Đêm nhảy tuyệt vời
Năm 1951, ở Paris, để có tiền ăn học, đêm đêm Trần Văn Khê phải đi hát ở một quán bar mang tên Bồng Lai (chủ là người Việt). Tại quán bar có một cô gái Pháp tên Madona rất đẹp làm nghề vũ thoát y, thường xuyên có mặt. Một hôm, sau khi biểu diễn xong, Madona vội vã chạy đi (để đến một bar khác) thì vấp phải người phục vụ đang bưng hai tô phở bước ra khiến ngực cô bị phỏng. Thấy vậy, Trần Văn Khê - vốn từng là sinh viên ngành Y, đến “cấp cứu” ngay bằng cách dùng cồn đổ vào miếng bông băng đắp lên chỗ bị bỏng. Madona cảm động nói: “Cám ơn anh. Bữa nào tôi mời anh đi ăn nhé”.
Nhiều tuần sau, Trần Văn Khê đang đi bộ đến trường thì nghe ai gọi tên mình. Ông quay lại, đó là Madona. “Anh đi uống cà phê với tôi đi, thay vì đi ăn như tôi đã hứa”, Madona nói chân thành. Nhưng Trần Văn Khê đành từ chối vì ông đang bận đến trường ghi danh tham dự buổi khiêu vũ cuối năm. Nghe vậy, Madona nói “cho tôi vào trường cho biết với”. Bình thường, ai không là sinh viên khó lọt vào cổng trường nhưng hôm ấy Trần Văn Khê đã nhanh trí nói với bảo vệ “cô này là bạn nhảy của tôi” nên Madona được thoải mái cùng vào.
Cô quay sang nói với Trần Văn Khê “hồi nãy anh nói vậy cho tôi được vào trường nhưng nếu là bạn nhảy thực sự của anh thì tôi vui lòng lắm”. Trần Văn Khê thích thú đồng ý nhưng ông cũng cẩn thận dặn dò: “Đêm nhảy phải ăn mặc đẹp, không được hở hang vì trường học không phải là quán bar, nghe chưa” khiến cô phì cười: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày tôi sẽ khiêu vũ với một anh sinh viên gà mờ, đã thế anh ta không trả tiền cho tôi mà lại còn dám yêu cầu tôi phải làm theo những gì anh ta muốn”.
Đến ngày tổ chức khiêu vũ, Madona ăm mặc thật sang trọng đi taxi đến nhà trọ của Trần Văn Khê để cùng đi với ông đến trường. Bà chủ nhà giật mình khi thấy anh chàng sinh viên Đông Dương nghèo nàn có một “cô bồ” Tây tuyệt đẹp đến rủ “đi chơi”.
Tiết mục khiêu vũ của hai người đã làm nhiều sinh viên trong trường rất choáng, đặc biệt trước sắc đẹp và những bước nhảy điêu luyện, bốc lửa của Madona. Nhiều người đã đến mời Madona cùng nhảy nhưng cô đều đưa mắt dò hỏi Trần Văn Khê. Ông cũng phấn khích lạ lùng.
Sau buổi đó, Madona nói với ông: “Từ trước đến nay, ai muốn nhảy với tôi đều phải xùy tiền. Nhưng hôm nay tôi chỉ nhảy theo ý mình thích, chỉ nhảy với ai tôi có cảm tình. Tôi thấy mình không còn là gái nhảy mà là một… sinh viên trong trắng. Tôi cám ơn anh thật nhiều vì đã cho tôi sống một đêm tuyệt vời”.
Hai giờ sáng, họ chia tay, nhưng Madona lại bảo với Trần Văn Khê: “Hôm nay tôi muốn được là một người bình thường trọn vẹn. Anh về ở với tôi để cho tôi có thêm vài tiếng đồng hồ trọn vẹn ấy”. Và đêm đó, Trần Văn Khê đã có một đêm tình yêu “trọn vẹn” với cô gái nhảy xinh đẹp Madona kiêu kỳ.
Sáng ra, Madona âu yếm hỏi ông: “Anh, mình có gặp nhau nữa không?”, Trần Văn Khê nín lặng vài giây mới thốt nên lời: “Theo anh nghĩ mình không nên gặp nhau nữa. Không thể nào tìm lại được những cảm giác tuyệt vời mà chúng ta đã trải từ chiều hôm qua đến giờ. Hãy coi đó là một giấc mộng đẹp, mà mộng đẹp thì không có lần thứ hai trong đời. Adieu (vĩnh biệt) em”.
Mối tình kỳ lạ
Mối tình dưới đây, như Trần Văn Khê tự nhận sau này, là “mối tình kỳ lạ” nhất đời ông đối với một phụ nữ Tây. Và qua đó ta cũng hiểu thêm về ông, một tài năng lớn về âm nhạc có là một người tình… tuyệt vời?
Năm 1972, Trần Văn Khê phụ trách giảng dạy âm nhạc dân tộc (Việt Nam và một số nước khác) tại Trường ĐH Sorbonne, Pháp. Học trò của ông có nhiều quốc tịch khác nhau, trong số đó có một nữ sinh viên người Đức 26 tuổi đã lập gia đình tỏ ra rất mến mộ ông. Một buổi chiều nọ, cô hớt hơ hớt hãi tìm đến nhà ông và nói thẳng “em xin ở nhờ nhà thầy”.
Thì ra lý do như sau: Chồng một người bạn của cô, sau nhiều lần nhận thấy cô có vẻ ít gần gũi nam giới, đã sàm sỡ muốn ngủ với cô. Cô tâm sự với thầy Khê: “Trước khi làm đám cưới, em và chồng em đã đính hôn. Thời gian đó, chồng chưa cưới của em đòi gần gũi, em bảo đợi khi đám cưới xong, nhưng anh ấy không nghe, đã hãm bức em. Từ đó, em ghê sợ và chán ghét đàn ông. Ai đụng đến là dị ứng. Nay lại đến phiên người chồng của bạn em. Thật đáng sợ cho đàn ông”. Nghe vậy, Trần Văn Khê rất cảm thông, cho cô ở nhờ và săn sóc cô kỹ lưỡng.
Ở nhà ông yên lành đến ngày thứ 6, cô nắm lấy tay ông, chân thành nói: “Ở nhà thầy mấy hôm nay, nhận được những cử chỉ săn sóc của thầy, em thấy ra đàn ông đâu phải người nào cũng vậy. Trước đây, em cũng đã đi khám bệnh vì sợ mình bị lãnh cảm. Bác sĩ nói khi nào gặp người đàn ông mà em thật sự yêu thích thì bệnh tình sẽ tự nhiên khỏi. Nay em đã gặp được người mà mình ‘thật sự yêu thích’, đó là thầy. Thầy ơi, đêm nay em muốn ‘đến’ với thầy, không phải như một người nữ gặp một người nam mà như một bệnh nhân gặp bác sĩ. Thầy có vui lòng chữa bệnh cho em không?”.
Trong giây phút đó, Trần Văn Khê hiểu rằng nhu cầu ấy của cô học trò đối với mình không phải thuần là chuyện chung đụng mà là một đòi hỏi san sẻ về tình người, về tâm lý. Ông liền vuốt tóc cô thật nhẹ nhàng và… hồi hộp đồng ý. Sau đêm đó, cô học trò nói với ông rằng: “Thầy thật tuyệt vời, và nhờ thầy, em sẽ không còn chán ghét đàn ông nữa, cũng như không còn sợ mình bị mắc bệnh như lâu nay hoang tưởng”. Rồi cô cũng nói thêm “xin thầy từ nay nhận lấy tình yêu của em”. Nhưng Trần Văn Khê đã trả lời rõ ràng: “Thầy chỉ thương em. Thầy không thể lấy em làm vợ”.
Cô gái tỏ ra buồn buồn nhưng hai người đã nắm tay nhau siết chặt và chia tay một cách êm đẹp.