Văn mẫu: Cách nào để bước ra khỏi lối mòn?

GD&TĐ - Như một lẽ tự nhiên, nhiều người trong chúng ta thường cảm thấy an toàn khi bước đi trên những con đường quen thuộc. Song, những con đường mòn sẽ khiến ta cảm thấy đơn điệu, tẻ nhạt.

Dạy học Ngữ văn trong bối cảnh hiện nay cũng như câu chuyện đi đường quen. Khi bối cảnh xã hội có quá nhiều thay đổi, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ban hành và đang dần thay thế Chương trình giáo dục phổ thông 2006… thì câu hỏi: Cách nào để vượt lối mòn? chắc chắn phải được đặt ra một cách nghiêm túc.

Dạy văn - rèn người cho học sinh khá giỏi theo Chương trình mới

Văn học là một loại hình nghệ thuật. Đã là nghệ thuật, nó phải tuân theo quy luật của sự sáng tạo. Khi dạy học Ngữ văn, tôi luôn nghĩ không thể lặp lại chính mình và nhất định cũng không thể dạy các em học thuộc, học vẹt, học gạo,...

* Khích lệ hoạt động đọc: Học văn, nhất định phải đọc. Đọc không chỉ là đưa mắt hoặc đọc to những con chữ theo chiều tuyến tính trên trang sách. Tôi thường yêu cầu học trò của mình phải đọc sâu, ít nhất một văn bản văn học tiêu biểu cho thể loại để biết cách đọc thể loại đó. Nắm được đặc trưng của thể loại thông qua một tác phẩm tiêu biểu rồi, các em tiếp tục đọc rộng hơn để mở rộng vốn đọc. Hoạt động đọc sẽ góp phần tạo nên phông văn hoá, giúp các em bồi dưỡng cảm xúc, gia tăng trải nghiệm cho bản thân,...

Tôi thường định hướng các em đọc theo chủ đề để có cái nhìn đối sánh; ghi chép lại những gì đã đọc trong sổ tay hoặc “Nhật kí đọc” một cách hệ thống; ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ của mình, thậm chí cả ý kiến trái chiều với quan điểm của người viết; ghi lại câu văn hay, hình ảnh ấn tượng, nhận định, ý kiến phê bình xác đáng,…

Để học trò không lạc lối trong “mê cung đọc”, tôi thường giới thiệu cho các em những sáng tác cùng đề tài, chủ đề (chẳng hạn, với chủ đề “cái đói - miếng ăn” trong truyện Nam Cao, các em nên tìm đọc “Lão Hạc”, “Một bữa no”, “Trẻ con không được ăn thịt chó”, “Một chuyện xú-vơ-nia”,...); những sáng tác văn chương tiêu biểu, giàu giá trị nhân văn của Việt Nam và thế giới; giới thiệu những nhà xuất bản, website uy tín, Facebook của các nhà văn tên tuổi (Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Ngọc Tư,…) để các em tự tìm hiểu.

* Khuyến khích đặt câu hỏi: Đọc sâu, đọc rộng là tốt, nhưng khi đọc, cần biết tương tác với văn bản. Một trong những cách đó là đặt câu hỏi. Khi hướng dẫn đọc, tôi thường áp dụng chiến thuật “Ba câu hỏi” để giao nhiệm vụ cho học trò. Theo đó, với mỗi văn bản đọc, các em phải tự đặt ra cho mình ít nhất ba câu hỏi theo nguyên tắc: Hỏi điều chưa hiểu, hỏi phản biện, hỏi thách thức giáo viên. Sau đó, các em sẽ trao đổi với nhau trước để tự tìm câu trả lời. Nếu quá trình thảo luận không đưa đến câu trả lời, câu hỏi đó sẽ được chuyển đến tôi - giáo viên giảng dạy.

* Tìm hiểu các lĩnh vực lân cận: Văn học luôn có mối liên hệ mật thiết với các loại hình nghệ thuật như hội hoạ, âm nhạc, điêu khắc,... hoặc với các lĩnh vực lịch sử, địa lí, thậm chí cả ẩm thực, thể thao,… Để có phông văn hoá tốt, phục vụ cho việc học tập Ngữ văn, học trò cần tự trau dồi vốn hiểu biết của mình. Qua thực tiễn, tôi nhận thấy các em có phông văn hoá tốt thường sẽ có vốn ngôn ngữ phong phú, linh hoạt - và đó là một trong những lợi thế của học trò giỏi văn.

* Thiết kế các hoạt động, chuyển giao nhiệm vụ học tập trước, trong và sau giờ học: Để các em được học thực sự thay vì cô giảng trò ghi, tôi thường giao nhiệm vụ học tập cho học sinh như thiết kế video giới thiệu tác phẩm văn học, profile tác giả - bài học,... Một số học trò của tôi rất thạo làm video, thiết kế đồ hoạ, tự tin thuyết trình,... thông qua các phần mềm tạo lập, chỉnh sửa video như Filmora, iMovie, Capcut,..., phần mềm đồ hoạ như Canva, Adobe inDesign,... Sự hứng thú, công phu được thể hiện đậm nét trong sản phẩm mà các em thực hiện.

* Tăng cường luyện viết: Học sinh muốn học giỏi văn, nhất định phải chăm chỉ luyện viết để rèn tư duy và ngôn ngữ. Viết gồm nhiều kĩ năng: Phân tích đề, lập dàn ý, xây dựng lập luận, diễn đạt, viết đoạn, viết bài, đọc lại - chỉnh sửa. Để viết tốt, các em không nên làm tắt. Ban đầu, các em nên tập viết đúng (mạch lạc, logic) rồi tiến tới luyện viết hay (linh hoạt trong diễn đạt, đa dạng trong cách biểu đạt cảm xúc, suy nghĩ).

* Rèn luyện tư duy sáng tạo: Khi dạy học, tôi luôn khuyến khích học sinh đưa ra những cách hiểu, suy nghĩ khác, hướng giải quyết khác, hợp lí cho một vấn đề. Những bài viết thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận cho thấy năng lực thực sự của một học sinh giỏi văn.

Bìa tập san “Tìm về thơ mới” được học sinh 11I thiết kế trên phần mềm Adobe inDesign.
Bìa tập san “Tìm về thơ mới” được học sinh 11I thiết kế trên phần mềm Adobe inDesign.

Một vài kinh nghiệm phát hiện, bồi dưỡng học sinh có tố chất học Ngữ văn

Trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn, tôi không có bí quyết riêng của mình. Dưới đây chỉ là một vài kinh nghiệm nhỏ tôi thu nhận được.

* Mức độ tương tác của học sinh với các nhiệm vụ học tập: Một học sinh có tố chất học Ngữ văn sẽ luôn tự tìm cho mình niềm vui, sự hứng thú trong các giờ học, nhiệm vụ học tập. Các em thường mạnh dạn xung phong bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình.

* Chất lượng thực hiện các nhiệm vụ học tập: Học sinh có tố chất học Ngữ văn luôn chủ động tìm tòi để các câu trả lời, sản phẩm học tập của mình tốt nhất, đạt chất lượng cao nhất.

* Năng lực ngôn ngữ: Những học sinh học văn tốt chắc chắn sẽ có tiềm năng ngôn ngữ. Các em thường diễn đạt lưu loát, linh hoạt khi trình bày câu trả lời của mình hoặc khi viết bài; lời nói hay bài viết của các em luôn bộc lộ cách tư duy mạch lạc, logic; cách diễn đạt cũng sẽ không bó hẹp trong một kiểu câu, nhóm từ ngữ; biết kết hợp vận dụng các phương thức biểu đạt trong ngôn ngữ để bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của bản thân.

* Phông nền văn hoá, văn học: Học sinh giỏi văn không bao giờ bằng lòng với những gì có trong sách giáo khoa. Các em sẽ chủ động đọc rộng, đọc sâu, kết nối nhiều tri thức của ngành nghề, lĩnh vực khác trong cuộc sống.

* Mức độ sâu sắc trong lập luận: Lời nói hoặc bài viết của các em trước vấn đề học tập của môn Ngữ văn thường được lí giải thấu đáo, minh chứng thuyết phục, bàn bạc cặn kẽ, liên hệ so sánh đúng đề tài, chủ đề, bác bỏ xác đáng,…

Là kinh nghiệm nên nó có thể mỏng hay dày, tuỳ thuộc vào thâm niên giảng dạy của người dạy. Song, tôi tin, trên tất cả, lòng yêu nghề và tinh thần chủ động sáng tạo sẽ là chìa khoá quan trọng để mỗi giáo viên Ngữ văn tìm được niềm vui và thành công trong công việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ