Vẹn nguyên ký ức “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…”

GD&TĐ - Đã 65 năm trôi qua song người “lính già” Nguyễn Hữu Chấp, thuộc Đại đoàn 312 trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 vẫn vẹn nguyên ký ức về những ngày tháng cùng đồng đội “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…”. Mỗi đợt tháng 5 về, lòng ông lại nao nao nhớ về đồng đội, nhớ chiến trường xưa!

17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, bộ đội Việt Nam vẫy lá cờ chiến thắng trên nóc hầm của chỉ huy lực lượng Pháp,Tướng De Castries. Ảnh: Getty.
17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, bộ đội Việt Nam vẫy lá cờ chiến thắng trên nóc hầm của chỉ huy lực lượng Pháp,Tướng De Castries. Ảnh: Getty.

Sôi sục tinh thần chiến đấu

Thời gian thấm thoắt trôi qua, “anh” lính trẻ Nguyễn Hữu Chấp thấp bé, nhẹ cân gia nhập quân đội khi tuổi tròn 18, nay đã ngót nghét tuổi 90. Ông là một trong số những nhân chứng hiếm hoi trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm nào còn đang sinh sống tại Điện Biên.

Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe đã “vơi” đi nhiều, song ông vẫn còn minh mẫn. Ông nhớ như in những chuyện của 65 năm về trước như mới hôm qua.

“Tôi sinh ra tại xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ngày xưa gia đình tôi nghèo lắm, toàn đi ở đợ cho nhà người ta. Tháng 4/1949, khi đủ 18 tuổi tôi gia nhập bộ đội, nhưng còn quá nhỏ nên chỉ được đi tăng gia, sản xuất. Lúc đó bản thân khát khao muốn ra chiến trường để chiến đấu nhưng có được đâu.

Đến khi Đại đoàn 312 về tuyển quân, đầu năm 1951 tôi mới được vào đơn vị chủ lực, sau thời gian huấn luyện, tôi được cầm súng tham gia chiến dịch Tây Bắc năm 1952”, ông Chấp nhớ lại.

Ngay trong trận Bản Vậy, ông Chấp đã bị trọng thương, hỏng mất một mắt nên đơn vị buộc phải chuyển ông sang Đại đội cối trợ chiến.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Chấp được phân công đảm nhiệm vai trò chi ủy viên, Khẩu đội trưởng cối 82, Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại Đoàn 312 (nay là Đại đội 12, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1).

“Sau khi giúp các đơn vị pháo binh kéo pháo vào trận địa, toàn Đại đoàn về trú quân ở dãy Tà Lèng, chờ ngày xuất quân. Gần 2 tháng chuẩn bị, các đơn vị đều mong mỏi được đánh trận mở màn, nhưng chỉ Đại đoàn 312 chúng tôi được Bộ chỉ huy mặt trận chọn tấn công vào cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch. Lúc đó lòng yêu nước trong mỗi người lính trẻ chúng tôi sôi lên sùng sục”, ông Chấp kể tiếp.

Để tiến công cứ điểm này, cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn 312 được quán triệt rõ tinh thần chỉ đạo: “Trận đánh khó khăn phải nêu cao quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi trận đầu, các đảng viên đều viết quyết tâm thư, sẵn sàng xung phong hoàn thành nhiệm vụ ngay trong đêm 13/3, không để trận đánh kéo dài sang những ngày sau”.

“12 giờ đêm 12/3/1954, từ Tà Lèng, chúng tôi hành quân chiếm lĩnh trận địa. Gần sáng đội hình của Đại đoàn đã đến cánh đồng quanh cứ điểm. Cả ngày bao quanh cứ điểm Him Lam, cứ nghe loa của Pháp ra rả: “Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm, các bạn đừng nghe lời tướng Giáp mà đánh vào. Đánh vào không còn đường về với bố mẹ”. Họ nói thế, nhưng chúng tôi đâu có để ý. Tinh thần chiến đấu lên cao, chờ giờ nổ súng, mở màn chiến dịch. Cả ngày trời nắng như đổ lửa song không một ai nao núng”, ông Chấp nhớ lại.

Vẹn nguyên ký ức “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…” ảnh 1
  • Ông Nguyễn Hữu Chấp lan tỏa tinh thần chiến sĩ Điện Biên cho thế hệ cháu con.

Thắng lợi trận đầu

Nhận lệnh từ chỉ huy trận đánh, đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, pháo của Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt đầu cấp tập bắn vào cứ điểm Him Lam.

Ngay từ loạt đầu đã trúng vào cờ chỉ huy của Pháp trong cứ điểm. Trong khi quân địch chưa kịp phản ứng thì các đơn vị xung kích đánh chiếm cửa mở.

Sau hơn 1 giờ chiến đấu, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên cứ điểm 3 vào lúc 22 giờ 30 phút. Cũng tại thời điểm đó, cứ điểm 2 cũng nằm dưới sự khống chế của quân đội ta.

Đến 23 giờ 30 phút, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, diệt 300 tên địch, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Đại đoàn 312 làm chủ được trung tâm đề kháng Him Lam, tạo nên một niềm tin mãnh liệt, có sức lan tỏa nhanh chóng đối với bộ đội ta trên tất cả các mặt trận.

Sau trận Him Lam, bộ đội ta lại tiếp tục đào hào, củng cố công sự, vây chặt trận địa địch. Đêm 30/3, đánh chiếm Đồi D1, sau đó tham gia phòng ngự chốt giữ trên đồi E trong khoảng thời gian 34 ngày đêm.

“Hỏa lực của đơn vị được bố trí phía trước là pháo bắn thẳng của ông Phùng Văn Khầu, phía sau là khẩu đội 82 của tôi và sau cùng là trận địa cối 120 ly. Khẩu đội của tôi được lệnh khống chế cầu Mường Thanh, không cho địch vượt cầu sang chi viện cho phân khu Đông của chúng. Toàn đơn vị đã khẩn trương, tích cực đào đắp công sự, bố trí đội hình bảo vệ Đồi E. Khẩu đội được bố trí trong công sự có nắp, kín đáo, địch không thể phát hiện được kể cả ban ngày khi ta chưa nổ súng”, ông Chấp kể.

Thời gian này, các đơn vị bộ binh, công binh ngày đêm chiến đấu, làm việc quên mình, đào chiến hào và hầm chia cắt bao vây, siết chặt phạm vi đóng quân của địch. Một mặt, kiên quyết đánh lui các cuộc phản kích của chúng.

Cuộc chiến ngày càng ác liệt, đã có thời điểm nghe tin đồng đội có người dao động, thế rồi anh em lại phải động viên nhau, cùng kiên cường bám trụ trận địa cho đến ngày toàn thắng để hưởng trọn niềm vui sau những ngày “nằm gai, nếm mật” góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

65 năm đã trôi qua nhưng ký ức về đồng chí, đồng đội vẫn vẹn nguyên trong ông. Đó là những giây phút vào sinh ra tử, trải qua thử thách của chiến tranh, đối diện với kẻ thù, đối diện với cái chết mà không hề nao núng. Nhiều đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường hoặc đã để lại một phần thân thể nơi mảnh đất này để có một Điện Biên tươi đẹp đang vươn mình trỗi dậy.

“Tinh thần của người chiến sĩ Điện Biên vẫn luôn nhắc nhở tôi phải cố gắng sống sao cho xứng đáng với những người đã khuất, tiếp tục truyền thụ tinh thần Điện Biên cho thế hệ cháu con”, ông Chấp xúc động nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.