Vẫn nên quy định kỳ thi THPT quốc gia trong Luật

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Nghị quyết 29-NQ/TW nhấn mạnh đổi mới phương thi xét tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực, tốn kém cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, là căn cứ cho các trường ĐH tuyển sinh.

Câu hỏi đặt ra liên quan đến Luật Giáo dục đang được sửa đổi là chúng ta có cần tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hay không? Để trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Phương Nga cho rằng cần xem xét trên cả cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn.

Về vấn đề này, trên thế giới có 3 xu hướng:

Xu hướng thứ nhất: không thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Hiệu trưởng các trường THPT sẽ cấp giấy chứng nhận hoàn thành THPT. Có ít nước thực hiện theo xu hướng này.

Xu hướng thứ hai: tổ chức thi THPT quốc gia; nhiều nước chọn hình thức này, trong đó có nhiều nước Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan,…; các nước phát triển ở Châu Âu như Hà Lan, Phần Lan…

Xu hướng thứ ba: có thi THPT, nhưng do các đơn vị khảo thí chuyên nghiệp đứng ra tổ chức và một năm thi nhiều lần.

Tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Phương Nga đánh giá: Từ năm 1975 đến nay, chúng ta đã có 6 lần đổi mới về thi THPT và tuyển sinh ĐH. Mỗi lần đổi mới từng bước đi lên và đạt được kết quả nhất định.

“Theo đánh giá khách quan của chúng tôi, kì thi năm 2017-2018 là ấn tượng nhất vì bám rất sát theo nghị quyết 29, giảm lo âu căng thẳng của xã hội. HS được thi tại địa phương, thời gian thi ngắn gọn. Tuy nhiên, cũng còn có một số can thiệp nhất định. Ta biết rằng, mọi loại hình thi, mọi công nghệ cao, nếu như con người có chủ định, đặc biệt đó lại là người làm sâu trong ngành nghề sẽ có cách lách. Tiêu cực là của 1 số nhóm nhỏ phải chịu trách nhiệm chứ không phải toàn hệ thống” - PGS.TS Nguyễn Phương Nga nhận định.

PGS.TS Nguyễn Phương Nga
PGS.TS Nguyễn Phương Nga

Trên cơ sở đó, PGS.TS Nguyễn Phương Nga nêu đề xuất: Cần phải có kỳ thi THPT quốc gia trong Luật Giáo dục. Theo PGS, kì thi này không chỉ để đánh giá 12 năm học phổ thông của học sinh mà còn là cơ sở dữ liệu để nhà nước có chủ trương, chính sách quy hoạch, đầu tư phát triển giáo dục.

Theo PGS.TS Nguyễn Phương Nga, đòn bẩy để thay đổi chương trình giáo dục, để thay đổi giảng dạy học tập trong nhà trường phải là đổi mới kiểm tra đánh giá. Đổi mới đương nhiên phải có thời gian. “Theo lộ trình của Bộ GD&ĐT, giai đoạn từ 2019 - 2020, chúng tôi vẫn kiến nghị vẫn giữ ổn định theo kì thi vừa rồi, vì đánh giá khách quan tốt. Tuy nhiên, chúng ta phải xem xét một số điểm, cần hoàn chỉnh hơn” - PGS.TS Nguyễn Phương Nga nói.

PGS Nguyễn Phương Nga kiến nghị: Quy chế tuyển sinh cần chặt hơn nữa để tránh các hiện tượng tiêu cực. Đồng thời hoàn thiện hơn nữa phần mềm chấm thi, quản lý thi. Đặc biệt, cần có ma trận chấm thi. Ma trận chấm thi sẽ phức tạp hơn so với 2 tỉnh chấm chéo, tạo sư chặt chẽ, công bằng, khách quan.

Đồng thời, cần xây dựng ngân hàng câu hỏi theo hướng đánh giá năng lực. Từ năm 2021-2023, nên thi 2-3 lần/năm và thực hiện thi trên máy tính, thí điểm trước ở các địa phương trên tinh thần tự nguyện; để tổ chức rộng trên toàn quốc từ năm 2024...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.