Trước nhiệm vụ quan trọng này đòi hỏi người GVMN cần có năng lực, nắm được bản chất và đặc trưng của văn học; các nguyên tắc lựa chọn tác phẩm.
Sự cần thiết của văn học với trẻ em
Văn học là một môn học rất cần thiết và không thể thiếu được trong cuộc sống con người, đặc biệt đối với trẻ MN. Văn học đem lại cho trẻ những hiểu biết đầu tiên về bản thân, về cuộc sống xung quanh, văn học không những nuôi dưỡng trẻ mà con phát triển ở trẻ trí tưởng tượng óc sáng tạo nghệ thuật.
Với tư cách là một lĩnh vực văn hoá, văn học có mặt trong chương trình chăm sóc giáo dục trẻ em. Tổ chức hướng dẫn trẻ làm quen với tác phẩm văn học là một nhiệm vụ quan trọng ở trường MN. Đó là sự dẫn dắt mở cửa cho con người ngay từ những bước chập chững đầu tiên đi vào thế giới của giá trị phong phú chứa đựng trong tác phẩm nghệ thuật ngôn từ.
Cũng từ đó giúp cho trẻ phát triển về mặt ngôn ngữ, sự nhạy cảm thẩm mỹ, năng lực cảm thụ văn học… Bởi vậy, việc đưa văn học đến với trẻ MN là một việc làm rất quan trọng và cần thiết.
Tuy nhiên, đưa văn học đến với trẻ ta phải nghiên cứu lựa chọn những tác phẩm hay phù hợp với tâm sinh lý của trẻ. Làm sao giáo viên biết sử dụng phương pháp, biện pháp khoa học, biết tìm tòi khám phá sáng tạo những phương pháp biện pháp đưa thế giới ông bụt, bà tiên đi vào lòng trẻ một cách nhẹ nhàng sinh động.
Các hoạt động giúp trẻ làm quen với văn học, tạo tiền đề tốt để trẻ phát triển ngôn ngữ, giúp trẻ diễn đạt lưu loát ý của mình, thường xuyên giáo dục trẻ biết yêu thương mọi người xung quanh. Biết yêu cảnh đẹp, yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước... qua đó còn giúp trẻ tự hào hơn, yêu quý hơn và hiểu biết nhiều hơn về kho tàng văn học Việt Nam.
Cô giáo Ngô Thị Duyên – Giáo viên mầm non trường Mai Lâm – Đông Anh – Hà Nội cho biết: Qua các tác phẩm văn học các cô giáo đã giúp trẻ trong độ tuổi 5-6 tuổi biết thể hiện những hiện thực cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật. Sự biểu cảm của ngôn ngữ, những hình tượng con người. Con vật, bức tranh thiên nhiên được vẽ nên bằng ngôn ngữ đã tác động mạnh mẽ đến trẻ em.
Đồng thời, các tác phẩm văn học giúp trẻ hiểu được nội dung tác phẩm, các nhân vật trong tác phẩm trở nên gần gũi dễ hiểu hơn. Sự cảm thông với nhân vật, sự lo lắng cho số phận của nhân vật của trẻ đã mang đặc điểm cá tính hơn. Sự hồi hộp, lo lắng này của trẻ em đã nếm trải ngay cả trong sự kiện đời sống hàng ngày.
Còn với trẻ ở lứa tuổi từ 2, 3, 4 tuổi rất thích những tác phẩm vui nhộn, không thích những tác phẩm văn học có nội dung buồn và gây sự sợ hãi. Tuy nhiên phản ứng của trẻ trước những cảnh hoặc chi tiết chứa đựng sự căng thẳng phụ thuộc vào cả cách thể hiện của người lớn khi đọc, kể tác phẩm lẫn đặc điểm tâm lý cá nhân cũng như sự từng trải của trẻ.
Cần lựa chọn các tác phẩm văn học gần gũi với trẻ em
Theo TS Nguyễn Văn Hùng – Nguyên trưởng khoa Giáo dục Mầm non Trường Đại học Thủ đô cho biết: Chương trình GDMN hiện nay theo hướng mở, cho phép người GVMN lựa chọn các tác phẩm văn học vào dạy học, làm sao tác phẩm văn học đó phù hợp và có thể làm phong phú chương trình giáo dục, phát huy tính sáng tạo, tiềm năng để làm tốt công tác giáo dục trẻ.
Với mục đích, nhiệm vụ giáo dục đưa những tác phẩm văn học (TPVH) hay, có sự thống nhất hài hoà giữa nội dung và hình thức nghệ thuật đến với trẻ. Khơi gợi những rung động và hành vi cao cả của trẻ em… Tác phẩm phải đảm bảo tính vừa sức, và GV cần lựa chọn các tác phẩm thuộc nhiều thể loại, với những đề tài phong phú.
Là những TPVH đích thực, có sự thống nhất hài hoà giữa nội dung và hình thức nghệ thuật, phù hợp với chủ điểm mục đích chứ không phải xuất phát từ mục đích chủ điểm mà đi tìm những bài văn có nội dung tương ứng không có giá trị văn học. Phải chứa đựng sự thống nhất nội tại giữa thế giới người lớn và thế giới trẻ em.
TPVH cho trẻ em phải đáp ứng được nhu cầu nhận thức khám phá cuộc sống theo tinh thần nhân văn nhân đạo, chứa đựng tình yêu đối với con người, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người. Bênh vực những mảnh đời yếu đuối, đơn độc, thể hiện niềm tin của nhà văn về những điều tốt lành, cao cả trong cuộc sống, giàu trí tưởng tượng, sáng tạo độc đáo.
TPVH để thực hiện mục tiêu giáo dục, đào tạo, phải phản ánh đúng đắn, chân thực những hiện tượng điển hình tiêu biểu, khơi gợi những rung động và hành vi cao cả giúp trẻ em nhận thức sâu sắc hơn cuộc sống, qua đó trở thành “người bạn đường” tin cậy của trẻ.
Văn học trẻ em là một bộ phận của lí luận và thực tiễn của nền nghệ thuật dân tộc và khoa sư phạm trong mối liên hệ biện chứng, vì vậy tính giáo dục cần hoà quyện với văn học Tuy vậy, không nên xa rời hoặc coi nhẹ đặc trưng thẩm mỹ của văn học thiếu nhi. Nghệ thuật cho trẻ phải phản ánh những phẩm chất lí luận cao cả, những nội dung đạo đức của tác phẩm nghệ thuật.
Tác phẩm văn học phải đảm bảo tính vừa sức. Nghĩa là phù hợp với tâm lí lứa tuổi, tâm lí sư phạm. Trong quá trình sáng tạo, các nhà văn viết cho trẻ em đã mô tả, trình bày những sự kiện và kinh nghiệm của trẻ phù với với sự diễn đạt theo cách nghĩ, hành động và thái độ tâm lí của các em.
Nói cách khác vừa học cho trẻ em gần như những bài thơ trữ tình, trong đó đặc điểm chủ thể văn học càng được nhấn mạnh nhờ phương tiên xây dựng “nhân vật tự thuật”, hoặc “nhân vật kể”, thống nhất với “cái tôi” trữ tình.
Trong nền văn học dân gian, truyện cổ tích được mệnh danh là “truyện kể trong nhà và cho trẻ nhỏ”, được trẻ rất yêu thích. Đây chính là thể hiện đặc tính cơ bản của mối quan hệ giữa văn học dân gian với giáo dục trẻ em.
Văn học thiếu nhi hiện đại, có rất nhiều tác phẩm do chính các em sáng tác (tiêu biểu như Trần Đăng Khoa, Hoàng Hiếu Nhân, Cẩn Thơ…). Vì vầy nên đưa những tác phẩm văn học của các tác giả này vào trường MN vì sự gần gũi với cách nhìn, cách nghĩ, trí tưởng tượng của các em.
Cần lựa chọn các tác phẩm thuộc nhiều thể loại, với những đề tài phong phú để trẻ nhận ra sự độc đáo của từng phong cách cũng như vẻ đẹp riêng như: Thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, đồng thoại, đồng dao, cao dao, kịch, thơ…để trẻ học được các phong cách ngôn ngữ và cảm thụ thẩm mỹ phong phú.