Xây dựng văn hóa học đường - hiệu quả thiết thực trong giáo dục

GD&TĐ - Ở nhiều trường vùng khó, ý thức đổi mới giáo dục không chỉ thể hiện trong từng trang giáo án của thầy cô giáo mà còn đi vào từng hành động, việc làm thiết thực.  

Phòng học được trang trí thân thiện và giữ gìn vệ sinh
Phòng học được trang trí thân thiện và giữ gìn vệ sinh

Tạo môi trường thân thiện

Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận thuộc vùng khó của huyện Quản Bạ - Hà Giang. Với hơn 400 HS, 22 lớp học, 100% HS thuộc thành phần dân tộc khác nhau (Nùng, Mông…), điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế nên điểm chính và 5 điểm trường lẻ còn thiếu thốn nhiều về trang thiết bị dạy học, đồ dùng hoạt động bán trú…

Tuy nhiên, khi bước chân vào điểm trường chính có thể dễ dàng nhận ra sự chăm chút, tâm huyết của Ban giám hiệu cũng như của từng thầy cô giáo. Cô Đinh Loa Vân - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Mới nhận công tác tại trường được hơn 2 năm nhưng ngày đầu thăm khuôn viên cô đã nhìn ra hàng loạt công việc mà thầy cô giáo cần chung tay để thay đổi diện mạo cho trường.

Những góc văn hóa, thư viện ngoài trời; vườn hoa cây cảnh, nhà xe… được chính giáo viên (GV) trong trường thiết kế bố trí lại. Kinh phí sửa chữa eo hẹp thì thầy cô cùng nhau xây dựng, trang trí, cải tạo đất trồng hoa...

Một khuôn viên học đường sáng đẹp hiện ra trong nỗ lực của cả tập thể nhà trường. Nhưng điều đáng mừng nhất của thầy cô giáo là học sinh (HS) đã có thư viện ngoài trời sạch đẹp để đọc sách, truyện trong giờ giải lao; Góc văn hóa được khai thác hiệu quả cho những tiết học thực tế ngoài trời; vườn hoa cây cảnh không chỉ tạo cảnh quan đẹp cho trường mà còn được thầy cô dạy thêm các kiến thức về cây hoa, cây cảnh, cây thuốc… Có thể nói, đến nay việc cải tạo môi trường học đường đã giúp chất lượng dạy và học được nâng lên; học sinh yêu trường lớp, tình trạng bỏ học, trốn học cơ bản được loại bỏ. 

Thư viện thân thiện của Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận
  • Thư viện thân thiện của Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận

Xây dựng văn hóa học đường

Xây dựng văn hóa trường học tưởng như là vấn đề đơn giản; tuy nhiên đến nay không phải trường học nào cũng làm được và làm tốt, mang lại hiệu quả thiết thực trong giáo dục. Minh chứng là vẫn còn không ít HS văng tục chửi bậy ở trường; tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra; Học sinh ứng xử, có lời nói không chuẩn mực với thầy cô, bạn bè.

Xác định rõ đây là vấn đề quan trọng, Trường THPT số 1 Lào Cai đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Kết quả thu được từ nhà trường cho thấy một cách làm hiệu quả mà các trường học có thể tham khảo nhân rộng.

Theo BGH nhà trường, trước tiên trường tiến hành đầu tư cơ sở vật chất để tạo môi trường văn hóa về chất. Từ đó tăng cường giáo dục HS biết tự hào, trân trọng, có ý thức bảo vệ cơ sở vật chất của trường để phục vụ cho việc học tập của chính HS.

Bên cạnh đó, những nội dung xây dựng văn hóa học đường được cụ thể hóa trong các nội quy, quy định của nhà trường. Từ đó nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm của GV, HS trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện lối sống lành mạnh, trang phục ngôn ngữ giao tiếp ứng xử văn hóa…

Đặc biệt, ngoài sự gương mẫu của cán bộ, giáo viên nhà trường trong xây dựng văn hóa, trở thành tấm gương để HS noi theo thì GV chủ nhiệm chú trọng phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, giúp PHHS nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa học đường để phối hợp với nhà trường nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục HS... 

Hàng loạt giải pháp xây dựng văn hóa học đường được tiến hành đã và đang góp phần không nhỏ vào nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện tại trường THPT số 1 Lào Cai. Tuy vậy, kinh nghiệm từ trường cho thấy, để làm tốt nhất việc xây dựng văn hóa học đường tại các nhà trường cần tăng cường vai trò lãnh đạo, giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm của hiệu trưởng; Cần thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch chiến lược xây dựng hệ thống giá trị nhà trường; Tạo điều kiện cho GV tích cực tự học, nâng cao trình độ, chuyên môn. Cùng đó hoàn thiện quy tắc ứng xử văn hóa nhà trường, thực hiện tốt hơn công tác tư vấn HS trong rèn kỹ năng sống…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.