Thoát ly văn mẫu: Biến kiến thức chung thành “của riêng”

GD&TĐ - Từ góc nhìn của học sinh phổ thông, nếu cứ học thuộc theo các bài văn mẫu thì trước một đề thi có câu lệnh “lệch” khỏi mô - típ của các đề Ngữ văn quen thuộc sẽ “chới với” ngay.

Nếu HS rèn được kỹ thuật viết, sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào văn mẫu. (Ảnh: HS Đà Nẵng dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập).
Nếu HS rèn được kỹ thuật viết, sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào văn mẫu. (Ảnh: HS Đà Nẵng dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập).

Vì vậy, văn mẫu chỉ nên là một kênh tham khảo và HS phải tự rèn kỹ năng viết. Điều này không chỉ cần thiết cho môn Ngữ văn, mà còn bổ trợ cho các môn học khác.

Văn mẫu khác tài liệu tham khảo

Đặng Văn Quang, cựu HS lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (TP Hội An, Quảng Nam) là một trong ít thí sinh hiếm hoi đạt điểm 10 bài thi môn Ngữ văn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021. Chia sẻ bí quyết học môn Ngữ văn, Quang cho biết, em không đọc văn mẫu như phần đông các bạn mà chỉ “tìm đọc các nguồn tài liệu để tham khảo, có thêm dẫn chứng hoặc có thể mở rộng bài viết của mình, học được cách tư duy hoặc các kiến thức hay của họ”.

Theo như Quang lý giải, văn mẫu, cho dù đạt đến độ chuẩn mực, cũng xuất phát từ một người, có sự chủ quan của người viết. Vì vậy, có thể tham khảo dữ liệu chứ không nên ảnh hưởng hoàn toàn từ văn mẫu dẫn đến bị chi phối theo cách viết, quan điểm của họ thì không còn là văn nữa.

Em Đinh Văn Tiên Sơn, cựu HS Trường THPT Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng) giải Nhất môn Ngữ văn, Kỳ thi HS giỏi lớp 12 thành phố Đà Nẵng năm học 2020 – 2021, cho rằng: Văn mẫu là nguồn kiến thức thú vị để HS tham khảo và trau dồi thêm. Mỗi quyển sách tham khảo sẽ cho mình khía cạnh riêng của người viết ra.

“Trong quá trình học môn Văn, HS có thể tham khảo thêm những dẫn chứng, cách lập luận nhưng đừng nên phụ thuộc hoàn toàn mà phải triển khai thành cách viết riêng của mình. Lúc chọn văn mẫu nên lựa quyển sách của các nhà xuất bản uy tín hoặc của thầy cô nổi tiếng chứ không nên lựa những quyển sách đại trà” - Sơn nói.

Tuy nhiên, theo nhận xét của Đặng Văn Quang, nhiều HS THPT đang học môn Ngữ văn theo kiểu học thuộc văn mẫu. “Những đoạn phân tích các tác phẩm thì có sẵn và rất nhiều, các bạn cứ thế học thuộc. Những đoạn mẫu này có thể sử dụng cho bất kỳ bài văn nào”. Thế nhưng, theo như kinh nghiệm của Quang, kiểu học đối phó này chỉ có thể “trót lọt” đối với những bài kiểm tra thông thường.

“Với những đề thi có tính phân loại cao, yêu cầu “lắt léo” hơn một chút, các bạn sẽ không biết đưa các đoạn văn mẫu đã học thuộc vào như thế nào hoặc nếu cứ đưa đại vào sẽ lạc đề. Học thuộc văn mẫu hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào văn mẫu, HS sẽ hạn hẹp vốn từ cũng như khả năng tư duy, khả năng sáng tạo của mình” – Quang cho biết. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến HS thấy chán học văn. Còn nếu viết bằng sự sáng tạo, làm chủ được khả năng diễn đạt của mình mới thấy được sự thú vị của môn học.

Đinh Văn Tiên Sơn thì cho rằng, không phải cứ học thuộc văn mẫu là sẽ đạt điểm cao. “Khi bạn không có được vốn từ và cách thức diễn đạt rất dễ bị “tủ đè” nếu “trật tủ”. Chưa kể là không phải bài văn mẫu nào cũng có chất lượng. Và cần phải phân biệt giữa văn mẫu và tài liệu tham khảo cho môn học Ngữ văn” – Sơn chia sẻ.

Đặng Văn Quang cùng cô giáo chủ nhiệm lớp 12 chuyên Văn và bạn học.
Đặng Văn Quang cùng cô giáo chủ nhiệm lớp 12 chuyên Văn và bạn học.

Chìa khóa thoát khỏi văn mẫu

Từ kinh nghiệm học tập bộ môn, Đặng Văn Quang đưa ra lời khuyên để có thể học tốt môn Văn: “Dù học chuyên Văn hay đại trà, môn Văn cũng phải khơi được sự sáng tạo, cách cảm nhận và suy nghĩ riêng của HS. Các bạn hoàn toàn có thể tìm đọc nhiều sách tham khảo, kể cả văn mẫu để trau dồi khả năng viết cũng như làm giàu thêm vốn từ của mình. Nếu được, hãy luyện viết nhiều, tập viết từ những đoạn văn ngắn. Phải tập luyện viết từ sớm chứ không phải đợi đến khi lên đến THPT mới bắt đầu tập viết”.

Đinh Văn Tiên Sơn thì cho rằng: Việc luyện viết đòi hỏi HS phải có sự kiên trì. Theo Sơn, chỉ cần viết được một lượng bài nhất định thì với đề nào, HS cũng có thể viết được mạch lạc, trôi chảy. Phải bắt đầu từ những đoạn viết ngắn để triển khai một luận điểm nào đó rồi dần dần tập viết dài. “Để có “vốn” viết dài, cần tổng hợp kiến thức trên trường, chắt lọc kiến thức từ các nguồn tham khảo rồi viết theo cách viết riêng của mình”.

Sơn cho rằng, HS đại trà nên học môn Ngữ văn với tinh thần thoải mái, nên tiếp cận kiến thức theo kiểu học cái hay của bài văn, và viết lại theo cách cảm nhận của mình. “Tự viết văn, cũng hỗ trợ cho các môn học khác như viết bài thuyết trình, viết tiểu luận. Lên bậc học cao hơn, các bạn khối A nếu không nhuần nhuyễn kỹ năng viết sẽ gặp rất nhiều lúng túng”.

Cô Hồ Thị Tâm – giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Quốc học Huế (Thừa Thiên – Huế) - chia sẻ: “Sau thời gian dài dạy học Ngữ văn, tôi nhận ra, khi đến với môn học này, điều HS thiếu không phải là tri thức, kiến thức, mà là ngôn ngữ. Qua tìm hiểu điều kiện môi trường sống hiện nay, mình gặp phải một thực trạng phổ biến, là trẻ con ngày càng chậm nói, ngôn ngữ hình ảnh lấn chiếm ngôn ngữ lời nói hằng ngày. Vì vậy, việc hình thành ngôn ngữ trong mỗi đứa trẻ bị hạn chế. Từ đó, các con nhận thức được vấn đề nhưng không gọi tên nó được, hoặc các con hiểu được vấn đề nhưng không diễn đạt được... là điều đang xảy ra hằng ngày”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ