Cho an toàn
Dạo quanh hiệu sách, cô Trần Thị Thảo, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Ban Mai - Hà Đông (Hà Nội) nhìn lướt qua thấy không dưới mười đầu sách văn mẫu được bày trên kệ. Hầu hết nội dung những cuốn này đều na ná nhau, thậm chí có quyển viết khá vội…
Cô Thảo cho biết nhiều khi chạnh lòng vì học sinh yêu văn ngày càng ít. Học sinh say mê văn chương càng khó tìm. Nhiều em ngại đọc sách, thậm chí ngại đọc cả những văn bản in trong SGK. Những giờ hướng dẫn đọc hiểu văn bản hầu như giáo viên đọc còn học sinh chỉ cắm cúi ghi chép.
Học sinh hiểu theo cách hiểu của giáo viên, những câu hỏi thảo luận tìm ra minh triết của tác phẩm hay cảm nhận cái đẹp, cái hay của một bài thơ, rút ra bài học cuộc sống… đa phần rất nhạt. Các em không thực sự đọc và không cảm được bài học. Có những bài cô trò học rất say sưa, xúc động, nhưng đến cuối giờ một học trò hỏi: “Bài này có nằm trong giới hạn ôn thi không cô?”, khiến cô giáo thấy buồn.
Giờ đọc hiểu đã vậy, nhưng có lẽ “kinh hoàng” nhất vẫn là tiết học tập làm văn. Học sinh được hướng dẫn xây dựng dàn ý, kỹ năng làm bài với từng kiểu bài, nhưng khi cầm bút các em luôn gặp khó khăn. Vốn từ eo hẹp, ngữ pháp câu chưa vững, viết câu chưa sáng tạo, chưa biết vận dụng kỹ năng và huy động vốn từ… là những khó khăn thường gặp ở hầu hết học sinh. Giá trị chân - thiện - mĩ văn chương khơi dậy hồn nhiên trong tâm trí người đọc dường như thật khó với việc dạy và học hiện nay.
“Gần đây dư luận bàn không ít về vấn nạn “văn mẫu”, về cách dạy thi gì học nấy. Đặc biệt khi Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu về quyết tâm đẩy lùi vấn nạn này, chúng tôi hoàn toàn đồng ý và vô cùng hoan nghênh. Chúng tôi luôn mong muốn môn Văn được trả về đúng với ý nghĩa, bản chất vốn có.
Việc dạy Văn chỉ nên dừng lại ở việc giáo viên hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập cho học sinh; dẫn dắt, khơi gợi giúp các em tự nhận ra ý nghĩa, giá trị của tác phẩm ở góc độ cá nhân; dạy các em biết cách quan sát, lắng nghe, đưa ra ý kiến và phản biện; biết cách tự làm giàu vốn từ của mình, diễn đạt trong sáng và hình ảnh…
Thầy cô nên khuyến khích, định hướng học sinh đọc sách nhiều hơn, bởi chỉ có đọc sách mới giúp các em phát triển tốt nhất năng lực môn Ngữ văn. Môn Văn sẽ trở nên dễ chịu và nhẹ nhàng hơn khi học sinh hào hứng, tự tin nói về một cuốn sách mình đọc, đưa ra những góc nhìn, cảm nhận hồn nhiên nhất của bản thân. Tôi hi vọng chương trình Ngữ văn mới sẽ từng bước đẩy lùi việc dạy học theo văn mẫu hiện nay. Khi nội dung, cách thức thi thay đổi, mục tiêu đề thi hướng vào phát triển năng lực người học, ắt hẳn văn mẫu không còn đất sống” - cô Trần Thị Thảo chia sẻ.
Còn theo cô Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Văn - Ngoại ngữ của Trường THPT Tử Đà (Phú Thọ), ở THPT, tình trạng cung cấp bài văn mẫu cho học sinh rồi yêu cầu học thuộc và sử dụng trong kiểm tra thi cử cơ bản không còn, vì cách ra đề như hiện nay không thể làm như vậy.
Tuy nhiên, việc áp đặt ý kiến giáo viên trong dạy học vẫn tồn tại. Khi dạy học, thầy cô vẫn chú ý đến việc cung cấp cho học sinh các ý kiến, nhận xét, đánh giá của mình và mong muốn học sinh nhớ rồi nói, viết như vậy trong quá trình kiểm tra, thi cử để bảo đảm an toàn. Chấm bài vẫn trên cơ sở đáp án đã vạch sẵn; ít khuyến khích, hoặc chưa dám công nhận những trường hợp có ý tưởng khác, mới lạ.
Triển khai chương trình mới: Văn mẫu là cản trở
Chia sẻ tác hại của văn mẫu khi triển khai chương trình mới, TS Nguyễn Thị Thùy Trang, Khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, nhấn mạnh trước hết là bất cập về mục tiêu giáo dục. Chương trình giáo dục hiện hành (2006) được xây dựng theo định hướng bám sát vào nội dung, rèn luyện cho học sinh kiến thức – kỹ năng – thái độ.
Trong khi đó, Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) lại nhằm mục đích phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. Để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của học sinh, chương trình cần được xây dựng theo hướng mở. Tính mở của chương trình thể hiện ở việc không quy định chi tiết nội dung dạy học mà chỉ quy định về yêu cầu cần đạt. Đó là lý do vì sao chúng ta lại thấy một chương trình nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa. Theo tinh thần này, học sinh sẽ không phụ thuộc vào sách giáo khoa, văn bản.
Cũng theo TS Nguyễn Thị Thùy Trang, mục tiêu môn Ngữ văn hướng đến để phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh, được thực hiện qua trục đọc – viết, nói – nghe. Trong đó, đặc thù của hoạt động luyện viết (tập làm văn) đòi hỏi kỹ năng quan sát, phân tích, tư duy, trải nghiệm và sáng tạo. Khi đưa bài văn mẫu vào, học sinh sẽ bị giảm các kỹ năng trên, dẫn đến năng lực viết của học sinh cũng bị giới hạn. Từ việc giới hạn trong tìm “lời hay, ý đẹp”, ngôn ngữ trong sáng, linh hoạt, đến giới hạn khả năng giao tiếp. học sinh thụ động trong quá trình tương tác giữ kiến thức và thực hành, vận dụng.
“Chương trình giáo dục phổ thông mới phát huy năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề sáng tạo. Việc “sao y bản chính” các bài văn mẫu sẽ khiến học sinh lệ thuộc vào văn bản, mất đi khả năng tự học tự rèn, tư duy phân tích, suy luận và sáng tạo bị hạn chế, cũng như không huy động được những trải nghiệm của mình vào giải quyết vấn đề.
Bên cạnh đó, đánh giá học sinh theo chương trình mới không chỉ là đánh giá định kỳ/ đánh giá tổng kết (như trước đây vẫn chú trọng), mà tập trung vào đánh giáo quá trình/ đánh giá thường xuyên. Vì vậy, kết quả không phải là căn cứ duy nhất để đánh giá sự phát triển năng lực của họ” – TS Nguyễn Thị Thùy Trang chia sẻ thêm tác hại của văn mẫu khi triển khai chương trình mới.