Vào mùa bồi dưỡng giáo viên

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên dịp hè 2022. Việc này xuất phát từ nhu cầu của giáo viên và thực tiễn giảng dạy trong các nhà trường.

Cô Lê Thị Hồng An trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC
Cô Lê Thị Hồng An trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Chủ động đón đầu

Dù chưa kết thúc năm học, nhưng cô Lê Thị Hồng An – giáo viên Trường Tiểu học Thành Công A (Ba Đình, Hà Nội) đã xây dựng cho mình kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và năng lực sư phạm. Trước mắt, cô tham gia khoá học ngắn hạn về dạy học thiết kế trò chơi học tập trên PowerPoint và Elearning. “Tôi muốn ứng dụng công nghệ thông tin và một số hiệu ứng vào bài giảng để tiết học thêm sinh động, hấp dẫn dễ cuốn hút học trò trong mỗi giờ lên lớp”, cô An bộc bạch.

Cô Lưu Thị Thanh Nga – giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) cho biết, nhà trường và phòng GD&ĐT đã “rục rịch” kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ cốt cán và bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên. “Bản thân cũng xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng. Trước mắt, tôi dành thời gian nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình môn Ngữ văn đối với lớp 7 để hiểu rõ hơn về mục tiêu, định hướng trong dạy học” – cô Nga chia sẻ và cho biết: Dự kiến tháng 6, cô sẽ tham gia một số lớp tập huấn, bồi dưỡng do trường và phòng GD&ĐT tổ chức.

Khẳng định, sẽ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cô Nga bày tỏ: Hoạt động này không những góp phần nâng cao chuyên môn nghiệp vụ mà còn giúp giáo viên có thêm nhiều bài học kinh nghiệm và bổ túc thêm phương pháp, kỹ thuật dạy học mới, đáp ứng yêu cầu dạy – học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Thời gian nghỉ hè cũng là vào “mùa bồi dưỡng” đối với giáo viên. Tôi sẽ tận dụng thời gian này để tham gia các khoá tập huấn ngắn ngày hoặc chương trình toạ đàm, hội thảo chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học. Cũng mất thời gian, nhưng bù lại, bản thân sẽ lĩnh hội được nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia và đồng nghiệp”, cô Nga trao đổi.

Từ nhiều năm nay, chương trình tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên luôn được Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) quan tâm, chú trọng và tổ chức thường xuyên, nhưng tập trung nhiều hơn vào dịp nghỉ hè. Cô Hiệu trưởng Lưu Thị Lập nhìn nhận: Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi mỗi nhà trường, thầy cô giáo phải thay đổi toàn diện, từ xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục cho đến quá trình, cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh.

“Thấu hiểu rõ những thử thách của quá trình đổi mới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh các chương trình tập huấn, bồi dưỡng và hội thảo, toạ đàm cho giáo viên. Qua đó, nâng cao năng lực, nghiệp vụ sư phạm và phương pháp dạy học cho thầy, cô giáo” - cô Lập nhấn mạnh, đồng thời thông tin: Nhà trường đã tổ chức thành công Hội thảo “Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”. Qua đó, giúp thầy cô giáo có cái nhìn tổng quan, đầy đủ về Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Từ đó, giáo viên sẽ tự tin hơn trong dạy học.

Một lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức. Ảnh: TG
Một lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức. Ảnh: TG

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn

Sở GD&ĐT TPHCM đã ban hành kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục hè năm 2022. Thời gian trọng tâm bồi dưỡng từ tháng 6 - 8, kết hợp với bồi dưỡng trong năm học. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD&ĐT, nội dung bồi dưỡng gồm: Trang bị những kiến thức nhằm nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị; tăng cường nền nếp, kỷ cương trong dạy học và quản lý giáo dục; rèn luyện nhân cách nghề nghiệp cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên của ngành. Đồng thời, tổ chức các hoạt động, bồi dưỡng chuyên môn theo từng bậc học, cấp học.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Các địa phương cần quán triệt và nhận thức tầm quan trọng của việc bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên, cán bộ quản lý; coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ. Ngoài ra, địa phương cũng cần xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cốt cán bảo đảm đủ số lượng và chất lượng để hỗ trợ đồng nghiệp trong quá trình tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; trong đó có việc liên hệ, trao đổi để giải đáp thắc mắc trong quá trình giáo viên tự bồi dưỡng.

Cùng với đó, sở GD&ĐT cần chủ động tham mưu, đề xuất với UBND các cấp tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị... đầu tư kinh phí và cơ chế, chính sách cho công tác bồi dưỡng thường xuyên. Đặc biệt, việc xây dựng chương trình bồi dưỡng phải xuất phát từ nhu cầu của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; đồng thời xuất phát từ thực tiễn cũng như yêu cầu của các cấp quản lý giáo dục ở địa phương theo nhiệm vụ năm học hằng năm. Quá trình bồi dưỡng cần đối chiếu với đánh giá chuẩn nghề nghiệp để xác định rõ năng lực còn thiếu và yếu của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục… Trên cơ sở đó kịp thời bổ sung và tìm giải pháp tháo gỡ.

Theo TS Đặng Văn Huấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT), một trong những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên là: Xây dựng các hội, nhóm, cộng đồng học tập gồm giáo viên cốt cán và cán bộ sư phạm chủ chốt, giữa giáo viên cốt cán với nhau, giáo viên cốt cán với giáo viên đại trà, giáo viên đại trà với giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm. Đồng thời, nâng cao vai trò của trường sư phạm và giảng viên trong bồi dưỡng thường xuyên. Mặt khác, cần chú trọng gắn kết trường đại học sư phạm với cơ sở giáo dục phổ thông trong hoạt động này.

Tôi luôn sẵn sàng tâm thế tham gia các khoá tập huấn, bồi dưỡng theo kế hoạch của nhà trường và các cơ sở quản lý giáo dục; trong đó tôi đặc biệt quan tâm đến dạy - học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là với lớp 3. - Cô Lê Thị Hồng An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ