“Thuốc” trị văn mẫu

GD&TĐ - Khoảng 4 năm trở lại đây, đề thi môn Ngữ văn trong các kỳ thi có sự thay đổi căn bản.

Như Kỳ thi tốt nghiệp THPT, cấu trúc đề chuyển từ việc yêu cầu học sinh thuộc lòng những nội dung đã đọc hiểu của tác phẩm có trong SGK sang việc vận dụng kiến thức, kỹ năng đọc hiểu.

Đề thi môn Ngữ văn ở các kỳ thi đề cập vấn đề thời sự, gần gũi cuộc sống cho thí sinh bàn luận. Gần như các dạng đề mở đều khiến các em cảm thấy hứng thú, không phải học tủ, học vẹt, vừa kiểm tra được năng lực, sáng tạo của bản thân.

Cách ra đề thi môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT đã tác động trở lại quá trình dạy – học, kiểm tra đánh giá định kỳ ở các trường phổ thông. Giáo viên Ngữ văn bắt đầu có sự điều chỉnh trong cách dạy, học sinh cũng quan tâm đến những mục tiêu mà môn Ngữ văn kỳ vọng như học cách cảm, cách nghĩ, diễn đạt mà còn là môn học góp phần hình thành nhân cách sống.

Với cách học tủ, học thuộc văn mẫu, chỉ cần đề thi đòi hỏi học sinh phải có lập luận, so sánh giữa hai tác phẩm, hai đoạn trích, trình bày chính kiến, có tranh luận, phản biện sẽ là điều rất khó khăn với thí sinh. Như với phần nghị luận văn học của đề thi Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021, nhiều em đã nhận xét rằng phải “xoắn não” mới làm được vì dễ lạc đề. Các em chỉ đơn giản là học thuộc văn mẫu phân tích đoạn trích của tác phẩm “Sóng”. Thế nên, khi đề ra có thêm yêu cầu phân tích đoạn trích để làm nổi bật vẻ đẹp nữ tính trong thơ của Xuân Quỳnh thì các em bị “sập tủ”.

Gần như đề thi Ngữ văn ở Kỳ thi THPT quốc gia, tốt nghiệp THPT năm nào cũng tạo nên những tranh luận. Mặt khác, xã hội vẫn quen với cấu trúc của đề thi Ngữ văn bao giờ cũng có 2 phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội.

Chính vì vậy, có không ít đề thi gây tranh cãi khi thoát khỏi mô-típ này. Như đề thi học kỳ I lớp 12 môn Ngữ văn mới đây của Sở GD&ĐT Đà Nẵng năm học 2019 - 2020 đã khiến không ít học sinh ngỡ ngàng vì cấu trúc đề không có câu nghị luận văn học - một nội dung trọng tâm của chương trình Ngữ văn 12. Thay vì chọn một tác phẩm văn học, đề thi yêu cầu các em trình bày suy nghĩ của mình về quan điểm: “Từ bỏ cũng là một sự lựa chọn”. Nhiều ý kiến bám theo những mô-típ đề thi Ngữ văn quen thuộc để phê bình đề thi. Trong khi đó, bản thân các em lại rất hào hứng với đề thi có nhiều đổi mới này.

Việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực đã khiến mối quan hệ thầy - trò trong nhà trường có sự thay đổi. Vị trí trung tâm của người thầy không còn ở nghĩa nguyên thuỷ và bắt đầu dịch chuyển sang học sinh. Trong thời đại bùng nổ thông tin, các em có thể dễ dàng tìm thấy kho văn mẫu khổng lồ chỉ với một thao tác tìm kiếm thì vai trò hướng dẫn, định hướng của giáo viên rất quan trọng.

Vì vậy, việc đổi mới trong kiểm tra, đánh giá học sinh còn phụ thuộc vào việc phải làm sao thay đổi nhận thức của cả xã hội về quan niệm chất lượng giáo dục. Toa thuốc cho bệnh “văn mẫu” còn phải kê cho cả người học và nhận thức của cả xã hội về quan niệm chất lượng giáo dục, để nhà trường bớt đi những áp lực từ bên ngoài cổng trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.