VAR kiểu… V-League

GD&TĐ - Lần đầu tiên trong lịch sử, V-League áp dụng công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) ở 4 trận/1 vòng đấu. 

Hình ảnh trên sân Lạch Tray, trận Hải Phòng gặp Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: INT.
Hình ảnh trên sân Lạch Tray, trận Hải Phòng gặp Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: INT.

Việc áp dụng VAR với hy vọng các trận đấu diễn ra sòng phẳng, công tác trọng tài tốt hơn. Thế nhưng, bàn thắng đầu tiên của V-League 202/2024 lại đến từ quyết định gây tranh cãi của trọng tài sau khi xem lại VAR.

Vấp ngay ở bước đầu

Trận Hải Phòng gặp Hoàng Anh Gia Lai diễn ra tối 20/10 trên sân Lạch Tray được áp dụng VAR.

Tình huống dẫn đến những tranh luận xảy ra vào phút 74. Trọng tài chính Nguyễn Đình Thái cho tạm dừng trận đấu để cùng tổ trọng tài phòng VAR trao đổi về khả năng trung vệ Diakite của Hoàng Anh Gia Lai có để bóng chạm tay trong vòng 16m50 hay không?

Không biết có phải vì tuân thủ một cách máy móc quy trình không, song ông Thái mất gần 3 phút chỉ để trao đổi bộ đàm với tổ trọng tài VAR trước khi xem lại tình huống qua màn hình đặt tại sân.

Sau khi mất thêm gần 4 phút, trọng tài Thái quyết định thổi phạt đền Hoàng Anh Gia Lai. Lucao sút thành công ở phút 81, giúp Hải Phòng dẫn trước 1-0.

Tuy nhiên, câu chuyện VAR ở Lạch Tray không chỉ là vấn đề thời gian lên đến 7 phút để trọng tài có thể đưa ra quyết định chính xác. Mấu chốt ở chỗ, 2 góc máy quay hiện lên màn hình đều không có góc nào xác định rõ trung vệ Diakite đã để bóng chạm tay trong vòng cấm.

Điều đó giải thích cho việc vì sao ông Thái mất gần 4 phút xem VAR mà vẫn không thể đưa ra quyết định tâm phục, khẩu phục cho các bên liên quan. Dẫu sao, Hoàng Anh Gia Lai có bàn thắng gỡ hòa cuối trận và đây mới chỉ là vòng đầu tiên, sức nóng và sự căng thẳng chưa được đẩy lên cao.

Giảng viên trọng tài Đoàn Phú Tấn cho rằng, tình huống phút 74 tại Lạch Tray rất cần VAR và VAR đã vào cuộc. Nhưng trọng tài và các trợ lý phòng VAR đã bối rối khi VAR không cho được đáp số đúng.

“Cầu thủ áo sẫm ấy (Diakite, PV) rõ ràng đã dang tay rất rộng khi bóng đến, nếu tay ấy chạm phải bóng thì phải chấp nhận phạt đền, miễn cãi. Vấn đề là bóng đã trúng tay, hay ngực, hay vai.

Hình như VAR không cho được đáp số đúng cho trọng tài, khiến trọng tài và các trợ lý trong phòng VAR đều bối rối. VAR đã đặt bao nhiêu camera và chất lượng hình ra sao? Đủ để gọi là VAR không?”, ông Tấn chia sẻ.

Theo chiều hướng này, và tuân thủ nguyên tắc “suy đoán vô tội”, nếu ngay cả VAR không đưa đến chứng cứ rõ ràng, vậy trọng tài chính Nguyễn Đình Thái dựa vào đâu thổi phạt cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai? Sao không phải là quyết định công nhận Diakite không mắc lỗi, mà lại là quả phạt đền, có lỗi? Phải chăng trọng tài Việt Nam dường như chưa sẵn sàng tâm thế với VAR?

Phạt đền hay không phạt đền, VAR sẽ mang đến sự công tâm nhất và trọng tài, người có quyết định cuối cùng và cao nhất trên sân cũng phải tuân thủ điều đó. Trong tình huống này, trọng tài có thể không thổi phạt đền Hoàng Anh Gia Lai.

Trọng tài, trợ lý trọng tài VAR Việt Nam làm quen với trang thiết bị và vận hành xe VAR. Ảnh: INT.

Trọng tài, trợ lý trọng tài VAR Việt Nam làm quen với trang thiết bị và vận hành xe VAR. Ảnh: INT.

Ngoài ra, trong trận đấu tại Lạch Tray, trọng tài Nguyễn Đình Thái đã có đến 5 lần phải tạm dừng trận đấu để tham khảo công nghệ VAR. Điều này dẫn đến hiệp 2 đã có đến 10 phút bù giờ.

Theo một số nhà chuyên môn, việc trận đấu bị ngắt quãng nhiều lần, thời gian kéo dài lên đến 7 phút như tình huống ở phút 74 ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần thi đấu của cầu thủ, kéo theo chất lượng chuyên môn trận đấu đi xuống.

Theo huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm của Hải Phòng, VAR cần thêm nhiều góc máy để cung cấp hình ảnh tốt hơn, qua đó giúp trọng tài đỡ tốn thời gian kiểm tra và cầu thủ có thể được thi đấu liên tục.

Ngoài tình huống trên sân Lạch Tray, VAR vào cuộc mang về cho Nam Định quả phạt đền ở phút 90+4 trong trận gặp Quảng Nam, hủy tình huống bàn thắng trong trận câu lạc bộ Công an Hà Nội hòa Bình Định.

Ông Đặng Thanh Hạ - Trưởng ban Trọng tài VFF cho biết, hiện tại số lượng máy quay dùng cho VAR của V-League là 8 chiếc, ít hơn nhiều các giải đấu hàng đầu châu Âu. Vì vậy, các góc quay chưa có được chất lượng tốt nhất nên trọng tài mất nhiều thời gian để xem lại trước khi ra quyết định.

Ngoài ra, VAR mới áp dụng ở Việt Nam nên độ thành thục của các trọng tài chưa ở mức cao nhất.

“Cái gì cũng cần có thời gian. Tôi hy vọng mọi người nhìn vào mặt tích cực của VAR, ủng hộ nó để mọi thứ dần tốt hơn”, ông Hạ chia sẻ.

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã vượt qua nhiều thử thách, đặc biệt là vấn đề tài chính để đưa VAR vào V-League, nhằm mang lại sự công bằng cho các trận đấu cũng như hỗ trợ các trọng tài tránh được những quyết định sai lầm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kết quả trận đấu, thậm chí số phận của cả đội bóng.

Nhưng qua vụ việc ở Lạch Tray thấy rằng, với sự hạn chế của góc quay, chưa đủ máy quay để xác định các tình huống khó sẽ khiến các trọng tài tiếp tục rơi vào những tình huống “cân não”. Các quyết định đưa ra kể cả sau khi trọng tài xem VAR cũng khó mang tính thuyết phục, và chính xác.

Trọng tài chính Nguyễn Đình Thái xem lại tình huống qua màn hình.Ảnh: INT.

Trọng tài chính Nguyễn Đình Thái xem lại tình huống qua màn hình.Ảnh: INT.

VAR không phải tất cả

Áp dụng và tận dụng thành tựu công nghệ là xu thế tất yếu, không chỉ bóng đá. Nhưng yếu tố quyết định vẫn là con người.

Đơn cử, đầu tháng 10 này, Hội đồng trọng tài Anh vừa phải thừa nhận sai lầm do VAR ở trận đại chiến Tottenham gặp Liverpool.

Theo đó, phút 34 của trận đấu, Mohamed Salah có đường chọc khe cho Luis Diaz băng xuống rồi sút chìm chéo góc hạ gục thủ môn Vicario. Thế nhưng, trọng tài biên lại phất cờ báo việt vị, nên trọng tài chính Simon Hooper không công nhận bàn thắng.

Sau đó, tổ VAR đã vào cuộc và trọng tài điều khiển phòng VAR, ông Darren England xác định quyết định cuối cùng của trọng tài chính là đúng. Màn kiểm tra chỉ kéo dài khoảng 10 giây và trận đấu tiếp tục với một cú đá phạt lên dành cho Tottenham.

Tuy nhiên, sau khi trận đấu khép lại, trọng tài VAR Darren England đã khẳng định ông và trọng tài chính đã hiểu lầm nhau. Cụ thể, ông Darren England nhầm tưởng trọng tài chính đã công nhận bàn thắng của Luis Diaz và thông điệp của tổ VAR là đồng ý với phán quyết này.

Thế nhưng, khi trận đấu quay trở lại với tỷ số 0-0 và một quả đá phạt dành cho Tottenham, ông Darren England đã nhận ra vấn đề nhưng không thể cứu vãn.

Các bình luận viên nổi tiếng nước Anh như Jamie Carragher hay Gary Neville đều khẳng định đây là sai lầm khủng khiếp trong bóng đá. VAR đáng ra phải công nhận bàn thắng hợp lệ cho Liverpool.

Không hiểu lý do vì sao mà theo thời gian, sân chơi cao nhất nước Anh lại khiến công nghệ VAR trở thành vấn nạn gây nhức nhối. Nhưng dù lý do gì đi chăng nữa, rõ ràng không có bất cứ công nghệ nào có thể giúp trận đấu không xuất hiện sai lầm.

Thực tế sân cỏ Ngoại hạng Anh cho thấy, trình độ của trọng tài VAR lẫn trọng tài chính dường như chưa theo kịp đẳng cấp chuyên môn của giải đấu này cũng như những diễn biến quá nhanh của trận đấu hay chịu áp lực quá lớn khiến họ mắc sai lầm.

Và đã có ý kiến đề xuất đưa ra nhiều hình phạt nặng với các sai lầm của trọng tài VAR, trọng tài chính Ngoại hạng Anh, đồng thời đào tạo gấp trọng tài giỏi và chỉ chuyên xử lý các tình huống thông qua VAR.

Trở lại V-League, khi áp dụng VAR, ban tổ chức và các đội bóng đều tin rằng nó sẽ sửa chữa những sai lầm vốn là câu chuyện nhức nhối nhiều năm qua. Làm sao có thể sai được khi ngoài tổ trọng tài trên sân, còn có 1 nhóm giám sát được hỗ trợ công nghệ tối tân để đưa ra cảnh báo, thông số cho trọng tài chính.

Nhưng VAR của V-League được áp dụng trong điều kiện của “con nhà nghèo”, chỉ có 8 máy quay trên sân, chưa đủ bảo đảm mang đến hình ảnh chân thực, rõ nét ở những tình huống khó. Đơn cử như pha bóng ở phút 74 sân Lạch Tray. Thực tế sân cỏ sẽ còn rất nhiều tình huống tương tự, hoặc ở mức độ phức tạp hơn rất nhiều.

Bóng đá Việt Nam sau hơn 20 năm lên chuyên đến nay, mùa nào cũng vậy, sai sót của trọng tài vẫn cứ là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Những nhận định sai lầm, thổi phạt đền không đúng, thẻ phạt máy móc, gây ức chế cho cầu thủ, huấn luyện viên và khán giả trên sân xảy ra thường xuyên.

VAR xuất hiện nhưng nó không thể bảo đảm giải quyết triệt để những vấn đề của trọng tài đã được nhận diện. Bởi điều khiển VAR cũng là tổ trọng tài khác, những người mà chưa chắc chuyên môn và kinh nghiệm đã tốt hơn so với nhóm điều hành trận đấu trên sân. Thế nên, yếu tố con người - chất lượng trọng tài cả về chuyên môn lẫn tư tưởng mới đóng vai trò quyết định, bảo đảm sự công tâm cho cuộc chơi ở V-League.

Hơn nữa, đến lúc này, nhà tổ chức mới chỉ đưa VAR đến 4 sân mỗi vòng đấu. Như vậy, 3 trận còn lại mỗi vòng đấu với 6 đội bóng không có VAR. Vậy thì, lợi ích của VAR mang lại không được chia đều, có sự thiệt hơn giữa các đội bóng.

Ông Vũ Tiến Thành - huấn luyện viên đội TPHCM cho biết: Dù thắng 2-0 nhưng chúng tôi phải nhận hai tình huống bất lợi khi Ngọc Long ngã trong vòng cấm không được thổi 11m và trọng tài Vũ Linh cũng không công nhận bàn thắng của Ntep ở hiệp 2 do cho rằng cầu thủ TPHCM đã phạm lỗi trước đó.

“Tôi thấy các đội phía Nam khá thiệt thòi. Nếu có VAR thì đã giúp trọng tài xem lại công bằng hơn”, ông Thành chia sẻ.

Thế mới có chuyện, VAR đã có, song Ban tổ chức vẫn phải lên kế hoạch mời trọng tài ngoại cho những trận đấu khó, mang tính quyết định đến số phận, thứ hạng các đội bóng ở cuộc đua vô địch hoặc trụ hạng.

Như ở sân Thiên Trường vừa qua, đội chủ nhà Nam Định đã đánh bại Quảng Nam bằng quả phạt đền ngay phút bù giờ cuối cùng, sau khi trọng tài Nguyễn Trung Kiên tham khảo VAR.

Tính đúng sai đã rõ, song huấn luyện viên Văn Sỹ Sơn của Quảng Nam cho biết: “Bóng đá nghiệt ngã như vậy đấy. Chúng tôi ủng hộ VAR, nhưng trọng tài cần công tâm hơn. Nếu trọng tài thổi còi kết thúc đúng thời gian, không để lố đến 4’50”00 thì không có tình huống Tăng Tiến để bóng chạm tay. Tôi không nói trọng tài cố ý, nhưng nếu trọng tài kiên quyết hơn, Quảng Nam đã không thua đau như vậy”.

Vậy là ở sân Thiên Trường, VAR đúng, không gây tranh cãi nhưng trọng tài chính thì có với việc để trận đấu kéo dài nhiều phút so với thời gian bù giờ.

Vậy nên, nhìn từ Ngoại hạng Anh thấy rằng, một hệ thống dù hiện đại đến đâu, nhưng được vận hành bởi con người, vẫn sẽ bộc lộ những sơ hở, “sai lầm” rất con người.

VAR không phải là tất cả và đặc biệt ở V-League, niềm tin từ nhiều đội bóng vào trọng tài luôn ở mức thấp. Bao giờ đội ngũ cầm cân nảy mực giành được tín nhiệm cao, lấy lại niềm tin mới là bài toán khó cho những người có trách nhiệm chứ không đơn giản chỉ là VAR hay thuê trọng tài ngoại.

Nhìn nhận về những sai lầm của đội ngũ trọng tài, điều hành VAR bóng đá Anh thời gian gần đây, tờ The Guardian giật tít rằng “những sai lầm của VAR đe dọa kéo Premier League vào vũng bùn của những âm mưu tăm tối”. DailyMail tuyên bố rằng, các sai lầm giờ đây có thể diễn ra một cách tinh vi hơn, dưới vỏ bọc là hệ thống tối tân hỗ trợ trọng tài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điều hòa phải bật 24/24 giờ để duy trì nhiệt độ tằm mới phát triển tốt.

Lắp điều hòa cho … tằm

GD&TĐ - Phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh giúp hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với nuôi ngoài điều kiện bình thường.