Văn hóa giao thông qua biếm họa của tác giả “Sát thủ đầu mưng mủ“

Sau khi nổi tiếng với tập truyện tranh Sát thủ đầu mưng mủ, thay vì vẽ những biếm họa về cuộc sống thường ngày, họa sĩ Thành Phong đang cần mẫn với những tác phẩm về văn hóa giao thông với những góc nhìn khá thú vị được tập hợp từ ý tưởng của cộng đồng mạng xã hội.

Văn hóa giao thông qua biếm họa của tác giả “Sát thủ đầu mưng mủ“

“Thị giác hóa” ngôn ngữ giao thông bằng biếm họa
Có ý kiến cho rằng, việc sử dụng còi là một thao tác cần thiết tránh bị TNGT. Vậy tại sao chiến dịch K0 Còi (Không Còi) lại đưa ra thông điệp ngược lại?
- Tôi nhận thấy, hiện giờ bên cạnh ô nhiễm môi trường, Việt Nam đang phải đối mặt với ô nhiễm tiếng ồn, mà tác nhân không nhỏ gây ra vấn đề đó chính là còi xe và cách người ta sử dụng còi xe khi đi trên đường.

Thông điệp của “K0 Còi” không phải là khuyến khích mọi người không dùng còi, mà là không sử dụng còi bừa bãi, như slogan “Nghĩ trước khi bấm còi” của dự án. 

Đây là một dự án xã hội rất có ý nghĩa, không chỉ tập trung vào còi xe, mà đưa ra nhiều vấn đề còn tồn tại trong văn hóa giao thông của Việt Nam hiện đại. Đó cũng chính là lý do tôi tham gia dự án “K0 Còi” do Ford Việt Nam phát động.

Nhiều người biết đến tên tuổi của anh với tập tranh biếm họa “Sát thủ đầu mưng mủ”. Thậm chí tập tranh này còn khiến nhiều bạn trẻ “phát cuồng” và những câu thành ngữ trên các bức tranh đã trở thành một loại từ “nóng” trong giới trẻ. Vậy tại sao anh không tiếp tục dòng tranh ấy mà lại chuyển sang sáng tác tranh biếm họa về chủ đề an toàn giao thông?

- Trong dự án “K0 Còi”, tôi sử dụng các tranh minh họa để cho người xem thấy rõ hơn thực trạng giao thông và văn hóa khi tham gia giao thông tại Việt Nam. Mỗi bức tranh sẽ minh họa cho một câu nói vần về một vấn đề của giao thông Việt Nam. 

Cách tiếp cận này khá giống với những gì tôi thực hiện trong Sát thủ đầu mưng mủ, nhưng có điều đề tài thu hẹp hơn vào mảng giao thông. Tôi nhận thấy đây là một phương thức khá hiệu quả và dễ nhớ giúp mọi người tiếp cận những vấn đề tưởng như đã cũ và khô khan như giao thông được dễ dàng.

Với thể loại vẽ biếm họa về an toàn giao thông, anh có kỳ vọng làm cho nó trở thành một “cơn sốt” như tập tranh “Sát thủ đầu mưng mủ” được nhiều người biết đến như thời gian qua hay không?

- Ngay đối với Sát thủ đầu mưng mủ, khi thực hiện dự án, tôi tận hưởng cảm giác được sáng tạo và thử thách bản thân khi thị giác hóa ngôn ngữ. Việc cuốn sách trở thành cơn sốt là một bất ngờ thú vị nằm ngoài mong đợi của tôi. 

Với “K0 Còi” cũng vậy, bản thân việc sáng tạo và ý nghĩa xã hội của dự án là những điều làm tôi hứng thú, tôi không quan tâm nó có trở thành cơn sốt hay không.

Thêm ý tưởng về văn hóa và an toàn giao thông
Những bức tranh do anh vẽ một phần xuất phát từ ý tưởng của các độc giả, bạn trẻ gửi về với chủ đề về văn hóa giao thông, an toàn giao thông. Vậy theo anh, đâu là mục tiêu của cách làm này?

- Việc đóng góp ý tưởng của các độc giả là một phần rất quan trọng của những dự án cộng đồng như “K0 Còi”. Ngoài hiệu quả truyền thông khi dự án được nhiều người biết tới, đưa được những thông điệp có ý nghĩa và hiệu quả tới xã hội, khi độc giả có thể đóng góp ý tưởng, họ cũng sẽ chủ động đưa ra giải pháp cá nhân của mình.

Không ít ý tưởng và đóng góp có giá trị tốt, nếu được cộng đồng biết tới và áp dụng có thể góp phần cải thiện xã hội.

Chương trình “K0 Còi 1” được triển khai vào năm 2012 với bộ tranh “lái xe bằng cả trái tim” đã kết thúc. Anh tâm đắc nhất với bức tranh nào trong tập tranh này?

- Qua hơn nửa năm tham gia thực hiện “K0 Còi 1”, tôi đánh giá dự án thực hiện hiệu quả và có tác động tích cực tới cộng đồng. Lựa chọn cách tiếp cận với các bạn trẻ qua mạng xã hội, chương trình đã đưa ra những thông điệp rất trực quan và dễ nhớ về thực trạng giao thông tại Việt Nam. 

Tôi cho rằng, đó là thành công trong cách thực hiện dự án xã hội, cho một vấn đề quen thuộc nhưng dường như chưa được giới trẻ quan tâm đúng mức.

“K0 Còi 2” tập trung vào những hoạt động nâng cao ý thức tham gia giao thông của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, thông qua việc khuyến khích, đưa ra những giải pháp thiết thực của cá nhân cho những tình huống giao thông cụ thể thường gặp khi lưu thông hàng ngày. Theo anh, nếu chỉ tập trung vào giới trẻ với những hình ảnh biếm họa vui, ngôn từ rất teen có khiến những người lớn tuổi không hài lòng?

- Tôi không thấy nhiều sự liên hệ giữa việc tập trung vào giới trẻ với những hình ảnh biếm họa vui, ngôn từ rất teen với việc khiến những người lớn tuổi thấy không hài lòng với những câu từ đó. Hai mệnh đề đó không có gì mâu thuẫn với nhau. 

Tôi biết, có những người phản đối những hình ảnh đó, không chỉ người lớn tuổi mà cả một số bạn trẻ và có những người trong số đó chỉ nghe mà chưa hề xem những tranh tôi vẽ. Đó là quyền của họ, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì tới việc sáng tác của tôi.

Từ trước tới nay, các hình thức tuyên truyền về an toàn giao thông thường rất khô cứng và khó tiếp cận với giới trẻ. Anh có kỳ vọng cách làm này sẽ tạo ra một hiệu ứng tích cực hơn hay không?
- Như tôi đã chia sẻ, những bức tranh minh họa trong “K0 Còi” là một nỗ lực của những người thực hiện nhằm truyền tải những thông điệp thú vị, tích cực, trực quan và dễ nhớ cho mọi người. Việc dự án được tổ chức trên mạng xã hội cũng khiến những thông điệp đó hướng tới giới trẻ và được chia sẻ nhanh và rộng hơn.
Với việc vẽ tranh biếm họa về an toàn giao thông như vậy, anh có dự kiến phát hành, quảng bá một cách rộng rãi, đặc biệt là tới giới trẻ trong thời gian tới?
- Loạt 40 tranh minh họa của “K0 Còi” đã được xuất bản dưới dạng ebook và hoàn toàn miễn phí. Bạn có thể tìm và tải ebook này ở trang facebook “K0 Còi”.
Cảm ơn anh!
Theo giaothongvantai.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ