Tháo gỡ 'điểm nghẽn’ trong lĩnh vực giáo dục đại học

GD&TĐ - Sửa đổi Luật Giáo dục đại học là dịp điều chỉnh căn bản, toàn diện với giáo dục đại học, nhằm tháo gỡ các ‘điểm nghẽn’ trong lĩnh vực này.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì tọa đàm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì tọa đàm.

Đề xuất 6 nhóm chính sách

Sáng 14/5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì Tọa đàm Tham vấn chính sách xây dựng Luật Giáo dục đại học (Sửa đổi). Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng khẳng định, Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng khi Bộ GD&ĐT được Chính phủ giao chủ trì sửa đổi Luật Giáo dục đại học – nhiệm vụ mang tính chiến lược và là cơ hội lớn với toàn ngành Giáo dục.

Những năm qua, lĩnh vực giáo dục đại học đạt được nhiều thành tựu, được thể hiện qua các báo cáo tổng kết và được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Thứ trưởng nhận thấy còn tồn tại không ít bất cập cần được khắc phục.

Do đó, sửa đổi Luật lần này cần thực hiện trong tinh thần đổi mới, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn phát triển và bối cảnh hội nhập quốc tế. Theo đó, cần bám sát các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.

“Lần sửa đổi này là dịp để chúng ta thực hiện điều chỉnh căn bản, toàn diện với Luật Giáo dục đại học, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và các “điểm nghẽn” trong quá trình tổ chức thực hiện thời gian qua”- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

giaoducdaihoc-3.jpg
Toàn cảnh tọa đàm.

Với thời gian hạn chế và khối lượng công việc lớn, Thứ trưởng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học tập trung đóng góp ý kiến sâu sắc vào 6 nhóm chính sách, gồm:

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến;

Thứ hai, hiện đại hóa chương trình và phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy học tập suốt đời;

Thứ ba, định vị cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao;

Thứ tư, tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học;

Thứ năm, phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính;

Thứ sáu, thay đổi cách thức tiếp cận quản trị chất lượng trong hoạt động đảm bảo chất lượng.

giaoducdaihoc-1.jpg
Ông Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) thuyết minh quy phạm hóa chính sách của dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

Phát triển giáo dục đại học với những đột phá trong lộ trình chung

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) trình bày thuyết minh quy phạm hóa chính sách của dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

Trong đó, việc xây dựng luật trên nguyên tắc: Thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục đại học; phù hợp Hiến pháp, kế thừa và khắc phục vướng mắc pháp lý trong thực tế; tăng cường quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình; đổi mới quản trị, nâng cao chất lượng, phục vụ cộng đồng; khuyến khích xã hội hóa, hội nhập quốc tế, chuyển đổi số; tiếp cận xu thế quốc tế, phát triển giáo dục mở, học tập suốt đời.

Tọa đàm cũng ghi nhận những trao đổi, góp ý của các chuyên gia, các cơ sở giáo dục đại học cho 6 nhóm chính sách nêu trên. PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội đề xuất, cần làm rõ các nội hàm, thuật ngữ trong dự thảo Luật;

Đồng thời, thúc đẩy hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước; quy định rõ các tiêu chuẩn trong công tác đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Bên cạnh đó, các văn bản dưới Luật có liên quan cần được xây dựng đồng bộ, để Luật nhanh chóng đi vào thực tiễn.

giaoducdaihoc-4.jpg
PGS.TS Nguyễn Phong Điền góp ý tại tọa đàm.

Tán thành việc xây dựng khung pháp lý nhằm phát triển giáo dục đại học với những đột phá trong lộ trình chung; GS.TSKH Vũ Hoàng Linh - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, cần làm rõ các quy định để tránh cách hiểu khác nhau khi áp dụng.

Ngoài ra, cần nâng cao tính thực chất của Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời kiến nghị về công tác kiểm định và bổ nhiệm trong hệ thống hiện nay.

giaoducdaihoc-5.jpg
GS.TSKH Vũ Hoàng Linh.

Còn theo ông Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế), tinh thần cắt giảm và đơn giản hóa các chính sách trong dự thảo Luật sẽ góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong toàn bộ hệ thống và quá trình vận hành giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, Luật Giáo dục đại học sửa đổi cần được xây dựng theo hướng hài hòa với các lĩnh vực khác được quy định trong các luật chuyên ngành liên quan. Ban soạn thảo cần có sự kết nối chặt chẽ và có cái nhìn toàn diện đối với tất cả các phạm vi và cấu trúc hệ thống của Luật Giáo dục đại học. Qua đó, nhằm điều chỉnh, thay đổi những nội dung còn bất cập, đồng thời kế thừa, duy trì những yếu tố đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

img-0551.jpg
Chuyên gia, nhà khoa học phát biểu thảo luận tại tọa đàm.

Kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo trong thời gian tới. Thứ trưởng cũng đề nghị các đại biểu tiếp tục thảo luận trong nội bộ đơn vị để nhìn nhận sâu hơn, đồng thời gửi thêm ý kiến cho Ban soạn thảo.

Cùng với đó, Thứ trưởng đề cao vai trò truyền thông chính sách để xã hội hiểu đúng, tạo sự đồng thuận với các chủ trương sửa đổi. Cần truyền thông chọn lọc, mang tính xây dựng, lắng nghe dư luận, tìm kiếm các ý kiến phản biện mang tính đóng góp và đề xuất sửa đổi các luật liên quan một cách phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ