(GD&TĐ) - Kể từ phiên đấu thầu lần thứ nhất vào cuối tháng 3/2013 tới nay, đây là lần đầu tiên NHNN “án binh bất động” lâu và đột ngột đến thế. Phải chăng thị trường đã hết cầu, sau khi NHNN đã tung ra thị trường số vàng miếng lên tới 1.517.200 lượng, thông qua tổng cộng 57 phiên đấu thầu?
Ảnh minh họa |
Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi đề cập đến thị trường nhạy cảm này, với sự can thiệp khá mạnh mẽ (và cũng khá ngạc nhiên) của NHNN, thông qua các phiên đấu thầu vàng miếng, khách hàng tập trung vào các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với NHNN, nhưng chủ yếu vẫn là các tổ chức tín dụng. Ngay trong phiên đấu thầu gần nhất do NHNN tổ chức vào 30/8, 13 thành viên vẫn là các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ giao dịch, trong đó chủ yếu vẫn là các tổ chức tín dụng.
Đây cũng là điều mà các chuyên gia đã phân tích rất kỹ: Các tổ chức tín dụng là khách hàng chính trong những phiên đấu thầu, bởi lẽ họ cần mua vào để tất toán trạng thái vàng. Thời điểm ngân hàng thương mại cuối cùng buộc phải hoàn tất trạng thái vàng, theo quy định đặt ra của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, là 30/6. Nhưng thực tế cái mốc thời gian đó không kịp để những ngân hàng thương mại còn nợ trạng thái gom được đủ số vàng cần thiết.
Đó cũng là lý do mà mặc dù thị trường chờ đợi những đợt đấu giá vàng miếng của NHNN sẽ thưa dần sau ngày 30/6, nhưng thực tế kể từ cái mốc thời gian này cho đến ngày 30/8, những đợt đấu thầu vàng miếng lại được tổ chức dày đặc hơn, với tần suất trung bình 3 phiên mỗi tuần. Hầu hết các chuyên gia đều nhận định nguyên nhân chủ yếu là do còn khá nhiều ngân hàng thương mại vẫn nợ trạng thái vàng với số lượng lớn nên vẫn có nhu cầu.
Còn đối với các doanh nghiệp, khi mà giá vàng thế giới liên tục dao động (với chiều hướng chủ yếu đi xuống và luôn thấp hơn trong nước ít nhất 3 triệu đồng/lượng), tham gia đấu thầu không phải là hướng kinh doanh khả thi, có chăng chỉ là việc “giữ quan hệ”, điều mà trong mỗi thông báo triển khai các đợt đấu thầu vàng miếng, NHNN đều ghi rõ thành phần là “các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ giao dịch”. Khi các ngân hàng thương mại đã mua đủ số lượng cần thiết, doanh nghiệp thực tế không mặn mà, việc tổ chức đấu thầu đương nhiên phải dừng lại.
Thực tế, sự ổn định của thị trường vàng (chủ yếu là về giá) đã xuất hiện từ tháng 8 vừa qua, song hành với sự ổn định của giá thế giới, dù có lúc lên lúc xuống theo biến động thị trường, nhưng khoảng cách giá trong nước với quốc tế đã dần được xích lại gần nhau hơn (ở thời điểm là khoảng 3 triệu đồng/lượng, so với cuối tháng 7, đầu tháng 8 là trên 5 triệu đồng/lượng). Tuy nhiên, trong sự ổn định này không có tác động gì của 1.517.200 lượng được NHNN cung ra thông qua 57 phiên đấu thầu từ trước đến nay.
Số lượng vàng đó, ai cũng hiểu chủ yếu đề các tổ chức tín dụng phục vụ cho yêu cầu tất toán trạng thái vàng chứ không phải để cung ra thị trường. Còn với người dân, từ hơn một năm nay, đầu tư vàng đã không còn là kênh hấp dẫn nữa. Minh chứng là trong hơn một tháng trở lại đây, thay đổi của giá vàng trong nước chỉ xoay quanh 1%, trong khi giá thế giới sau khi tăng khoảng 6% lại giảm gần 4%. Nghĩa là vàng trong nước vẫn còn biên độ cao về khả năng xuống giá tiếp tục. Điều đó cho thấy, thị trường vàng không những đang rất ổn định mà còn trở nên kém hấp dẫn, khi mà khách hàng lớn nhất là những ngân hàng thương mại có nhu cầu thu gom để tất toán đã hoàn thành nhiệm vụ.
Có thể, một giai đoạn chìm lắng kéo dài của thị trường vàng lại tái diễn như thời điểm cuối những năm 1990. Đó cũng là cơ hội tốt để thị trường tự điều chỉnh lại giá trị thực của mình, thay vì phải khiên cưỡng theo các mệnh lệnh hành chính như thời gian qua…
Nhất Nguyên