Vào mùa tư vấn hướng nghiệp: Quảng cáo lấn... tư vấn

GD&TĐ - Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp được xem là chìa khóa giúp học sinh định hướng đúng việc chọn ngành, chọn nghề.

Một chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp với sự tham dự của nhiều trường đại học.
Một chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp với sự tham dự của nhiều trường đại học.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây ở một vài trường, công tác tư vấn có phần nặng về quảng cáo tuyển sinh với mục tiêu là hút thí sinh vào trường mình, thay vì quan tâm tới nhu cầu, năng lực các em. 

Khi tư vấn, hướng nghiệp chưa vô tư

Chọn ngành, chọn nghề chưa bao giờ là việc dễ dàng với học sinh giữa “bão” thông tin hiện nay. Vì vậy, công tác tư vấn, hướng nghiệp của đội ngũ giáo viên THPT, chuyên gia tư vấn đóng vai trò hết sức quan trọng trong định hướng nghề nghiệp cho các em.

Theo thông lệ hàng năm các trường đại học sẽ phối hợp với nhiều đơn vị khác như báo chí, công ty truyền thông, hợp tác với sở GD&ĐT, trường THPT để thực hiện chương trình tư vấn. Do thời lượng các buổi tư vấn không nhiều (chỉ từ 1 - 2 tiếng/buổi) nên các đơn vị gần như cắt giảm tối đa công tác chia sẻ thông tin về dự báo nguồn nhân lực, ngành nghề mà xã hội sẽ cần trong tương lai, cũng như tư vấn cho học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, khả năng… Đa số thời gian của chương trình là để dành cho các trường giới thiệu, quảng bá ngành nghề mới, thế mạnh mà mình đang đào tạo.

Việc “pha loãng” nội dung tư vấn, định hướng nghề nghiệp bằng các nội dung chủ yếu là quảng bá ngành học, về trường khiến học sinh tham gia cảm thấy nặng nề. Trần Mạnh Trung - cựu học sinh lớp 12 Trường THPT Tây Ninh, hiện là sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - thừa nhận:

“Một số buổi tư vấn em tham gia khi còn học lớp 12 không đọng lại nhiều dấu ấn. Các thông tin chia sẻ tại buổi tư vấn gần như na ná nhau, nội dung phần lớn là giới thiệu về ngành nghề của các trường. Trong khi nội dung học sinh cần là thông tin về nhu cầu nhân lực ngành nghề, xu hướng phát triển ngành nghề trong tương lai, khả năng tương thích và phát huy tốt nhất năng lực của bản thân khi chọn nhóm ngành nghề lại lớt phớt”.

“Tại nhiều buổi tư vấn, tôi nhận thấy phần lớn học sinh đều không hào hứng, với thông tin mà chuyên gia, các trường chia sẻ. Một phần do nguồn thông tin học sinh hiện nay được tiếp cận quá nhiều, đa dạng, phần vì các trường vẫn nặng về tham vấn, thông tin nhóm ngành nghề của trường mình hơn là định hướng sâu và bao quát hơn cho học sinh”, ThS Nam nói.

ThS Trần Nam - Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) - nhìn nhận thực trạng trên khiến các buổi tư vấn, tuyển sinh tại các trường THPT dần giảm sức hút với học sinh.

Cũng chung góc nhìn, cô Nguyễn Thị Mai P., giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức, cho rằng, các buổi tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp 2 năm trở lại đã “nhạt” hơn.

“Học sinh sau nhiều buổi tham gia tư vấn đều cho rằng thông tin mang lại không nhiều giá trị bởi chuyên gia, nhà trường không đi tận cùng các vấn đề khiến nhiều em vẫn lơ mơ trong chọn ngành, chọn nghề.

Thậm chí, để tiết kiệm thời gian trong buổi tư vấn có chuyên gia tâm lý chia sẻ về “lộ trình” chọn trường, nghề theo kiểu mẫu số chung như: Học sinh làm trắc nghiệm bản thân (bằng một kênh trắc nghiệm có uy tín); Tiếp theo là xem xét năng lực/sở thích/điều kiện tài chính; tham khảo dự báo/nhu cầu của xã hội; cuối cùng là đánh dấu chọn ngành/trường. Các phương thức trên tôi cho rằng là đi tuyển sinh hơn là tư vấn cho học sinh nên hiệu quả định hướng không cao”, cô P. nói.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chất lượng tư vấn hạn chế, bất lợi cho thí sinh

Công tác quảng cáo tuyển sinh chiếm thời lượng nhiều hơn hướng nghiệp tại các buổi tư vấn ít nhiều tác động không tốt đến việc lựa chọn ngành nghề đúng đắn của học sinh.

Thực tế vẫn nhiều học sinh chọn ngành, trường đại học vì thấy tên ngành học đó “hot”, nhiều bạn lựa chọn hoặc chọn trường đó theo học vì trường to đẹp mà không quan tâm, lắng nghe năng lực của chính bản thân, đến khi tham gia học tại trường mới biết mình đã chọn sai, dẫn đến chán nản, bỏ bê việc học…

Thống kê từ các trường ĐH tại TPHCM cho thấy, tỷ lệ sinh viên năm 3 & 4 bị cảnh cáo học vụ, thậm chí đuổi học không có khuynh hướng giảm, thậm chí tăng. Bình quân mỗi trường hàng năm số học sinh rơi rụng sau quá trình theo học 4 năm chiếm tỉ lệ từ 16 - 24%. Trong hàng loạt lý do sinh viên bị đình chỉ học tập thì nguyên nhân từ việc chọn sai ngành, sai trường dẫn đến chán trong quá trình học khá lớn.

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - nhìn nhận: Thực trạng trên có nguyên nhân từ sự chủ quan, lựa chọn ngành nghề theo hướng cảm tính, xu thế, không đúng với sở thích và đam mê của sinh viên, nhưng lỗi cũng một phần đến từ công tác tư vấn, hướng nghiệp hiện nay đang nặng về “cá nhân” hơn là vì “cái chung”.

“Không thể bác bỏ tính hiệu quả của công tác tư vấn, hướng nghiệp trong suốt thời gian qua khi hiệu quả phân luồng học sinh đã có chuyển biến rõ nét. Việc tham vấn, hướng nghiệp cũng giúp học sinh, phụ huynh có cái nhìn toàn diện hơn về bối cảnh xã hội và nhu cầu nhân lực từng nhóm ngành nghề trong tương lai gần.

Tuy vậy, cũng không thể không nói đến hạn chế mà những buổi tư vấn nặng về marketing hơn là lắng nghe tâm tư, định hướng một cách đầy đủ việc chọn ngành, nghề cho học sinh. Tất nhiên không thể đòi hỏi sự trọn vẹn và đủ đầy nhưng cá nhân tôi cho rằng, các trường khi tham gia tư vấn, hướng nghiệp cần định hướng rõ mục tiêu thông tin muốn truyền tải đến học sinh tại buổi tư vấn sẽ hiệu quả và có sức hút hơn”, TS Lý nói. 

Là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực tư vấn, hướng nghiệp, ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế - cho rằng, đây là điều các trường cần điều chỉnh trong tương lai gần. Bởi theo ông, xu hướng chọn ngành, nghề của học sinh hiện nay thay đổi rất nhiều. Ngày trước 10 học sinh tư vấn thì 9 em hỏi về việc học các trường ĐH, còn hiện nay có 4/10 em xin tư vấn về học nghề.
Tuy vậy, có một thực tế không thể chối bỏ là các chuyên gia tư vấn khi tham gia chương trình vẫn ít nhiều bị chi phối bởi các đơn vị “chủ xị” của buổi tư vấn, hướng nghiệp. Thực tế, nếu chúng ta hài hòa, cân bằng được hai mặt của công tác tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp thì hiệu quả sẽ rất cao. Các trường cần thích ứng và điều chỉnh dần. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ