Trăm năm gắn bó với âm nhạc dân tộc
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn hóm hỉnh, vui vẻ và yêu đời một cách say sưa. Gắn bó với âm nhạc tính đến nay được 96 năm, nhiều người gọi ông là “người của thế kỷ”, “bậc thầy âm nhạc dân tộc”, “giáo sư”, “nhạc sư”… nhưng ông không nhận bất cứ danh hiệu nào.
Ông bảo, mình có sứ mạng đem tiếng đàn để làm đẹp cho đời, giúp con người hướng thiện. Còn chuyện đối nhân xử thế, ông luôn xem mọi người là bạn, là thầy vì mỗi người ông tiếp xúc có thể học được nhiều thứ, dù người đó đáng tuổi con, tuổi cháu.
Tháng 5/2018, nhạc sư Vĩnh Bảo về Đồng Tháp sinh sống trong ngôi nhà do chính quyền tỉnh vận động một số doanh nghiệp và gia đình cùng nhau đóng góp.
Ngôi nhà nằm trên đường Đinh Bộ Lĩnh (phường 4, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp), rộng hơn 200m2, nằm bên một con kênh nhỏ, khá mát mẻ và yên tĩnh. Cao Lãnh cũng là quê hương, nơi nhạc sư lớn lên. Trở về nơi chôn nhau cắt rốn ở tuổi bách niên, nhiều học trò, người thân và người dân tìm đến nhà mừng ông được toại ý nguyện.
Nói về duyên nghiệp với âm nhạc dân tộc, nhạc sư Vĩnh Bảo kể rằng, ông được tiếp xúc từ nhỏ. Thời đó, cha ông hay mời các thầy đờn về biểu diễn cổ nhạc. Tiếng đàn, câu ca cứ “thấm” dần và mê đờn ca lúc nào không hay. 5 tuổi, ông có thể chơi được một số nhạc cụ dân tộc như đàn kìm, đàn cò. Năm 10 tuổi biết chơi rất nhiều loại nhạc cụ khác…
96 năm gắn bó với âm nhạc, nhạc sư Vĩnh Bảo đúc kết: “Thà chết đứng chứ không sống quỳ gối”. Ông trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, của danh vọng và cay đắng, nhưng ông luôn tin yêu vào lẽ sống, vào tình người và sự tử tế.
“Cuộc đời tôi có rất nhiều thăng trầm, lúc đi dạy bằng xe hơi, cũng có lúc trong nhà không còn tiền đi chợ. Những điều ấy mình biết rõ và hãy chung sống, bằng lòng với hiện tại và đón nhận”. Để rồi ngày hôm nay, ở tuổi bách niên, ông sống “nhẹ tênh”, hằng ngày vui vẻ bên tiếng đàn, bên học trò khắp 5 châu, 4 bể.
Người thầy khiêm nhường
Nhạc sư Vĩnh Bảo được xem là tinh hoa của nền âm nhạc dân tộc. Ông là nhạc sư, nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống, vừa là nhạc sĩ trình tấu, kiêm cả nghệ nhân đóng đàn.
Từ năm 1955 - 1964, ông dạy môn đàn tranh và là Trưởng ban Nhạc cổ miền Nam tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Năm 1972, ông cùng Giáo sư Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam Bộ cho hãng Ocora và UNESCO tại Paris.
Ông được chính phủ Pháp tặng Huy chương nghệ thuật và văn học năm 2008. Ông cũng chính là người cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn, đi diễn thuyết giới thiệu và trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới.
Là “cây cao bóng cả” trong nền âm nhạc dân tộc, nhưng nhạc sư Vĩnh Bảo luôn khiêm nhường. Ông sống giản dị, chân thành và nhiệt tình, bởi tính cách này mà nhiều người quý mến ông.
Điều quan trọng với ông là được sống một cuộc đời giản dị, bao dung với bản thân và thế sự, theo đuổi tới cùng đam mê âm nhạc. Ông tâm sự: “Tôi là người cộng tác với người đương thời, nơi nương tựa của hậu thế và sẵn sàng san sẻ những gì đã biết, đã học cho tất cả mọi người, không phân biệt già trẻ, trai gái.
Tôi vẫn làm việc mỗi ngày trên máy tính, dành nhiều thời gian hơn viết nhạc gửi cho học trò ở các nơi. Thỉnh thoảng có những người không quen biết, chỉ nghe nhạc nhưng đã vượt mấy trăm cây số đến thăm. Rất vui và cảm động, vì họ quan tâm đến tôi tức là rất thiết tha với âm nhạc dân tộc”.
Cho rằng âm nhạc rất hữu ích, giúp con người sửa đổi tính tình, ông luôn mở rộng vòng tay chào đón bất kỳ ai muốn tìm hiểu, học âm nhạc dân tộc. “Tôi xem ai cũng là thầy, mình có thể học từ họ.
Học trò đến với tôi không chỉ học đờn mà học cách ở đời. Có hôm, cô học trò người Mỹ gọi điện cho tôi lúc 3 giờ sáng để trả bài. Tôi lục đục ngồi dậy mở máy tính để xem học trò đánh đàn.
Ngày hôm sau, các học trò khác biết được, liền trách cô học trò Mỹ sao không đợi sáng mà giữa khuya bắt thầy thức dậy; còn trách tôi sao chiều học trò quá. Tôi trả lời với các trò rằng, cô học trò cần mẫn học tập, khi đàn được rất háo hức, muốn khoe với thầy. Nếu mình từ chối ngay lúc đó thì học trò tụt hứng, tội nghiệp, tiếc chi giấc ngủ!”.
Ngày ngày online dạy đàn
Đã 102 tuổi, dáng người mảnh khảnh, dù sức khỏe có phần giảm sút nhưng nhạc sư Vĩnh Bảo ngày ngày đều đặn online trên mạng xã hội để dạy học trò trong và ngoài nước đàn hát.
Hỏi ông để đăng ký học, các trò phải có điều kiện gì? Ông cười hiền: “Chỉ cần có đam mê, có chiếc máy vi tính và dành chút thời gian là được”.
Ông dạy học trò cách trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, đàn cò, đàn kìm… Sau đó lên mạng xã hội hướng dẫn cách đánh đàn, viết bài, ghi âm gửi cho học trò.
Có khó khăn gì thầy trò cùng trao đổi với nhau. Mỗi năm, các học trò về Việt Nam một lần, học với nhạc sư khoảng 1 tuần. Đây cũng là thời gian ông vất vả để rèn ngón đàn cho học trò ở cách nửa vòng Trái đất.
Bằng cách dạy đàn online này, nhạc sư Vĩnh Bảo có hàng trăm học trò là những người trước kia chưa biết gì về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Sau khi được học với ông, nhiều học trò đã dấn thân với niềm đam mê, nghiên cứu và trình diễn.
Ông kể, có học trò người nước ngoài tìm đến ông học đàn nhưng ra điều kiện là chơi nhạc phương Tây, ông cũng gật đầu nhận dạy. Vừa dạy nhạc Tây nhưng ông thường xuyên gảy những ngón đàn nhạc cổ truyền Việt Nam, học trò nghe được kêu ông dạy cho.
Thời gian sau, cậu học trò này bỏ học nhạc Tây mà xin chuyển sang học đàn nhạc dân tộc Việt Nam.
“Người nhạc sĩ chỉ biết đem tiếng đàn của mình hâm nóng lại những tâm hồn đã lạnh, mang lại sự sống trong chính mình và trong những người xung quanh mình… Khi mình còn yêu văn hóa, nghệ thuật, tiếng nói của mình thì mình còn là người Việt Nam, thế nên tôi mong muốn các bạn trẻ quan tâm hơn đến nhạc dân tộc, phát huy nét đẹp truyền thống của dân tộc”, nhạc sư Vĩnh Bảo tâm tình.
Chia sẻ về nhạc sư Vĩnh Bảo, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết: “Những ai một lần tiếp xúc với nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, người con ưu tú của làng Mỹ Trà, Cao Lãnh, Đồng Tháp, đều cảm nhận được vẻ đẹp con người tài hoa mà khiêm nhường, đáng kính mà đôn hậu.
Trong bộn bề cuộc sống, có những sợi dây ràng buộc giữa “danh” và “lợi”, giữa “giàu” và “nghèo”, giữa “lợi ích riêng” và “giá trị chung”, mỗi người có lúc không tránh khỏi so đo hơn thiệt. Hãy gặp nhạc sư để tự mình “cởi bỏ” những sợi dây vô hình đó. Những ai cho rằng mình đã đủ kiến thức hãy lắng đọng nghe lời nhạc sư: “Điều tôi biết chỉ là hạt cát, điều tôi chưa biết mới là đại dương”.
Những ai bon chen để được “ăn trên - ngồi trước”, “bề trên - phận dưới” hãy nghe lời tự sự: “Tôi tự ví mình như người cộng tác với người đương thời, nơi nương tựa của hậu thế, sẵn sàng chia sẻ những gì đã học, đã biết cho tất cả mọi người, bất phân già trẻ, màu da”. Ngưỡng mộ thay một nhân cách lớn!