Văn học soi đường hướng nghiệp

GD&TĐ - Học văn để làm gì? Theo đuổi văn chương có tìm được việc làm hay không? Rất nhiều câu hỏi đã được giải đáp thỏa đáng trong dự án dài ngày “Văn học và nghề nghiệp” do Trường THPT Lê Thánh Tôn, Q.7, TPHCM tổ chức cho học sinh của mình.

Buổi báo cáo dự án
Buổi báo cáo dự án

Trải nghiệm ngành nghề

Năm mảng nghề liên quan đến bộ môn Văn đã được trình làng tại buổi báo cáo dự án trở thành ngày hội lớn về hướng nghiệp cho những HS bén duyên với bộ môn Ngữ văn ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Đứng ở góc độ người đưa ra kế hoạch cho dự án, cô Phạm Thị Nga - Trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Lê Thánh Tôn, chia sẻ: “Có rất nhiều lựa chọn khi các em lấy văn chương làm con đường khởi nghiệp cho tương lai của mình, như các ngành: Du lịch, GV (dạy Văn), Báo chí, điện ảnh và tổ chức sự kiện. Đó là các ngành nghề đã được cô và trò chúng tôi quyết định đưa vào dự án để các lớp triển khai”. Dự án cho thấy, bộ môn Ngữ văn đã và vẫn là nền tảng để định hướng một số nghề nghiệp tương lai, giúp các em có hoạch định sẵn sau khi bước ra khỏi ngưỡng cửa trường phổ thông.

Để có một hành trình trải nghiệm về nghề du lịch, nhóm của Nhã Phương và Thanh Nhã (lớp 11A1) đã chọn tour khám phá vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của bãi biển Long Hải. Những cuốn sổ ghi chép, những tấm hình chụp, những video clip quay được là những tư liệu quý mà các em tự “thu nhặt” trong hành trình.

Nhóm trải nghiệm nghề dạy học lại có những cảm xúc khác khi làm quen với việc soạn giáo án và nhất là lần đầu tiên bước lên bục giảng. Nhờ tham gia như thật vào các tiết học mà nhóm “kỹ sư tâm hồn” mới hiểu được phần nào những nhọc nhằn nhưng đáng trân quý của nghề dạy học. Và từ nay các em cũng tỏ ra biết kính trọng thầy cô của mình hơn bao giờ hết.

 

Nhiều HS cứ nghĩ nghề làm báo nhiều hào quang, nhưng khi tập sự làm nhà báo trong dự án các em mới hiểu được hết bao khó khăn, vất vả của nghề “cày chữ”, thấy rõ thêm quy trình hoàn thiện một sản phẩm báo chí là gian nan như thế nào. Và kết quả thật tương xứng, tờ báo Nguồn sáng là sản phẩm thu hoạch của nhóm, “nghiệp dư mà đậm chất chuyên nghiệp”.

Ấn phẩm Nguồn sáng

Điện ảnh là nhóm có nhiều học sinh đam mê nên những bộ phim hoàn thành từ nhiều bối cảnh phim trường được các em góp công khá hoàn chỉnh qua các khâu thực hiện. Các bộ phim Vợ chồng A Phủ, Chí Phèo hồi kết, Hồn Trương Ba - da hàng thịt, Huấn Cao được “công chiếu” trong sân trường, trước hàng nghìn bạn học là minh chứng đáng hãnh diện.

Có thể nói đây là mảng nghề được các nhóm thử sức mình sôi động nhất. Ngay từ khâu lên ý tưởng kịch bản, chọn diễn viên vào vai và sau đó là dựng phim, tất cả như một ê - kíp làm phim với bao trăn trở và gửi gắm. Các tác phẩm văn học đã bước vào đời bằng dáng dấp riêng theo cách cảm nhận (đạo diễn) và cả cách diễn xuất của các em. Con đường sáng tạo gian truân là cách để các em hiểu và yêu hơn những tác phẩm văn học mà mình đã “kết bạn” trong chương trình học. Những Chí Phèo, Thị Nở, Mỵ, A Phủ, Trương Ba... đã hiện thân trong chính các diễn viên “áo trắng sân trường”.

Những thu hoạch từ dự án

Ngoài những báo cáo bằng video clip, dự án cũng gây ấn tượng bằng những tiết mục văn nghệ đặc sắc, như điệu múa xòe vùng Tây Bắc, ca khúc Sóng do các em phổ nhạc từ thơ Xuân Quỳnh - địa danh và tác phẩm quen thuộc mà các em đã học trong chương trình. Công phu hơn là quán cà phê Khởi Nghiệp được dựng ngay trước cổng ra vào đón khách. Ai bước chân vào cũng trầm trồ và ngỡ ngàng vì quán đậm đặc không gian vùng núi rừng Tây Bắc qua cảnh ruộng bậc thang, đụm rơm vàng, trang phục người phục vụ.

Quán nước giải khát tuy không đặt nặng về lợi nhuận nhưng cũng là cách để cho “máu” kinh doanh được khơi nguồn. Điểm nhấn của dự án dừng lại ở từng trang viết cảm động về tình mẫu tử do chính các em viết về người mẹ của mình. Việc làm của dự án càng có ý nghĩa hơn khi toàn bộ số tiền thu được từ việc phát hành ấn phẩm Nguồn sáng được dành đầu tư cho công trình xây dựng tủ sách chung của nhà trường.

Tham gia buổi báo cáo có đến 22 giáo viên đại diện của 22 trường trong cụm chuyên môn “tò mò” tìm đến, chia sẻ kinh nghiệm và thành quả một công trình kéo dài 5 tháng của thầy trò Trường THPT Lê Thánh Tôn.

Tổng kết buổi báo cáo, thầy Phan Hường - Hiệu trưởng nhà trường đánh giá: “Dự án “Văn học và nghề nghiệp” kéo dài trong thời gian các em vừa lo học bài vừa chạy đua hoàn thành công việc nên đánh đổi không ít mồ hôi và công sức. Dự án mở ra một cơ hội lớn giúp học sinh có thêm trải nghiệm và đưa ra những định hướng thiết thực về con đường lập nghiệp trong tương lai, để những ước mơ và hoài bão của các em được chắp cánh ngay trên ghế nhà trường”.

Quán Cà phê Khởi Nghiệp mang phong vị Tây Bắc (Tây Bắc là đề tài Ngữ văn quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh)

Quán Cà phê Khởi Nghiệp mang phong vị Tây Bắc (Tây Bắc là đề tài Ngữ văn quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ