chiều đông rét mướt, những hạt mưa bụi rơi” (Mong về Hà Nội - Dương Thụ), “khăn em bay hiu hiu gió lạnh” (Hà Nội mùa vắng những cơn mưa - Trương Quý Hải).

Rõ ràng hình ảnh chiếc khăn nhẹ bay trên vai nàng thiếu nữ gợi trong ta hình ảnh về phố phường Hà Nội những mùa đông lạnh giá, đó là “Nỗi nhớ mùa đông” (Phú Quang), nhớ những chiều mưa bay Hà Nội, có những hạt mưa nhẹ bay trên tóc nàng thiếu nữ: “Mưa Hà Nội, mưa bay bay lặng lẽ. Em thẹn thùng e ấp nép vào anh. Dìu nhau đi qua từng cơn gió rét. Nhìn mưa bay bé dệt mộng thần tiên. Bên xứ lạ anh vẫn còn vương vấn. Má đồng tiền và mưa mãi triền miên” (Hà Nội mưa bay - Trần Ngọc).

Dù ở nơi đâu, nơi chân trời góc biển nào ta vẫn nhớ đến cháy lòng Thủ đô yêu dấu những chiều đông cùng bao giấc mơ ngọt ngào của những ngày đã qua nhưng còn mãi dư vị êm dịu…; nơi đó có bóng hình nàng thiếu nữ ngày xa xưa ấy… “Ta còn chờ ai nhạt phai sắc nắng? Heo may tan nhoà bao giấc mơ xưa. Giờ em mong manh như khói. Chợt nhớ ngày ấy khi em qua phố một chiều. Trao cho ta ấm áp nụ hôn lạnh. Và vòng tay khao khát mong manh” (Lãng đãng chiều đông Hà Nội - Phú  Quang).

Và ta mãi “luyến thương hình bóng qua…” (Hướng về Hà Nội - Hoàng Dương). Và để “Anh đi tìm em như tìm về hạnh phúc” (Hà Nội đêm mùa đông - Hoàng Phúc Thắng).

Với Phạm Minh Tuấn thì “Hà Nội thầm hát trong tôi” là dáng thanh cao của người thiếu nữ, là mùi hương từ mái tóc nàng thiếu nữ, là nét đẹp bừng sáng như mùa xuân rạng rỡ sắc đào mới nở mỗi dịp Tết đến xuân về: “Thơm tóc em từ câu hát ngày xưa. Dáng thanh thanh trong sáng hồn thơ. Tôi thấy như hoa đào chớm nở”. Mỗi mùa mỗi vẻ, và vẻ đẹp thiếu nữ Hà Nội cũng toả sáng cùng bốn mùa của đất trời Hà Nội như “đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như dáng kiều… trời thắm gió trăng hiền. Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên… Em nhẹ bước mà đi giữa chân trời bát ngát…” (Gửi người em gái miền Nam - Đoàn Chuẩn, Từ Linh).

Ta cảm nhận được từ “những đôi mắt ánh lên niềm hẹn ước” của một “Chiều hồ Gươm” (Trần Thụ).

Hà Nội đẹp, con người Hà Nội đẹp, hào hoa, thanh lịch. Hà Nội có ngàn năm văn hiến. Hà Nội có cảnh sắc hữu tình, có non xanh nước biếc đất trời linh thiêng. Hà Nội có nhân văn linh kiệt… xứng đáng là Thủ đô yêu dấu của đất nước Việt Nam có bốn ngàn năm lịch sử oai hùng.

Hà Nội có bao nhiêu những bài ca tuyệt hay để khi ta cất cao lời hát hay ta lắng nghe ta càng cảm thấy yêu Hà Nội hơn. Và trong các bài ca ấy ta luôn cảm nhận được vẻ đẹp, vẻ duyên dáng của các thiếu nữ Hà Nội.

Vẻ đẹp đặc biệt ấy làm những ca khúc viết về Hà Nội càng thêm quyến rũ, càng làm ta thêm yêu, thêm lưu luyến tha thiết Hà Nội, con người Hà Nội và nét đẹp của thiếu nữ Hà Nội luôn bừng sáng và đọng lại mãi trong trái tim ta, để qua đó ta có thể khẳng định một điều giản dị như chân lý: “…hiểu tâm hồn người Hà Nội. Mộc mạc thôi…” (Hà Nội và tôi - Lê Vinh) và “Cô gái Hà Nội mỏng manh như tia nắng mùa hè, dịu dàng như làn gió mùa thu, tinh khiết như giọt sương mùa đông và tươi tắn như tiết trời ngày xuân”.

“Con gái Hà Nội, họ hiếm hoi, ẩn mình như giọt nước đọng ở mặt dưới của lá cây sau cơn mưa. Có duyên mới gặp, phải tìm mới thấy”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Việc thiếu ngủ có thể khiến trẻ mệt mỏi. Ảnh minh họa: INT

Duy trì giấc ngủ đều đặn

GD&TĐ - Tết là thời điểm cha mẹ và trẻ tham gia nhiều hoạt động, tiệc tùng. Đây cũng là lúc trẻ được nghỉ học với tâm trạng phấn khích, háo hức.