Giới hạn của sự sáng tạo, đổi mới trong dạy học Ngữ văn

GD&TĐ - Gần đây dư luận có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc một giáo viên dạy văn tổ chức cho học sinh diễn kịch với “cảnh nóng”, rồi bị kỷ luật. Nhiều người cho rằng ra “án” vậy nặng, làm thui chột tinh thần đổi mới sáng tạo trong dạy học của giáo viên. Nhưng số khác lại không đồng tình với lí do “sáng tạo” trong học đường cũng cần có giới hạn!

Cập nhật những bài báo hay vào tiết dạy Ngữ văn ở Trường THPT Nguyễn Khuyến, quận Tân Bình, TPHCM
Cập nhật những bài báo hay vào tiết dạy Ngữ văn ở Trường THPT Nguyễn Khuyến, quận Tân Bình, TPHCM

Sáng tạo, đổi mới trong dạy học Ngữ văn không chỉ là đòi hỏi khách quan tất yếu, mà còn là nhu cầu tự thân để môn học này bắt kịp với thời đại và giữ vững vị thế của mình trong đời sống xã hội. Để học sinh không quay lưng với những tiết học nhàm chán thầy đọc, trò chép như hàng trăm năm trước, dạy học Ngữ văn nhất thiết phải đổi mới, sáng tạo.

Vậy đâu là giới hạn của sự đổi mới, sáng tạo trong dạy học Ngữ văn?

Giới hạn đầu tiên là mục đích của việc dạy học môn học này. “Văn học là nhân học” (Gorki). Mục đích chính của dạy học Văn là thanh lọc tâm hồn và bồi đắp những điều nhân văn, tốt đẹp, để mỗi bài học là một nấc thang mà khi bước lên học sinh dần trở nên NGƯỜI hơn. Có rất nhiều khác biệt và rất đa dạng trong thực tiễn, song CHÂN - THIỆN - MĨ luôn là mẫu số chung của dạy học Ngữ văn ở mọi nơi, mọi thời. Nên dù đổi mới đến đâu, dưới hình thức nào, điều cốt lõi mà môn học này hướng đến vẫn là những giá trị CHÂN - THIỆN - MĨ.

Giới hạn thứ hai là thời lượng bài học phải theo phân phối chương trình mang tính pháp quy do Bộ Giáo dục ban hành và nội dung bài học trong sách giáo khoa. Đến nay thực tế giáo dục ở Việt Nam vẫn nặng về thi cử, vì vậy để học sinh vượt qua những kì thi, giáo viên phải bám sát những yêu cầu kiến thức và kĩ năng cần đạt trong mỗi bài học. Đã có những giáo viên mắc “tai nạn nghề nghiệp” vì vô tình hay hữu ý cắt xén chương trình, dồn ghép nội dung bài học...

Nếu CHÂN - THIỆN - MĨ cho giáo viên một khoảng đất rộng để sáng tạo, thì phân phối chương trình và sách giáo khoa có thể coi như vòng kim cô. Nếu hướng thiện là giá trị lâu dài, thì điểm cao trong các kì thi là lợi ích trước mắt. Để sự đổi mới, sáng tạo cân bằng, dung hòa được những giới hạn trên, đòi hỏi giáo viên phải hội đủ Tâm, Tài và cả một chút mạo hiểm vì lằn ranh giữa sáng tạo và phản cảm đôi khi rất mong manh. Nên phần lớn giáo viên sẽ chọn cách dạy bài bản, truyền thống, đơn điệu và an toàn.

Những hình thức dạy học có sáng tạo, đổi mới mà vẫn nằm trong vùng an toàn thường được giáo viên Ngữ văn áp dụng là gì? Phát phiếu học tập, tổ chức trò chơi nhỏ, thảo luận nhóm, giao học sinh làm bài thuyết trình, minh họa bài học bằng tác phẩm điện ảnh hoặc âm nhạc, hội họa… và sân khấu hóa tác phẩm văn học. Trong đó, hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học đặc biệt được học sinh yêu thích, mặc dù các em phải bỏ nhiều công sức để biên kịch, tập diễn xuất, chuẩn bị đạo cụ, trang phục…

Đó là cơ hội để học sinh được trải nghiệm cảnh ngộ, tâm trạng… của nhân vật để hiểu tác phẩm sâu sắc hơn; được bộc lộ sức sáng tạo, năng khiếu, đam mê. Đó cũng là dịp để các em được làm việc nhóm, học cách kết hợp, hỗ trợ nhau một cách hiệu quả. Nhưng giáo viên không nên lạm dụng, chỉ chọn sân khấu hóa một số tác phẩm hoặc phân cảnh phù hợp. Trong quá trình chuẩn bị, giáo viên và học sinh cần có sự trao đổi để thống nhất về mục đích, ý nghĩa và cách thức của sân khấu hóa tác phẩm để tránh dung tục, phản cảm.

Dù đôi khi có “tai nạn nghề nghiệp” xảy ra ngoài ý muốn, nhưng vẫn luôn có những giáo viên nhiệt huyết, khao khát đem lại sự tươi mới, thú vị cho mỗi giờ dạy học Văn. Để họ không trở thành “những ngôi sao cô đơn”, nên chăng cần có cái nhìn mở hơn cho những đổi mới, sáng tạo trong dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.