Trong khuyến nghị được đưa ra tại hội nghị về các vấn đề trẻ em trong Luật Giáo dục sửa đổi do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Unicef tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Unicef và Unesco cho rằng: Một số quốc gia ở Châu Á và Thái Bình Dương đã xác định học tập suốt đời là ưu tiên hàng đầu trong hiến pháp, luật pháp và chính sách quốc gia, đặc biệt là liên quan đến việc thúc đẩy phát triển bền vững.
Mục tiêu phát triển bền vững số 4 hướng tới một nền giáo dục hòa nhập, bình đẳng, có chất lượng và tạo cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Có nhiều định nghĩa về học tập suốt đời, mặc dù chúng khá tương đồng. Học tập suốt đời được mô tả trong Khung hành động 2030 về Giáo dục như sau:
“Gốc rễ của học tập suốt đời chính là việc tích hợp học tập và cuộc sống, với những hoạt động học tập cho người dân ở mọi lứa tuổi (trẻ em, thanh niên, người lớn, người già, trai, gái, nam nữ) và trong mọi hoàn cảnh, bối cảnh của cuộc đời (gia đình, nhà trường, cộng đồng, công sở…), bằng nhiều phương thức khác nhau (chính quy, không chính quy và phi chính quy) nhằm đáp ứng các nhu cầu học tập đa dạng.
Những hệ thống giáo dục nào thúc đẩy học tập suốt đời đều áp dụng cách tiếp cận tổng thể và toàn ngành với sự vào cuộc của tất cả các cấp học, bậc học và trình độ đào tạo nhằm đảm bảo cung cấp các cơ hội học tập cho mọi người.”
Trong bối cảnh Việt Nam, Unicef và Unesco cho rằng, dường như giáo dục thường xuyên được sử dụng để thúc đẩy học tập suốt đời, nhưng giáo dục thường xuyên không nhất thiết phản ánh tất cả các khía cạnh của học tập suốt đời, như đã mô tả trên đây. Do đó, cần xem xét tăng cường những thuộc tính quan trọng của học tập suốt đời.
Những thuộc tính đó bao gồm : (i) sự kết nối giữa các cấp học và trình độ đào tạo nhằm đảm bảo tính mở và mềm dẻo trong các con đường học tập; (ii) đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học, nhất là những đối tượng dễ tổn thương trong đó có người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người di cư, và trẻ em trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương và nhưng người bị ảnh hưởng bởi đói nghèo, và (iii) thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho mọi người, nhất là bình đẳng giới.
Từ những phân tích trên, Unicef và Unesco khuyến nghị xem xét phản ánh những nội dung quan trọng về “Học tập suốt đời” vào phần liên quan đến giáo dục thường xuyên khi sửa đổi Luật Giáo dục.