Dạy Ngữ văn ở THPT: Giới hạn nào cho sự sáng tạo?

GD&TĐ - Mặc dù GV dạy Văn Phạm Quốc Đạt (Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, TP HCM) đã bị kỷ luật, chuyển sang làm nhân viên thư viện, nhưng dư âm của việc để học trò diễn kịch với những mô tả dung tục tác phẩm văn học (Quan Âm Thị Kính, Số đỏ, Bỉ vỏ) khiến nhiều GV dạy Văn khác và phụ huynh không đồng tình. Vậy đâu là giới hạn cho những “phá cách” trong giờ học Văn? Đâu là sáng tạo và đâu là “phản cảm”?

Mọi hoạt động trong nhà trường đều phải hướng tới tính giáo dục
Mọi hoạt động trong nhà trường đều phải hướng tới tính giáo dục

Không thể mô tả tác phẩm văn học một cách thô tục

Để cuốn hút được học trò vào bài giảng các tác phẩm văn học, giờ dạy hấp dẫn, lôi cuốn hơn, GV dạy Ngữ văn ở bậc THPT phải luôn có những đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, sau vụ việc thầy dạy Ngữ văn cho HS xây dựng ngoại cảnh, sân khấu, diễn tác phẩm văn học gây nhiều ý kiến trái chiều, một lần nữa lại có những câu hỏi về giới hạn nào cho sáng tạo trong giảng dạy Ngữ văn? Sáng tạo như thế nào để không ảnh hưởng đến ý nghĩa thật sự của tác phẩm? Hơn hết, làm thế nào để “sáng tạo” không ảnh hưởng đến tâm sinh lý lứa tuổi học trò?

Chia sẻ về vụ việc “kịch hóa” phản cảm tác phẩm văn học trong trường hợp của GV Phạm Quốc Đạt, cô Thanh Mai, GV dạy Văn ở Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) cho rằng: “Cách làm của GV như vừa qua là không đúng với tinh thần dạy văn học trong nhà trường. Thực ra đoạn trích tác phẩm trong sách giáo khoa không hề liên quan đến cảnh diễn của HS ở lớp thầy giáo đó (không có mô tả quan hệ này kia…). Cách làm như vậy đã “thô tục hóa” văn chương; tái hiện tác phẩm văn chương một cách máy móc, không đúng. Dạy cho HS văn chương là dạy cách cảm thụ tác phẩm, giúp HS có cảm xúc với cái hay cái đẹp, giá trị tác phẩm, chứ không phải dạy HS mô phỏng lại tác phẩm một cách hình thức, lệch hướng”.

Nhà giáo Kim Thanh (GV Ngữ văn, Trường THPT Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Mục đích GV đưa trải nghiệm của bản thân và những hiểu biết về văn hóa, xã hội vào giảng dạy tác phẩm văn học là phải hướng tới mục tiêu GD, rèn luyện kỹ năng nào đó cho HS”.

Cũng là hình tượng hóa giúp HS hiểu hơn về tác phẩm văn học, nhưng “Lứa tuổi HS THPT bắt đầu có những cảm nhận yêu đương. Do đó, GV đưa các trải nghiệm, hiểu biết vào tiết dạy phải giúp HS có những định hướng đẹp” - cô Kim Thanh miêu tả cách đề cập đến tác phẩm văn học vừa khơi gợi, vừa đủ tiết chế - “Chẳng hạn, khi miêu tả nhân vật Mỵ trong “Vợ chồng A Phủ” rất tài hoa, Mỵ thường thổi sáo, nhưng không có sáo thì Mỵ thổi lá cũng hay như thổi sáo. Tôi phải miêu tả Mỵ uốn chiếc lá trên môi để thổi như thế nào. Cái lá rừng thật đơn giản mà với sự tài hoa của con người đã tạo nên những bản nhạc núi rừng vô cùng ấn tượng”.

Cũng theo nhà giáo Thanh Mai: “Đặc trưng của văn chương là dùng ngôn ngữ để tái hiện lại cảnh tượng, cảm xúc, chứ không thể “sân khấu hóa” để “minh họa” như sự việc đáng tiếc vừa qua. Bản chất của tác phẩm văn chương là dùng ngôn ngữ để tái tạo hình ảnh, khuyến khích sự liên tưởng, tưởng tượng của người đọc, tác phẩm văn chương đưa vào giảng dạy ở nhà trường cũng vậy, đều khuyến khích trí tưởng tượng của HS qua nội dung và ngôn ngữ văn chương”.

Giúp học sinh trau dồi vốn sống

Đổi mới, sáng tạo cần thiết, để HS đỡ nhàm chán và có hứng thú với môn học hơn
Đổi mới, sáng tạo cần thiết, để HS đỡ nhàm chán và có hứng thú với môn học hơn 

“Nhiệm vụ của GV dạy Văn là phải dùng ngôn ngữ văn chương, dùng lời nói truyền cảm để khơi gợi trí tưởng tượng, cảm xúc của HS, để HS suy nghĩ về cuộc sống và thân phận con người; chứ không phải diễn kịch, “sân khấu hóa” thô thiển minh họa tác phẩm văn học một cách trần trụi. “Sân khấu hóa”, “kịch hóa” là một loại hình nghệ thuật khác với giảng dạy tác phẩm văn học trong nhà trường. Nếu không sáng tạo đúng cách, việc dạy và học tác phẩm văn học trong nhà trường có thể bị làm quá đi, khác đi so với mục đích thật sự trong GD”, cô Thanh Mai chia sẻ . Tiếp cận tác phẩm văn học sai hướng rất nguy hiểm, nhất là trong dạy và học ở nhà trường.

HS ở bậc THPT đang trong lứa tuổi chuyển từ thiếu niên sang thanh niên, việc giảng dạy Văn học làm sao cho phù hợp và cuốn hút HS, cũng là điều trăn trở của nhiều thầy cô. GV dạy Văn thường có ảnh hưởng lớn đến tâm hồn và sự hoàn thiện nhân cách của HS, thông qua giảng dạy tác phẩm văn học, cảm thụ văn học. Cần chú trọng những gì để giờ dạy và học Ngữ văn sinh động, khơi gợi sự phát triển tâm hồn đẹp cho HS mà không nhàm chán, giáo điều?

Câu hỏi đó cũng chính là trăn trở của những người biên soạn sách giáo khoa, cũng như rất nhiều thế hệ thầy cô. Cô giáo dạy Văn của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) cho rằng, để làm được điều đó: “Khó khăn nhất là thực tế của xã hội hiện nay có khoảng cách lớn so với nhiều tác phẩm văn chương dạy trong nhà trường, ở góc độ này hay góc độ khác. Những điều HS được học qua tác phẩm văn học trên lớp nhiều khi khác rất xa so với những gì HS nhìn thấy trong đời sống. Sự vênh nhau giữa thực tế đạo đức xã hội và đạo đức, đạo lý trong tác phẩm văn chương dạy ở nhà trường khiến GV gặp khó khăn trong việc cuốn hút HS yêu thích tác phẩm văn học”.

Chị Trần Thị Vân (phụ huynh của HS ở Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội) chia sẻ: “Đổi mới, sáng tạo về phương pháp dạy học là cần thiết, để HS đỡ nhàm chán và có hứng thú với môn học hơn. Nhưng trước khi có những đổi mới cụ thể trong giờ dạy, GV nên đưa ra tham khảo với tổ bộ môn, nhằm loại trừ được những vấn đề nhạy cảm trong giờ học, bởi HS ở lứa tuổi này đang tò mò về rất nhiều khía cạnh tâm sinh lý. Mọi sự đổi mới dù nhỏ nhất trong giờ học GV cũng cần cân nhắc một cách thận trọng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.