Lời thơ hào hùng của nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa một giai đoạn lịch sử của đất nước trong suốt nửa sau thế kỷ XX. Đất nước ta – một thời kỳ đầy máu và hoa, “có nỗi thương đau có niềm hy vọng”, những trang sử chói ngời cùng những tên tuổi trường tồn, vĩnh cửu. Họ góp phần tạo nên dáng đứng Việt Nam oai phong đầy kiêu hãnh. Và trong những ngày đẹp tuyệt này, mỗi chúng ta vẫn luôn nhớ về những con người đã làm nên lịch sử.
Đó không chỉ là những người con gái, con trai xung phong ra trận; là những cô gái thanh niên xung phong, người chiến sĩ lái xe, những người lính trên chuyến tàu không số trên tuyến đường Trường Sơn, mà còn là nét đẹp của những con người lao động làm nên hậu phương vững chắc. Những nhân vật được nhắc đến trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long là con người như thế.
Nguyễn Thành Long là nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông bắt đầu viết văn từ kháng chiến chống Pháp và gặt hái được nhiều thành công. Văn Nguyễn Thành Long như một bài thơ buồn êm dịu, một bông cúc nhỏ xinh run rẩy nở trong sương sớm. Nhiều khi, hồn văn Nguyễn Thành Long làm dịu mát lòng ta như mạch nguồn trong trẻo, dịu dàng. Văn của ông đặc biệt thành công ở đề tài miền Bắc thời kỳ đi lên CNXH, làm hậu phương cho tiền tuyến miền Nam.
Chọn truyện ngắn – một thể loại văn xuôi ngắn gọn, thường chỉ khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất nhất trong đời sống nhân sinh hay trong tâm hồn con người, một lát cắt, một khoảnh khắc trong dòng đời trôi chảy, nhà văn đã nhiệt thành ca ngợi những con người lao động mới, dám nghĩ, dám làm, không sợ khó khăn gian khổ, say mê trong lao động sáng tạo, nhân hậu và tha thiết yêu cuộc sống.
Tuy tính cách và nghề nghiệp của các nhân vật khác nhau nhưng tất cả đều có chung một thái độ sống, lao động, làm việc và cống hiến hết mình cho Tổ quốc một cách vô tư, âm thầm, lặng lẽ. Nguyễn Thành Long chỉ phản ánh sự kiện trong một không gian là thiên nhiên Sa Pa, căn nhà, khu vườn của anh thanh niên nơi lưng chừng Yên Sơn và thời gian chỉ 30 phút gặp gỡ. Nhà văn đã lựa chọn một khoảnh khắc của thời gian, nhưng đó là thời điểm có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của nhân vật, là khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, là thời khắc mà cuộc sống cô đặc lại, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất, để con người bộc lộ rõ nét vẻ đẹp tâm hồn, đời sống nội tâm, phần ẩn náu sâu kín nhất.
“Lặng lẽ Sa Pa” kể về một chuyến xe đi thực tế lên Lào Cai, ông họa sĩ già tình cờ gặp cô kỹ sư trẻ, họ trở nên thân thiết với nhau. Họ được bác lái xe kể cho nghe về một anh thanh niên 27 tuổi, làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu, sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2.600m. Cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra ngắn ngủi nhưng kịp để lại trong lòng ông họa sĩ và cô kỹ sư những cảm xúc tốt đẹp về anh thanh niên – một chàng trai có lý tưởng sống cao đẹp, âm thầm lặng lẽ hy sinh, cống hiến cho đất nước. Và đồng thời, phong cách sống, nhân cách và những hoài bão của anh cũng mở ra trong lòng họ những ý niệm mới mẻ, sâu sắc về cuộc sống.
Trước hết, câu chuyện mở ra trước mắt người đọc một bức tranh thiên nhiên Sa Pa thấm đượm chất thơ và chất họa, được khám phá qua lăng kính của một họa sĩ lão thành từng đặt chân lên những dặm dài của đất nước. Một bức tranh thiên nhiên nhiều tầng bậc, đa sắc màu, có đường nét, hình khối và vô cùng sống động. Đó là một nơi mà trên cao có mây trời, tầng thấp là cỏ cây, hoa lá, quyến rũ bởi màu xanh bát ngát của rừng, màu trắng của những đám mây bồng bềnh, nắng vàng rực rỡ, hoa đào hồng thắm, màu tím hoa cà và của cây tử kinh, màu bạc lấp lánh của phấn thông.
Thiên nhiên vừa tinh nghịch, trẻ trung, rung tít trong nắng những ngón tay bàng bạc, vừa trầm ngâm, bao dung như người từng trải “Dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng”. Thiên nhiên đem đến cho con người bao điều mới lạ, thơ mộng về một miền đất nước.
Thiên nhiên khơi gợi bao háo hức, khát khao khám phá cho những con người lần đầu bước chân đến nơi đây. Giữa không gian mênh mông và hoang sơ ấy, có anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu tại đỉnh Yên Sơn cao 2.600m. Anh đã gắn bó với công việc ấy trong 4 năm và sẽ gắn bó mãi đến khi nào Tổ quốc hết cần anh. Công việc khiến anh đối diện với sự cô độc – điều mà tất cả chúng ta đều sợ. Đến ông họa sĩ già – một người từng trải cũng phải thừa nhận: “Buồn thì ai mà chả sợ, nó như con gián gặm nhấm người ta”. Sự cô độc khiến anh gắn với những biệt danh rất đáng yêu: “Thèm người”, “người cô độc nhất thế gian”.
Công việc cụ thể của anh là đo mưa, đo gió, tính mây, đo nắng, đo chấn động mặt đất, góp phần dự báo thời tiết, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Công việc của anh rất đỗi vinh quang bởi vì mỗi con số anh “ốp” về đơn vị vô cùng có ý nghĩa. Nhưng mà công việc ấy nó nhàm chán, đặc biệt là với thanh niên. Ngày lại ngày trôi qua, cứ hai tiếng anh lại ốp về cơ quan một lần. Vất vả và gian truân nhất là ốp vào lúc một giờ sáng. Gió tuyết và lặng im như chực cuốn lấy con người. Trong 4 năm qua bình minh đối với anh là vào thời khắc đó. “Rét bác ạ, xong việc trở vào là không thể nào ngủ được nữa”. Từ hoàn cảnh sống và công việc, chân dung anh thanh niên dần dần hiện ra, đẹp đẽ, trong ngần.
Trước hết, người đọc cảm nhận nhân vật anh thanh niên đẹp ở lòng yêu nghề, ở tinh thần trách nhiệm cao với công việc thầm lặng. Anh cũng là người sống có lý tưởng. Đối diện với công việc và hoàn cảnh đặc biệt như thế, anh thanh niên vẫn tha thiết gắn bó với công việc thầm lặng. Anh có những suy nghĩ chín chắn và sâu sắc về ý nghĩa công việc với cuộc sống con người: “Ta với công việc là đôi”. “Đôi” là sự yêu mến, gắn bó bền chặt, khắc cốt ghi tâm như tình bạn, như tình yêu. Anh chưa bao giờ nghĩ rằng mình làm việc một mình. Công việc ấy gắn liền với bao anh em, đồng chí dưới xuôi. Bao vất vả, hy sinh anh không hề quản ngại. Công việc là sự sống, là hơi thở “cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Bởi gắn bó và tin yêu với công việc anh trở thành cán bộ khí tượng giỏi. Nghe lá cây lay mà định được gió, ngắm sao trời, sao nào khuất, sao nào sáng mà đoán được mây.
Ở tuổi 27, người ta nghĩ nhiều về hạnh phúc. Hạnh phúc là được hưởng thụ, hạnh phúc là ở chốn phồn hoa đô hội. Với anh, hạnh phúc thực sự đến khi anh thấy mình làm việc có hiệu quả, có cống hiến. Một lần nhờ anh phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ được bao nhiêu máy bay Mỹ trên cầu Hàm Rồng, “từ hôm ấy, cháu thấy mình sống thật hạnh phúc”. Tuổi đời còn rất trẻ, anh tự đặt ra những câu hỏi lớn cho đời mình: Mình sinh ra là gì? Mình vì ai mà làm việc? Những câu hỏi ấy là mục đích của cuộc sống, là lý tưởng cao đẹp của con người chân chính.
Sinh ra giữa quê hương mến yêu thì phải vì quê hương mà làm việc. Lẽ sống cao đẹp của anh đã được ngẫm nghĩ từ lâu, nay cuồn cuộn tuôn ra khi gặp người. Sống giữa Sa Pa đầy tin yêu, anh đã biết khắc chế nỗi cô đơn. Anh từng có những suy nghĩ và việc làm rất đời thường: Mình như ngôi sao kia lẻ loi trên bầu trời. Anh có khát vọng rất đỗi bình thường: Chặt cây ngáng đường cho xe dừng lại để được nhìn mọi người, nói cười một lát. Thế nhưng, khi cả dân tộc đang trùng trùng ra trận, tất cả thanh niên đang sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần thì anh thấy nỗi nhớ phồn hoa đô hội là xoàng. Vì thế, anh ở liền trong trạm để bác lái xe phải lên tận nơi và trả lại cho bác vẹn nguyên biệt danh “thèm người”.
Bên cạnh đó, anh còn là người yêu đời, sống tử tế, lãng mạn, biết sắp xếp ngăn nắp, chủ động. Cho dù cuộc sống một mình đã bốn năm trên đỉnh núi cao nhưng anh luôn cố gắng để có một cuộc sống tử tế. Theo lẽ thường, ông họa sĩ nghĩ rằng “Khách tới bất ngờ, chắc cu cậu chưa kịp quét tước hoặc gấp chăn màn chẳng hạn” khi anh tất tả chạy vụt đi sau khi mời họ lên nhà chơi. Nhưng rồi những người khách mới quen đã ngỡ ngàng trước thế giới riêng của anh. Một khu vườn đầy hoa, một căn nhà sạch sẽ, ngăn nắp.
Anh ham mê đọc sách, sách mở rộng tầm mắt, mở rộng tâm hồn anh, hướng anh ra thế giới bao la ở bên ngoài. Cuộc sống của anh được tô điểm không chỉ bởi sắc màu của hoa, mà còn cả bởi sự ngọt ngào của thành quả lao động “cháu có bao nhiêu là trứng ăn không xuể”. Một mình tự do tự tại, anh pha chè thơm như nước hoa ở Yên Sơn. Cuộc sống có hoa, có chè, có thiên nhiên lộng lẫy, đẹp đẽ, có công việc làm bạn: Non xanh nước biếc của Sa Pa đã hòa điệu cùng với vẻ đẹp tâm hồn anh tạo thành một bức tranh, một bức chân dung mê say lòng người.
Vẻ đẹp tâm hồn của anh thanh niên còn thể hiện ở chỗ anh là người nhiệt thành, hiếu khách, tận tụy với người khác. Anh đáng quý, đáng yêu bởi sự niềm nở, tận tình với mọi người. Tất cả những món quà anh tặng họ đều thật ý nghĩa, đều chứa đựng tấm lòng của anh: Một củ tam thất cho người mới ốm dậy, một bó hoa to cho cô gái trẻ từ Hà Nội lên, một chén chè nóng cho người già, một làn trứng cho những người khách đường dài. Gặp những người khách mới quen, không mất một phút giây bỡ ngỡ, anh chia sẻ với họ tất cả những suy nghĩ của anh về công việc, về cuộc sống.
Những điều anh nung nấu từ lâu giờ đây “cuộn tuôn ra khi gặp người”. Anh tâm sự cả những điều người ta ít nghĩ hoặc không dám nghĩ “cô là cô gái thứ nhất từ Hà Nội lên tới nhà tôi trong bốn năm nay”. Chính tấm lòng sốt sắng và tận tụy của anh đã khiến những người khách xúc động mạnh “Những suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có sự vang âm”. Điều rất đáng quý, đáng mến ở người thanh niên ấy còn là sự khiêm tốn và thành thực với chính mình. Khi ông họa sĩ tìm thấy ở anh cảm hứng sáng tạo, xem anh là đối tượng của nghệ thuật anh đã khéo léo từ chối.
Bởi vì theo anh, giữa Sa Pa đầy tin yêu này có biết bao nhiêu người xứng đáng là đối tượng của nghệ thuật hơn anh: Đó là ông kỹ sư vườn rau dưới Sa Pa, anh cán bộ nghiên cứu sét, hoặc anh bạn làm khí tượng trên đỉnh Phan-xi-păng. Với tất cả sự nhạy cảm và tinh tế, anh thanh niên hiểu rõ lí do cô kỹ sư để lại chiếc khăn tay bởi vì ngay sau đó, khi trả lại, anh không dám nhìn vào mắt cô khi hai người chia tay. Và cuối cùng, cũng không muốn gặp mặt cô một lần nữa anh đành phải nói dối “Sắp đến giờ ốp rồi” để không tiễn họ. Phải chăng, anh đang rất thành thực trong lựa chọn là dành toàn tâm, toàn ý cho công việc của mình?
Không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của anh thanh niên, “Lặng lẽ Sa Pa” còn là câu chuyện về những người lao động âm thầm, vô danh khác. Đó là ông họa sĩ giàu kinh nghiệm, yêu nghề - một trí thức có trách nhiệm, đam mê sáng tạo, lịch lãm, từng trải - khát khao hoàn thành một bức vẽ để đời. Ông hiểu rõ sự mệt nhọc của sáng tạo nghệ thuật để rồi từ đó giúp nhà văn hoàn thiện nét đẹp của một bức chân dung về thiên nhiên và con người nơi Sa Pa. Khát vọng cống hiến và vẻ đẹp của con người trẻ tuổi còn thể hiện qua cô kỹ sư, một cô gái có lý tưởng, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Cô dám dũng cảm từ bỏ mối tình đầu nhạt nhẽo, từ bỏ Hà Nội phồn hoa lên Lào Cai công tác.
Bác lái xe hơn 30 năm đi về trên tuyến đường này, bác cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của anh thanh niên. Chính bác là chất xúc tác tạo ra cuộc gặp gỡ thú vị giữa các nhân vật. Giữa Sa Pa đầy tin yêu còn có những con người đang lao động thầm lặng và cống hiến ngày đêm cho đất nước: Kỹ sư vườn rau, anh cán bộ nghiên cứu sét, anh cán bộ khí tượng trên đỉnh Phan-xi-păng, ông bố “tuyệt lắm” của anh thanh niên. Cảnh thơ mộng, người mộng mơ. Dường như trên hành trình cuộc đời, mọi người đang đi tìm một điều gì thật giản dị nhưng cũng thật thiêng liêng, những khát vọng, những háo hức, những nghĩ suy thật đẹp.
Đọng lại khi đọc “Lặng lẽ Sa Pa” là niềm vui đang cựa mình trỗi sống, là khát vọng được cống hiến tuổi trẻ của mình cho đất nước, bằng sự nghiệp giản dị mà cao cả. Hạnh phúc nảy mầm mỗi khi con người ý thức được phận vị của mình và hoạt động tự giác, hăng say với tất cả những khả năng mà mình có được. Qua một cảnh ngộ gặp gỡ, với những con người giản dị, bằng cốt truyện đơn giản, nhẹ nhàng, ngôn ngữ ngọt ngào, giàu chất thơ, hình tượng đẹp, xây dựng nhân vật từ điểm nhìn, cách đánh giá của các nhân vật khác bao thế hệ người Việt, đặc biệt là thế trẻ Việt Nam trong công cuộc xây dựng CNXH hiện lên thật đẹp.
Một thông điệp về ý nghĩa của lao động thầm lặng cũng được gửi gắm thật chân thành. Nguyễn Thành Long đã khơi gợi trong lòng người đọc biết bao suy nghĩ. Lặng lẽ và thâm trầm, hào hứng và sôi nổi, ngỡ ngàng và lắng đọng, truyện ngắn đã gieo vào lòng người đọc cảm nhận sâu sắc về lẽ sống đẹp, về hạnh phúc bình dị. Và chính sự lan tỏa những ý niệm cao đẹp ấy, Nguyễn Thành Long đã thực hiện trọn vẹn thiên chức cao quý của mình là “dẫn người đọc vào xứ sở của cái đẹp”.