Vào mùa bồi dưỡng: Đúng và trúng

GD&TĐ - Theo các đại biểu Quốc hội, chuyên gia giáo dục, để nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên, cần đổi mới và đa dạng hình thức tập huấn nhằm mang lại giá trị và hiệu quả thiết thực.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

TS Đặng Văn Huấn (Phó Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP, Bộ GD&ĐT): Đa dạng hình thức tổ chức

TS Đặng Văn Huấn
TS Đặng Văn Huấn

Theo tôi, các địa phương có thể tiếp tục triển khai mô hình và kinh nghiệm tập huấn, bồi dưỡng của Chương trình ETEP trong năm vừa qua. Đối với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, có thể áp dụng hình thức bồi dưỡng kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Phương thức bồi dưỡng này phù hợp với điều kiện thực tế và được chứng minh là đạt hiệu quả cao.

Theo mô hình bồi dưỡng cán bộ cốt cán của Chương trình ETEP, học viên có thời gian tự nghiên cứu tài liệu qua mạng trước khi được bồi dưỡng trực tiếp. Đến lớp bồi dưỡng trực tiếp, học viên tập trung thời gian để tương tác và thực hiện những nội dung liên quan đến thực hành dưới sự hướng dẫn của đội ngũ giảng viên sư phạm.

Sau thời gian bồi dưỡng trực tiếp, học viên hoàn thiện bài tập cuối khóa trên hệ thống học tập trực tuyến (LMS) và được giảng viên đánh giá hoàn thành khóa tập huấn. Có thể nói, mô hình này một mặt tiết kiệm được thời gian, chi phí nhưng vẫn đảm bảo sự tương tác, hướng dẫn của giảng viên cho đội ngũ cốt cán và tạo ra được cộng đồng học tập liên tục chia sẻ tri thức, kinh nghiệm chuyên môn.

Đối với bồi dưỡng đại trà cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, các địa phương có thể áp dụng hình thức bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ thông qua hệ thống học tập trực tuyến LMS. Hình thức này có nhiều ưu điểm: Học viên có thể học mọi lúc, mọi nơi và tự nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Đặc biệt, học viên được tiếp cận trực tiếp với tài liệu gốc, không phải qua trung gian và được chủ động về thời gian cũng như chương trình học của mình. Ngoài ra, tùy theo điều kiện cụ thể, các địa phương có thể tổ chức tập huấn, bồi dưỡng bổ sung theo hình thức trực tiếp với các nội dung, kiến thức chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu thực tế của từng đối tượng.

Ngoài việc đa dạng các hình thức tập huấn, bồi dưỡng, các địa phương có thể phối hợp với trường đại học sư phạm để phát triển tài liệu, học liệu bồi dưỡng theo định hướng của Bộ GD&ĐT và nhu cầu của địa phương. Theo đó, tài liệu không chỉ đơn thuần là bản cứng, mà cần tăng cường số hóa, kết hợp tài liệu đọc với các học liệu theo kênh hình ảnh, âm thanh (audio, video…), tạo hiệu ứng và lan tỏa sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Trên cơ sở tham khảo phương thức xây dựng tài liệu bồi dưỡng trong Chương trình ETEP, các địa phương và trường ĐH sư phạm có thể xây dựng, bổ sung các mô-đun ở lĩnh vực mới hay chuyên đề bồi dưỡng chuyên sâu hơn như phương pháp, kỹ thuật dạy học, đánh giá và xây dựng kế hoạch bài dạy…

Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường ứng dụng hệ thống học tập trực tuyến trên LMS do các đơn vị có uy tín xây dựng và triển khai. Hình thức bồi dưỡng trực tuyến có nhiều ưu điểm hơn so với các lớp bồi dưỡng truyền thống; song vẫn cần nhấn mạnh đến vai trò của bồi dưỡng trực tiếp và đội ngũ giảng viên sư phạm của các trường đại học sư phạm. Cần tăng cường kết nối các trường sư phạm với các trường phổ thông. Trên tinh thần đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của trường sư phạm và giảng viên trong công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Có như vậy mới tạo được sự lan tỏa sâu rộng và sát với yêu cầu của thực tiễn. 

Ông Lê Tuấn Tứ (ĐBQH khóa XIV, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa): Xây dựng đội ngũ “chân rết”

Ông Lê Tuấn Tứ
Ông Lê Tuấn Tứ

Để công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đạt hiệu quả, chương trình bồi dưỡng phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Tức là bồi dưỡng cái mà giáo viên cần, chứ không phải là tập huấn những thứ đã có. Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng đội ngũ cốt cán bảo đảm đủ số lượng và chất lượng. Họ sẽ là những “chân rết” để hỗ trợ đồng nghiệp trong bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.

Cùng với đó, cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả việc kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên hàng năm trên tinh thần lựa chọn các hình thức đánh giá theo hướng linh hoạt, phù hợp với đối tượng và hình thức tổ chức bồi dưỡng, bảo đảm tính khách quan, trung thực.

Mặt khác, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình bồi dưỡng. Sở GD&ĐT chủ động tham mưu, đề xuất với UBND các cấp tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị..., đầu tư kinh phí và cơ chế, chính sách cho công tác bồi dưỡng thường xuyên.

Công tác bồi dưỡng cần đa dạng về hình thức, linh hoạt về phương pháp và phong phú về nội dung. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế, địa phương, nhà trường có thể tổ chức bồi dưỡng theo nhóm tổ chuyên môn, nhóm trường hoặc cụm thi đua hoặc theo kiểu “truyền nghề” cho nhau… Quan trọng là mang lại giá trị và hiệu quả thiết thực.

ĐBQH Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang): Phát triển các nhóm cộng đồng giáo viên

ĐBQH Châu Quỳnh Dao
ĐBQH Châu Quỳnh Dao

Một trong những giải pháp hữu hiệu trong công tác bồi dưỡng là đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn và giáo viên tự bồi dưỡng cho nhau theo hướng: Trường giúp trường, đồng nghiệp giúp đồng nghiệp để cùng tiến bộ. Đơn cử như ở Kiên Giang, một nhóm giáo viên đã lập trang “Cộng đồng giáo viên sáng tạo Kiên Giang – KIEF”. Theo đó, các giáo viên tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin, tiện ích của không gian mạng xã hội để kết nối, chia sẻ mọi kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật... cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp.

Ngoài ra, mỗi nhà trường cần tạo điều kiện để các tổ chuyên môn đổi mới sinh hoạt theo hướng tích cực, chất lượng. Qua đó, giúp giáo viên tự học, bồi dưỡng, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình giảng dạy và thực hiện nhiệm vụ dạy học của mình. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Các trường cũng có thể quay video những bài giảng mẫu, tình huống sư phạm điển hình rồi gửi lên Zalo, Facebook để giáo viên cùng nghiên cứu và tự rút kinh nghiệm, ứng dụng vào thực tiễn dạy học của mình. Muốn vậy, các trường, tổ chuyên môn và giáo viên cốt cán cần xây dựng kế hoạch cụ thể; sau đó gửi cho các thành viên trong tổ tham khảo. Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ chủ động xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng cho mình.

Việc xây dựng các chương trình bồi dưỡng phải xuất phát từ thực tiễn, nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Tất nhiên, cần có đối chiếu với đánh giá chuẩn nghề nghiệp để xác định rõ năng lực còn thiếu, yếu của giáo viên; từ đó mới có thể tổ chức bồi dưỡng đúng và trúng nhằm lấp đầy khoảng trống cho giáo viên. - ĐBQH Châu Quỳnh Dao

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.