Doanh nghiệp còn ỉ lại vào cơ chế
Theo đại biểu, có doanh nghiệp nhà nước ỷ lại vào cơ chế, chính sách không chịu vận động công nghệ, thiết bị chậm đổi mới, tham nhũng, lãng phí lớn, dẫn đến lâm vào cảnh nợ nần chồng chất nhưng lại không thể phá sản được vì thiếu cơ sở pháp lý gây thiệt hại không nhỏ cho vốn và tài sản của nhà nước.
Một vấn đề lớn nữa đặt ra, chủ trương đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện đã được đề ra từ nhiều năm nhưng việc triển khai quá chậm, cơ chế bộ chủ quản có từ thời bao cấp trước đây vẫn tồn tại kéo dài và chính sự vận hành của cơ chế này xung đột với cơ chế thị trường.
“Việc các bộ, ngành vừa đảm bảo chức năng quản lý nhà nước, vừa thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn và tài sản nhà nước ở doanh nghiệp dẫn đến xung đột về lợi ích, khó đảm bảo tính khách quan trong ban hành chính sách và công tác chỉ đạo thực hiện giám sát và kiểm tra vụ việc Mobile phone mua lại 95% cổ phần Công ty Nghe nhìn toàn cầu AVG là một ví dụ điển hình.
Nếu không được ngăn chặn kịp thời thì nguy cơ thiệt hại cho Nhà nước trên 7 nghìn tỷ đồng đã là nhãn tiền” – đại biểu Bế Minh Đức dẫn chứng.
Cổ phần hóa còn nhiều hạn chế
Liên quan đến chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Bế Minh Đức cho rằng, đây là một chủ trương lớn của Đảng nhằm thực hiện đề án tái cơ cấu và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, trong đó vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp là một yếu tố quyết định.
Tuy nhiên, công tác cổ phần hóa vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cần thiết phải loại bỏ. Theo đại biểu Đức, trước tiên phải kể đến tiến độ cổ phần hóa thực hiện chậm so với kế hoạch đề ra.
“Ví dụ, năm 2018 Chính phủ chủ trương cổ phần hóa 85 doanh nghiệp nhà nước, nhưng đến hết quý I chúng ta chỉ thực hiện được 3 doanh nghiệp” - đại biểu Bế Minh Đức nêu thực trạng, đồng thời nhấn mạnh:
Việc cổ phần hóa ở nhiều doanh nghiệp còn mang tính hình thức, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ ở các doanh nghiệp sau cổ phần còn cao, dẫn đến khó thu hút nguồn vốn của xã hội đầu tư vào doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư muốn mua cổ phần chi phối tại doanh nghiệp.
Công tác tuyên truyền về cổ phần hóa chưa tốt nên nhận thức về cổ phần hóa của nhiều cán bộ và người lao động chưa đúng, chưa nhận thấy những lợi ích to lớn mà cổ phần hóa có thể đem lại mà chỉ lo mình mất vị trí, mất quyền lợi và mất việc làm nên chưa tạo được động lực triển khai thực hiện cổ phần hóa đã được phê duyệt.
Có tình trạng doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, gây thất thoát tài sản nhà nước, sợ bị trách nhiệm nên cũng tìm cách trì hoãn gây khó khăn cho công tác cổ phần hóa.
Từ những phân tích trên, đại biểu Bế Minh Đức đề xuất: Cần chỉ đạo kết luận hơn nữa trong việc triển khai các đề án đổi mới tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi cản trở quá trình cơ cấu cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Cùng với đó, rà soát lại toàn bộ các cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan, loại bỏ những cơ chế, chính sách không còn phù hợp. Kịp thời sửa đổi, ban hành hoặc trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách pháp luật cần thiết nhằm đẩy mạnh việc tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.