Sáng 14/5, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất).
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, các nội dung sửa đổi, bổ sung lần này rất cần thiết, kịp thời phản ánh đúng yêu cầu phát triển của đất nước.
Góp ý về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Điều 9, để bảo đảm tính khả thi, đại biểu đề nghị sớm sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.
Trong đó, cần quy định cụ thể cơ chế thẩm quyền giám sát xã hội và xử lý kiến nghị của Nhân dân đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về vai trò của Công đoàn Việt Nam tại Điều 10, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng tán thành việc hiến định rõ Công đoàn Việt Nam là tổ chức trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; là đại diện quốc gia trong quan hệ lao động và công đoàn quốc tế.
Tuy nhiên, để đảm bảo Công đoàn thực sự phát huy vai trò của mình, đại biểu đề nghị sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn năm 2024, quy định rõ quyền tự chủ của tổ chức Công đoàn trong thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động; bảo đảm tính độc lập trong vai trò đại diện quyền lợi người lao động, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền tổ chức và thương lượng tập thể và cam kết trong Hiệp định đối tác toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tán thành cao với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội bày tỏ quan tâm đến Điều 110 về phân loại đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương.

Đại biểu nêu rõ, đây là điều khoản mang tính khung, khái quát rất cao và phù hợp với Hiến pháp và ở cấp dưới luật có thể có những điều khoản để cụ thể hóa hơn, tránh tình trạng trong quá trình phát triển phát sinh nhiều vấn đề mới.
Nếu quy định quá chi tiết thì sẽ phải sửa Hiến pháp nhiều lần.