Vào mùa tư vấn hướng nghiệp: Chuyên nghiệp hóa để làm điểm tựa cho trò

GD&TĐ - Trước thực trạng, “trăm hoa đua nở” - các ngành, trường tổ chức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, không ít chuyên gia cho rằng, công tác này cần được làm bài bản, chuyên nghiệp.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) trong ngày hội STEM – thời điểm chưa có Covid-19. Ảnh: TG
Học sinh Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) trong ngày hội STEM – thời điểm chưa có Covid-19. Ảnh: TG

Qua đó tránh để học sinh tự “bơi” giữa “ma trận”; thậm chí, cần làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp ngay từ bậc THCS.

Chuyên nghiệp từ đội ngũ

Nhằm chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2022, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (HUFI) đã tổ chức chương trình tập huấn nhằm nâng cao công tác tư vấn tuyển sinh cho cán bộ, giảng viên trong trường. PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: “Chúng tôi xác định, xây dựng đội ngũ tư vấn viên thân thiện, nhiệt tình, chuyên nghiệp và hiệu quả. Nhà trường hướng đến, mỗi người tư vấn là một đại sứ hình ảnh, người đại diện cho cả tập thể HUFI. Do đó, phải có tác phong chuyên nghiệp, tận tình trả lời và hòa nhã với học sinh, phụ huynh”.

Theo ông Lê Tuấn Tứ, công tác tư vấn, hướng nghiệp nên được thực hiện ở mọi thời điểm và từ bậc THCS. Vì chọn ngành nghề cần có thời gian dài để suy nghĩ thấu đáo, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu làm càng sớm, càng bài bản, chuyên nghiệp sẽ giúp học sinh có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và định hướng tốt nghề nghiệp cho tương lai của mình. 

Với kinh nghiệm tham gia tổ chức nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh trung học, TS Huỳnh Anh Bình - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết:

Những vấn đề mà học sinh THPT đang gặp phải là: Không thấu hiểu bản thân, thiếu thông tin, thiếu định hướng và không tự ra quyết định. Do đó, việc hướng nghiệp cho đối tượng này không chỉ là cung cấp thông tin về ngành nghề, về thị trường lao động một cách đơn thuần, mà phải giúp các em hiểu rõ, khám phá và đánh thức bản thân. Điều này cần được định hướng sớm và liên tục.

TS Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội – cho rằng: Ở thời điểm này, học sinh đang đứng trước nhiều cơ hội, với lựa chọn khác nhau cho con đường học tập và nghề nghiệp, sự nghiệp sau này. Không ít học sinh có điều kiện, được phụ huynh, người thân định hướng, tư vấn lựa chọn ngành nghề phù hợp; từ đó chọn được trường có thương hiệu, thích hợp với năng lực cá nhân và các điều kiện khác.

“Tuy nhiên, khi khảo sát khoảng 1.000 phiếu hỏi từ sinh viên mới nhập trường của một số trường cao đẳng và đại học trên địa bàn TP Hà Nội, chúng tôi nhận được nhiều thông tin về sự lựa chọn nghề nghiệp và chọn trường của các em. Trong đó không ít sinh viên lựa chọn nghề mà chưa hiểu bản chất học nghề đó là học được những gì? Sau tốt nghiệp làm việc ở đâu?...” – TS Đồng Văn Ngọc trăn trở.

Theo nhận định của lãnh đạo Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, một trong những nguyên nhân dẫn đến trực trạng trên là công tác tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp chưa được tổ chức chuyên nghiệp. Mặc dù, một vài năm gần đây, đặc biệt là khi được giao quyền tự chủ, các ngành, trường “trăm hoa đua nở” làm công tác tư vấn.

Ngành nào cũng tư vấn tốt, trường nào cũng tư vấn hay. Song, vô hình trung khiến nhiều học sinh bị “ngộp” giữa “một rừng” thông tin. Dẫn đến tình trạng, thông tin thì nhiều, nhưng các em rất khó để chắt lọc cái cốt lõi, trọng tâm. Do đó, học sinh bị thiệt thòi trong việc chọn nghề, chọn trường. “Đã đến lúc, công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp phải được làm chuyên nghiệp hơn, thậm chí cần làm tốt công tác phân luồng từ bậc THCS, giúp học sinh luôn chủ động, biết cách thích ứng với biến động của thị trường lao động” - TS Đồng Văn Ngọc nhấn mạnh.

Một lớp học của Trường THCS Tam Thanh, huyện Phú Quý (Bình Thuận). Ảnh: NTCC
Một lớp học của Trường THCS Tam Thanh, huyện  Phú Quý (Bình Thuận). Ảnh: NTCC

Tạo đột phá từ phân luồng, hướng nghiệp

Là huyện miền núi, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, ông Đặng Hữu Dương – Trưởng phòng GD&ĐT Bạch Thông (Bắc Kạn) – chia sẻ: Huyện luôn chú trọng công tác phân luồng, hướng nghiệp nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, phòng GD&ĐT, các trường THCS tăng cường phối hợp với cơ sở dạy nghề tổ chức tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9.

Đồng thời, nắm bắt nguyện vọng, năng khiếu của từng học sinh để có hướng giúp các em có lựa chọn phù hợp với sở trường và năng lực. Nhờ được tuyên truyền, hướng nghiệp đầy đủ nên một số học sinh sau khi học xong bậc THCS đã lựa chọn học tại  các trường đào tạo nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và lực học của bản thân.

Theo ông Đào Đức Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định, những năm gần đây, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh sau THCS tham gia học trình độ trung cấp, bổ túc văn hóa THPT gắn với học nghề tăng lên; số học sinh tốt nghiệp THPT tham gia học nghề cũng tăng. Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Mặc dù đã được quan tâm chú trọng, đạt được một số kết quả bước đầu song ông Tuấn thừa nhận công tác phân luồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều thách thức. Với sự “nở rộ” của các trường cao đẳng, đại học nên nhiều học sinh có học lực trung bình cũng có đăng ký xét tuyển. Nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học ngày càng nhiều, điều này tạo nên hệ lụy “thừa thầy, thiếu thợ”.

Nhấn mạnh, công tác phân luồng học sinh THCS, THPT tạo nền tảng quan trọng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ông Tuấn – trao đổi: Thời gian tới, cần đổi mới phương pháp, nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

Đồng thời, tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông như: Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp; hoạt động giao lưu của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân.

Bên cạnh đó, cần hình thành cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động. Đây được coi là điểm tựa để phụ huynh, học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện, hoàn cảnh gia đình. Tránh tình trạng học sinh phải tự “bơi” trước vô vàn thông tin do ngành, các trường “trăm hoa đua nở” tổ chức tư vấn, hướng nghiệp.

Học sinh tham gia Ngày hội Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp – thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: TG
 Học sinh tham gia Ngày hội Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp – thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: TG

Bài bản và chuyên nghiệp hóa

Đồng quan điểm, ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khóa XIV nhấn mạnh: Công tác tư vấn tuyển sinh của các cơ sở đào tạo (bao gồm cả trường đại học và trường nghề) phải hướng đến chuyên nghiệp. Qua đó giúp học sinh biết và hiểu rõ về ngành, nghề đào tạo.

Đối với các trường phổ thông, cần thực hiện tốt giờ dạy giáo dục hướng nghiệp và tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh một cách đầy đủ về nghề nghiệp. Nhà trường có thể thành lập tổ tư vấn hướng nghiệp, hoặc giới thiệu, hướng dẫn để học sinh tìm hiểu, tham khảo một số kênh thông tin khác nhau về ngành, nghề đào tạo, nhu cầu nguồn nhân lực hiện tại và tương lai để các em có thông tin chọn đúng ngành, nghề.

“Đặc biệt, phụ huynh không nên kỳ vọng quá lớn vào con cái và tạo áp lực, trọng trách cho các con. Thay vào đó, hãy là người đồng hành, tư vấn cho các con nên lượng sức học, năng lực, sở trường và nguyện vọng để lựa chọn ngành, nghề phù hợp” - ông Lê Tuấn Tứ trao đổi, đồng thời cho hay:

Mục tiêu của việc phân luồng là tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các loại nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

Theo ông Lê Tuấn Tứ, để công tác tư vấn, hướng nghiệp thực sự chuyên nghiệp, các trường (từ phổ thông đến trường nghề, cao đẳng, đại học), cần giao công việc này cho bộ phận, đơn vị chuyên nghiệp thực hiện. Tức là cần chuyên nghiệp cả về chức năng và chuyên môn, nghiệp vụ.

Thực tế, nhiều cơ sở giáo dục đại học thường giao cho bộ phận đào tạo thực hiện công việc tư vấn tuyển sinh. Tuy nhiên, đây không phải là bộ phận chuyên về tư vấn, mà chức năng chính là tuyển sinh; trong khi học sinh luôn có nhu cầu tư vấn về nhiều trường, nhiều lĩnh vực khác nhau nên rất khó đáp ứng được hết nhu cầu của các em.

Cũng theo ông Lê Tuấn Tứ, khi tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp không nên phân biệt ngành nghề hay cơ sở đào tạo. Thay vào đó, nên tư vấn để học sinh biết tính hai mặt trong tuyển sinh và xác định ngành nghề. Không nên vẽ ra một tương lai xán lạn để hướng học sinh về một ngành nghề, một trường nào đó. Ngược lại không “dìm hàng” ngành, trường khác.

Ngoài ra, khi làm tư vấn tuyển sinh cần phân tích xu thế phát triển của xã hội, từ đó dự báo xu hướng dịch chuyển lao động giữa các ngành nghề trong tương lai. Qua đó giúp học sinh có căn cứ để quyết định lựa chọn ngành nghề cho phù hợp với  bản thân.

Các trường phổ thông cần kết nối với cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực, hội nghề nghiệp, hội doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Cùng với đó, phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm, thậm chí là chuyên trách nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông. - Ông Đào Đức Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ