Văn hóa du lịch ở đâu?

Văn hóa du lịch ở đâu?

(GD&TĐ) - Liên tiếp thời gian gần đây, những vụ việc bắt chẹt du khách quốc tế đến Việt Nam xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rồi những ngày nghỉ lễ vừa qua, cùng là thời điểm nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng khai trương mùa du lịch, lại những màn “chặt chém” từ phương tiện đi lại cho đến ăn uống, dịch vụ. Cũng chẳng phải điều gì mới mẻ. Đều là những câu chuyện “xưa như diễm” trong cung cách làm du lịch ở xứ mình. Chỉ xót xa cho cái thứ “văn hóa du lịch” mà năm nào cũng được hô hào xây dựng.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam xấu đi nhiều trong cái nhìn của du khách quốc tế cũng từ đấy mà ra. Một “cuốc” xích lô đáng hơn trăm ngàn bị hét lên trên triệu bạc; một bữa ăn chỉ vài ba triệu bị đòi đến mười mấy triệu, nghiêm trọng hơn là việc đe dọa cả du khách như vừa xảy ra ngay tại Hà Nội gần đây… Cũng may, những sự việc như vậy, khi được trình báo với cơ quan chức năng hay đưa ra công luận, đều được giải quyết kịp thời, trả lại quyền lợi cho du khách. Nhưng người ngoại quốc sẽ nghĩ gì con người Việt Nam?

Phong cảnh tươi đẹp, văn hóa đặc sắc lúc ấy chẳng còn là gì nữa khi mà chủ thể của nó – con người – còn nhiều mặt hạn chế đến thế. Bởi vậy, cũng không có gì ngạc nhiên khi nhiều du khách khi được hỏi đánh giá về Việt Nam như thế nào, đều trả lời (hết sức… xã giao): Tuyệt, từ cảnh vật, văn hóa cho đến con người. Nhưng có ai thống kê được bao nhiêu du khách quay trở lại Việt Nam lần 2? Ai thống kê được đã có bao nhiêu du khách ngay khi rời đi đã tuyên bố không bao giờ quay trở lại; hay thậm rút ngắn thời gian lưu trú đã dự định, với tuyên bố tương tự “một đi không trở lại”… ? Là người Việt với nhau, chúng ta cũng đã đủ xấu hổ khi giới truyền thông của mình đăng tải những đìều khó chấp nhận về cung cách đối xử với du khách quốc tế của người mình tại xứ mình, nói gì cái nhìn nhận của người ngoài.

Đối với khách dùng ngoại tệ - nghĩa là “người mình” với “người ngoài” là vậy; khách dùng “nội tệ” – nghĩa là  “người trong nhà với nhau”, xem chừng còn tệ hơn rất nhiều. Mấy ngày nghỉ lễ vừa qua là một minh chứng rõ ràng nhất. Giá xe khách tăng thấp nhất 50%; giá dịch vụ, ăn uống thì vô cùng. Nhưng trả giá đắt mà chưa chắc đã được như ý. Xe khách nhồi như nên cối; dịch vụ nghèo nàn, ăn uống chen chúc với thực phẩm không kiểm chứng được chất lượng cũng như nguồn gốc. Ý kiến ư? Xin mời đi chỗ khác. Thậm chí còn có thể bị hành hung. Văn hóa du lịch là như vậy sao? Nụ cười thân thiện là sao? Có lẽ làm dịch vụ ở ta, nụ cười chỉ xuất hiện khi mời chào khách vào sử dụng dịch vụ, thế thôi. Không phải chính quyền buông lỏng quản lý. Rất nhiều điểm du lịch, chính quyền đều niên yết rõ khuyến cáo khách hàng hỏi kỹ giá khi dùng các dịch vụ, kèm theo đường dây nóng của cơ quan chức năng. Cứ cho như vậy được đi. Sử dụng phương tiện, anh làm giá 5 km với số tiền quy định, thêm 1 km phát sinh thôi, có khi phải trả bằng cả số tiền của 5 km kia. Tương tự một bữa ăn, hỏi kỹ giá gần hết các món, giữa bữa ngẫu hứng gọi thêm một món nào đó, khi tính tiền mới ngã ngửa với cái giá của món phát sinh đó. “Văn hóa bắt chẹt” đó, tiếc thay, lại khá phổ biến ở hầu khắp các địa chỉ du lịch từ có tiếng cho đến manh nha phát triển trong cả nước.

Đi thưa với chính quyền? Có lẽ nếu món tiền không quá lớn hay không đến mức bị uy hiếp tính mạng, ít du khách nào chịu mất công đến thế, chỉ đành tặc lưỡi “biết thế lần sau cạch mặt”. Món lợi nhỏ cho một vài cá nhân hám lợi, nhưng cái mất là uy tín của cả một địa phương, cả một vùng du lịch, thậm chí là hình ảnh của cả một quốc gia. Cái hại đó, chê trách những kẻ kinh doanh xấu chỉ là một phần, cái phần lớn hơn, đó là trách nhiệm của chính quyền; không đến nỗi thỏa hiệp, nhưng có lẽ chưa thực sự nghiêm túc, chưa làm hết chức năng của mình mới để xảy ra những cách hành xử thô bạo trong kinh doanh du lịch ở hầu khắp cả nước như hiện nay.

Nhất Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chùm ảnh cá bơi lội bên xe tăng

Chùm ảnh cá bơi lội bên xe tăng

GD&TĐ - Tại bảo tàng quân sự dưới nước đầu tiên của Jordan, xe tăng, máy bay trực thăng và xe bọc thép nằm dưới đáy biển gần thành phố Aqaba.