Vẫn còn nhiều điểm nghẽn về triển khai Luật Trẻ em và Công ước quốc tế

GD&TĐ - Việc ban hành các văn bản để triển khai Luật Trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em còn khá nhiều điểm nghẽn.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Đại biểu Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh điều nay khi phát biểu thảo luận tại hội trưởng Quốc hội.

Vẫn còn những bất cập

Việc đầu tư phát triển phần mềm ứng dụng và áp dụng công nghệ số vào việc thúc đẩy thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em còn nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, dữ liệu trẻ em nói chung và nhóm trẻ em từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nói riêng còn nhiều khoảng trống chưa tháo dỡ để xây dựng chiến lược bảo vệ trẻ em phù hợp với Công ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Đại biểu Ngô Thị Minh

Đại biểu Ngô Thị Minh cho biết, chúng ta vẫn còn thiếu hướng dẫn cụ thể để quy định về ưu đãi thuế, tín dụng đất đai. Các quy định về tạo sự bình đẳng giữa khu vực công lập và khu vực ngoài công lập trong cung ứng dịch vụ về trợ giúp xã hội, giáo dục, y tế, tư pháp, văn hóa, vui chơi cho trẻ em nhằm giúp các địa phương triển khai thực hiện.

Về phía các bộ, ngành, mặc dù được luật quy định khá cụ thể về vai trò chủ trì, phối hợp trong hoạt động nhưng trên thực tế sự chủ động trong công tác phối hợp còn nhiều hạn chế.

Đặc biệt, việc xây dựng, ban hành các quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, khung giá dịch vụ về bảo vệ trẻ em trên các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục v.v… cũng chưa được các bộ, ngành quan tâm đúng mức, trong đó có việc chậm xây dựng chính sách cho một số nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gây thiệt thòi và nhiều hệ lụy cho trẻ em.

Điển hình là các nhóm trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, trẻ em khuyết tật về trí tuệ, trẻ em bị mua bán, trẻ em di cư, lánh nạn, tị nạn...

Nhiều chính sách chưa được đổi mới theo cách tiếp cận dựa trên quyền của trẻ em. Một số chính sách liên quan đến các luật khác về nhóm trẻ em từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em cũng chưa được Chính phủ xem xét, ban hành các văn bản để điều hành, bảo đảm nguyên tắc “vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”. Nhóm trẻ em này, và một số nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có nguy cơ bị bỏ lại khá xa so với một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Ở địa phương, tổ chức liên ngành các cấp về trẻ em còn mang tính hình thức, thiếu sự chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể của Ủy ban Quốc gia về trẻ em. Cơ chế điều phối chưa rõ ràng, hiệu quả thấp, thiếu quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.

Việc bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, việc bố trí ngân sách để thực hiện các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật, việc giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, mua bán v.v… chưa có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp.

Đội ngũ làm công tác trẻ em cấp xã đa phần là cán bộ lao động, thương binh, xã hội kiêm nhiệm, họ quá tải về công việc, không đủ điều kiện, năng lực chuyên môn để làm công tác trẻ em. Ở thôn, bản, ấp số cộng tác viên chủ yếu làm việc cho công tác dân số kiêm thêm công việc trẻ em nên hầu hết đội ngũ này không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại Điều 53 và Điều 72 của Luật Trẻ em.

Về ngân sách nhà nước dành cho công tác bảo vệ trẻ em hàng năm tuy được Chính phủ quan tâm hơn nhưng khoảng cách còn quá xa so với yêu cầu thực tiễn. Nhiều địa phương bố trí ngân sách chi thường xuyên cho công tác này thông qua ngành lao động, thương binh, xã hội còn thấp và rất thấp.

Không ít chương trình, đề án dành cho trẻ em được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng không có nguồn kinh phí thực hiện, đặc biệt, không có nguồn ngân sách để trợ giúp khi trẻ em bị xâm hại tình dục ở cấp độ hỗ trợ, can thiệp do luật định.

Trong quá trình bảo vệ quyền trẻ em, trong đó có quyền tham gia của trẻ em, các bộ, ngành, cơ quan liên quan chưa quan tâm bồi dưỡng kiến thức, thông tin, xây dựng tiêu chí, cơ chế huy động các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tham gia vào quá trình ra quyết định.

Về quyền vui chơi của trẻ em cũng chưa được Chính phủ quan tâm thỏa đáng, thiếu và thiếu trầm trọng các điểm vui chơi, các không gian công cộng dành cho trẻ em.

Đại biểu Ngô Thị Minh
 Đại biểu Ngô Thị Minh

Sớm khắc phục những “điểm nghẽn”

Từ những bất cập nêu trên, đại biểu Ngô Thị Minh kiến nghị:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương sớm có giải pháp khắc phục khoảng trống những hạn chế nêu trên, bám sát nhiệm vụ theo luật giao, bảo đảm nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Thứ hai, đề nghị Quốc hội điều chỉnh tuổi trẻ em trong Luật Trẻ em cho phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn nhằm bảo vệ tốt hơn nhóm trẻ em từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, bảo đảm tương thích với chính sách của các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vì hầu hết các nước đều coi nhóm người này vừa là trẻ em, vừa là thanh niên. Vấn đề này đã được Chính phủ trình khi xem xét về Luật Trẻ em năm 2016.

Thứ ba, đề nghị các cơ quan tư pháp sớm ban hành hướng dẫn về công tác điều tra, giám định pháp y về việc nhận diện những vấn đề mới về trẻ em, nhưng dâm ô với trẻ em và lao động trẻ em.

Về lâu dài cần sớm hoàn thiện dự án luật về tư pháp cho người chưa thành niên để bảo vệ tốt nhất trẻ em là nạn nhân, nhân chứng. Quy định cụ thể về các vấn đề điều tra, truy tố, xét xử thân thiện với trẻ em.

Chính phủ chưa có biện pháp chỉ đạo để lồng ghép các tiêu chí về trẻ em trong các kế hoạch, chiến lược cấp quốc gia và địa phương. Hoạt động giám sát thực thi chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai nhiệm vụ, thiếu cơ chế đối thoại thường xuyên giữa các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương với các tổ chức xã hội để thực hiện quyền trẻ em, thiếu sự đầu tư để mở rộng mạng lưới hỗ trợ pháp lý, tư pháp cho trẻ em và gia đình trẻ em, đặc biệt trẻ em là nạn nhân, nhân chứng trong các vụ xâm hại, mua bán. Đại biểu Ngô Thị Minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ