Loại bỏ văn mẫu: Cần đổi mới từ phương pháp kiểm tra, đánh giá

GD&TĐ- Vấn đề văn mẫu vẫn tồn tại dù được xã hội, ngành giáo dục nhiều lần lên tiếng và tìm giải pháp. Cách loại bỏ văn mẫu được các nhà giáo tâm huyết – những người trực tiếp đang đứng trên bục giảng đặc biệt quan tâm.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sau đây là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thủy - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Hiệp Bình, Quận Thủ Đức, TPHCM về thực trạng dạy học văn hiện nay tại các nhà trường cũng như hiến kế, giải pháp để loại bỏ văn mẫu trong quá trình dạy học.

Thực trạng dạy học văn hiện nay

Trong lộ trình đổi mới, những năm gần đây, liên tục các lớp tập huấn chuyên đề đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng CT 2018 cho giáo viên được Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tổ chức.

Những công văn hướng dẫn về đổi mới kiểm tra, đánh giá, dạy học theo chủ đề, tích hợp… nhằm tạo ra một sự thay đổi trong phương pháp dạy, học môn Ngữ văn đối với chương trình hiện hành tại các nhà trường. Vì vậy, có thể nói, năm học 2021 – 2022 là giai đoạn bản lề, giao thời giữa cũ và mới trong phương pháp dạy học môn Ngữ văn. Bối cảnh này đã và sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động dạy, học môn Ngữ văn tại các nhà trường.

Là giáo viên có hơn 20 năm giảng dạy Ngữ văn trong trường phổ thông, cô giáo Nguyễn Thị Thủy cho biết: Đã có nhiều đổi mới trong dạy, học môn Ngữ văn, cụ thể là đổi mới kiểm tra đánh giá để thay đổi phương pháp giảng dạy.

Có thể lấy đề thi tốt nghiệp THPT làm ví dụ. Trước đây, đề thi có nhiều câu hỏi học thuộc, tái hiện kiến thức. Mấy năm gần đây: Sự thay đổi thể hiện ở phần đọc hiểu và nghị luận xã hội. Phần đọc hiểu đã lựa chọn văn bản mới, ngoài sgk làm ngữ liệu.

Cách ra đề này đã tác động đến cách dạy của giáo viên, cách học của học sinh. Giáo viên buộc phải dạy kĩ năng đọc hiểu, học sinh được dạy vận dụng những kiến thức công cụ từ tiếng Việt, ngôn ngữ.. để đọc hiểu văn bản. Từ đó, kĩ năng đọc hiểu của học sinh dần được hình thành, bỏ được cách học thuộc lòng máy móc.

Tương tự phần nghị luận xã hội, những vấn đề được hỏi cũng không phải là một nội dung đã được dạy trước, giáo viên tập trung rèn kĩ năng viết nghị luận xã hội cho học sinh. Câu hỏi trong đề thi theo hướng mở, 1 vấn đề có thể có nhiều hướng tiếp cận, lí giải, khuyến khích được suy nghĩ sáng tạo của học sinh.

Cách ra đề này tạo nên một sự thay đổi lớn trong phương pháp dạy, học văn, hướng đến hình thành năng lực đọc, viết, sáng tạo…, hạn chế được hiện tượng học tủ, văn mẫu.

Tuy nhiên, sự đổi mới chưa hoàn toàn triệt để, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Điều này thể hiện ở phần câu hỏi nghị luận văn học. Đề ra tập trung vào những tác phẩm đã dạy trong chương trình. Các tác phẩm này đã được giải sẵn, làm sẵn, thậm chí có cả 1 hệ thống đề cụ thể liên quan đến từng tác phẩm, các đề này được soạn rất chi tiết từ mở bài, thân bài, kết bài và  tràn lan trên mạng, sách tham khảo.

Học sinh học thuộc, đi thi và chép lại. Đây là lí do sau buổi thi môn Ngữ văn (trong kì thi TNPT), sẽ xuất hiện các cụm từ quen thuộc trong học sinh: “trúng tủ”, “tủ đè”.

Từ cách ra đề như vậy, học sinh sẽ học thuộc, chép lại văn mẫu. Năng lực sáng tạo mờ nhạt, kĩ năng viết rất khó hình thành. Học sinh chán học do phải học thuộc những bài văn, cuốn đề cương dài lê thê, những phân tích rất kĩ từng câu, từ, hình ảnh…

Hiện trạng này sẽ dẫn đến việc học sinh chán học do ít được tự do sáng tạo, bộc lộ những cách cảm, nghĩ của riêng cá nhân cũng như tự do trong cách viết, diễn đạt, vì tất cả đã có sẵn. Lâu dần, các em sẽ quen với việc copy bài của người khác, coi nó là việc đương nhiên, bình thường, điều này ảnh hưởng đến hình thành nhân cách của học sinh.

Ảnh minh hoạ/INT
Ảnh minh hoạ/INT

Giải pháp để loại bỏ văn mẫu

Theo nhận định của cô Thuỷ, cách ra đề các kì thi cuối cấp, có một ảnh hưởng rất lớn đến thực tế giảng dạy, kiểm tra, đánh giá  môn Ngữ văn ở trường THPT.

Với những kinh nghiệm và tâm huyết với môn Ngữ văn, cô giáo Thu Thuỷ cho rằng, vấn nạn văn mẫu có thể được loại bỏ dần dần khi có sự phối hợp đồng bộ của nhiều lực lượng, trong đó có sự nhìn nhận của xã hội và quan điểm của phụ huynh học sinh.

Theo cô Nguyễn Thị Thủy, sự phối hợp này đến từ 5 yếu tố:

Thứ nhất, về kiểm tra đánh giá: Trong kiểm tra đánh giá, đề bài nên yêu cầu học sinh viết về 1 tác phẩm/ đoạn thơ, văn mà ngữ liệu hoàn toàn mới (có cùng thể loại, đề tài, độ dài, độ khó tương đương với các văn bản trong chương trình). Đề thi và kiểm tra đánh giá không hỏi lại những tác phẩm đã dạy trong chương trình.

Học sinh sẽ được dạy kĩ năng đọc, viết, nói, nghe – những năng lực đặc thù của môn Ngữ văn. Vận dụng những kiến thức công cụ về tiếng Việt, đặc trưng thể loại, làm văn… để đọc văn bản, tạo lập văn bản …từ đó, những phẩm chất, năng lực cơ bản được hình thành.

Để làm được việc này, trong quá trình dạy, giáo viên buộc phải tìm thêm ngữ liệu đọc cho học sinh, đây là 1 con đường mở rộng kênh đọc cho giáo viên, dẫn dắt học sinh đến với văn hóa đọc.

Thứ hai, Bộ GD&ĐT cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể, ngay từ đầu năm học, đặc biệt là đối với các lớp cuối cấp: lớp 9, 12 về phương pháp, nội dung kiểm tra, đánh giá đối với môn học.

Thứ ba, cần tuyên truyền rộng rãi cho phụ huynh, học sinh hiểu sự thay đổi sẽ triệt tiêu, hạn chế nạn chép văn mẫu, dạy thêm, học thêm, học tủ, đoán  mò. Học sinh sẽ được học cách đọc, viết, khơi gợi được sự sáng tạo trong suy nghĩ, và là con đường hướng đến văn hóa đọc.

Thứ tư, cần đổi mới trong cách đánh giá từ dư luận xã hội về kết quả của dạy, học văn trong nhà trường.

Thứ năm, cả giáo viên, phụ huynh và học sinh cần chấp nhận những khó khăn, thử thách và cả những kết quả có thể chưa thật đẹp (về mặt điểm số) khi thay đổi cách đánh giá trong quá trình loại bỏ văn mẫu.

“Văn mẫu không hoàn toàn xấu nếu sử dụng đúng mục đích. Những bài văn mẫu mực sẽ được sử dụng để dạy mẫu cho học sinh. Từ đó, học sinh học được cách viết, cách tạo lập văn bản. Tuy nhiên, học thuộc văn mẫu, chép lại văn mẫu để sử dụng trong kiểm tra đánh giá là một việc làm để lại nhiều hậu quả nặng nề. Để chấm dứt tình trạng văn mẫu, cần đến nhiều giải pháp” – cô Thuỷ nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ