Vầng trăng khuyết đỗ hai trường ĐH

Vầng trăng khuyết đỗ hai trường ĐH

(GD&TĐ) - Tin cô học trò khuyết tật Nguyễn Thái Hiền (thôn Hà Nha, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) thi đỗ hai trường đại học không khiến nhiều người ngạc nhiên. Bởi Nguyễn Thái Hiền nổi tiếng là một học sinh chăm ngoan, sáng dạ, học giỏi của xã Đại Đồng.

Niềm vui của cô học trò khuyết tật và niềm tự hào của người mẹ khi có 3 người con đều thi đậu các trường đại học có uy tín. ảnh 1
Niềm vui của cô học trò khuyết tật và niềm tự hào của người mẹ khi có 3 người con đều thi đậu các trường đại học có uy tín.

Niềm vui nhân đôi

Ngược dòng sông Thu Bồn về phía thượng nguồn, chúng tôi tìm đến nhà cô học trò tật nguyền Nguyễn Thái Hiền ở thôn Hà Nha, xã miền Đại Đồng (huyện Đai Lộc, Quảng Nam). Em thi vào ngành Công nghệ thông tin (Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế) đạt 20,5 điểm và ngành Quản lý đất đai (Trường ĐH Nông lâm – ĐH Huế) với số điểm 16,5 điểm.

Những ngày qua, căn nhà nhỏ nằm phía tả ngạn sông Thu Bồn hiền hòa luôn đầy ắp tiếng cười vui của bà con lối xóm đến chúc mừng, hỏi thăm khi hay tin em đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua.

Khác với bạn bè đồng trang lứa, khi biết điểm thi cao chắc chắn sẽ đậu đại học, Hiền không nhảy cẫng lên sung sướng. Tâm trí cô học trò khuyết tật vẫn đau đáu nỗi âu lo. Từ nay bố mẹ sẽ càng nặng gánh vất vả hơn khi phải nuôi ba anh em ăn học.

Còn Hiền vui vẻ cho biết: “Điểm thi của em không cao lắm nhưng đứng vị trí ở tốp 70 bạn có số điểm cao nhất. Đối chiếu với chỉ tiêu tuyển sinh của trường thì em có khả năng đậu cả hai ngành. Tuy nhiên, em sẽ chọn học ngành Công nghệ thông tin (Trường ĐH Khoa học Huế) vì phù hợp với hoàn cảnh của em”.

Hiền không chỉ học giỏi mà còn chăm chỉ giúp mẹ làm việc nhà. ảnh 2
Hiền không chỉ học giỏi mà còn chăm chỉ giúp mẹ làm việc nhà.

Gia cảnh đặc biệt

Rưng rưng nước mắt, chị Hồ Thị Lòng - mẹ của Hiền - tâm sự: “Biết hoàn cảnh gia đình, mấy năm trước có người bên Mỹ qua xin cháu về nuôi nhưng vợ chồng tui không đồng ý. Con mình sinh ra mình nuôi, cho dù cháu có đau ốm bệnh tật gì đi nữa thì cũng là giọt máu của mình. Cuộc sống có nghèo khổ đến mấy vợ chồng tui cũng nuôi các con ăn học đến nơi, đến chốn”.

Trò chuyện cùng chị Hồ Thị Lòng, chúng tôi mới thấu hiểu được phần nào về số phận cuộc đời của Hiền. Năm 1995, chị sinh bé Hiền trong sự vui mừng của gia đình, chòm xóm. Được 7 ngày tuổi, Hiền lên cơn sốt vàng da, sức khỏe ngày càng giảm sút. 3 tuổi em mới ngồi, đến 5 tuổi em mới chập chững biết đi...

Nhớ lại, chị nghẹn ngào kể: “Cảnh nghèo, nuôi một đứa con bình thường đã khó, đằng này một nách chăm 3 đứa con, hai đứa còn thơ dại, 1 đứa bị tật nguyền để chồng đi làm thuê, làm mướn. Nhiều khi trong ý nghĩ chị muốn buông xuôi tất cả nhưng những lúc đó nhìn ánh mắt to tròn, trong trẻo của con đã tiếp thêm nghị lực sống cho tôi”.

Nhà chỉ có ba sào ruộng, mỗi năm làm hai vụ, chắt chiu lắm mới đủ ăn, còn tiền học, sách vở cho con phải trông vào việc làm thuê. Không chịu khuất phục trước số phận, càng thương con, vợ chồng chị Lòng càng sống mạnh mẽ, tin tưởng hơn vào cuộc sống tốt đẹp đang chờ ở phía trước. Một tay chăm sóc con, một tay chị cùng chồng chăm chỉ làm lụng mưu sinh. Từ trồng sắn, làm cỏ, gặt lúa, nhổ lạc... đến bươn chải đi làm mướn khắp nơi, không có việc gì là vợ chồng anh chị không làm.

Nguyễn Thái Hiền nhiều năm là thành viên của đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý của trường và huyện. ảnh 3
 Nguyễn Thái Hiền nhiều năm là thành viên của đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý của trường và huyện.

Báo hiếu cha mẹ bằng những điểm 10

Dù số phận chịu nhiều thiệt thòi, sống trong cảnh “thiếu trước, hụt sau” nhưng bù lại mấy anh em Nguyễn Thái Hiền luôn được đùm bọc trong tình thương yêu, chăm sóc tận tình của bố mẹ. Sự hy sinh thầm lặng không biết mệt mỏi của bố mẹ đã tiếp thêm động lực giúp Nguyễn Thái Hiền cùng hai anh chị luôn đạt kết quả học sinh giỏi, xuất sắc, quyết tâm nuôi dưỡng ý chí trở thành những người sống có ích.

Hiện đứa con trai đầu nhà chị Lòng - Nguyễn Thái Khánh - là sinh viên năm thứ 3 theo học ngành Cử nhân Toán học (Trường ĐH Sư phạm – Đại học Đà Nẵng) và người con gái thứ hai là Nguyễn Thái Trinh đang học ngành Công nghệ môi trường (Trường Cao đẳng Công nghệ - Đại học Đà Nẵng). Hiểu rõ sự khó khăn của gia đình, ngày ngày, hai em còn đi làm gia sư, làm thêm ở quán nước để có thêm tiền trang trải việc học.

Giờ đây, niềm vui đó như được nhân lên khi người con gái út thi một lúc đậu vào hai trường đại học với số điểm cao là món quà quý giá nhất, niềm hành phúc lớn nhất mà cuộc sống dành cho vợ chồng anh chị.

Trò chuyện với chúng tôi, Hiền rưng rưng nước mắt: “Giờ đây, em không chỉ học cho bản thân mình, mà còn cho mẹ, cho cha và còn để noi gương anh chị nữa”. Sau bao năm vất vả, nay niềm vui, hạnh phúc của vợ chồng anh chị gần như được trọn vẹn. Mặc dù, con đường phía trước đối với gia đình anh chị chất chứa rất nhiều âu lo.

Câu chuyện giữa tôi với mẹ Hiền bị đứt quảng bởi cuộc điện thoại của một người thân gia đình chị từ thành phố Hồ Chính Minh gọi ra. Nghe xong cuộc điện, đôi vai chị chùng xuống, giọng chị bối rối vì việc vay tiền cho con không được suôn sẻ. Ngại ngùng cáo lỗi chúng tôi, chị cắp chiếc nón tất tả chạy về cuối xóm…

Ngày nhập học của các con sắp sửa đến gần!

Đại Thắng

GS.TS. Hoàng Chí Bảo chia sẻ câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ.

Học sinh hào hứng nghe kể chuyện về Bác Hồ

GD&TĐ - Ngày 20/12, Trường trung học cơ sở Cầu Giấy, Hà Nội tổ chức chương trình ý nghĩa chào mừng 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam với chủ đề “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”.
Thí sinh đội Team Try trong phần thi tại Vòng chung kết gen Z -Thế hệ dẫn đầu.

Thế hệ GEN Z nói gì về bình thường hóa Covid-19?

GD&TĐ -Với chủ đề “Xã hội có nên bình thường hoá việc mắc Covid-19”, các học sinh đến từ các trường THPT trên cả nước đã cùng đưa ra lập luận sắc bén để bảo vệ quan điểm tại vòng chung kết cuộc thi Gen Z - Thế hệ dẫn đầu
Dự án nước tưới Humic của Xuân Ðức (áo sáng) đã đạt giải Nhì cuộc thi khởi nghiệp Trường Ðại học Bách khoa Hà Nội năm 2020. Ảnh: NVCC.

Nam sinh sáng chế nước tưới hữu cơ

GD&TĐ - Với mong muốn người dân đô thị có thể tự trồng rau sạch tại nhà, Lương Xuân Đức (Viện Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đã sáng chế nước tưới hữu cơ Humic.