Sẽ có thông tư mới hướng dẫn khen thưởng và kỷ luật học sinh

GD&TĐ - Vừa qua, Trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TPHCM) kỷ luật HS bằng cách bắt HS công khai đọc bản kiểm điểm, nhận lỗi do đã xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BST trên mạng xã hội trước toàn trường. 

Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT)
Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT)

Nhà trường cho biết, quyết định xử lý kỷ luật HS được thực hiện theo Thông tư 08/1988 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn khen thưởng và kỷ luật HS.

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT), cho biết: Trước hết, chúng ta cần phê phán HS đã có việc làm thiếu suy nghĩ khi đăng tải các nội dung có tính chất kích động, không phù hợp với lứa tuổi, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Em đã vi phạm bộ quy định ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục.

Kỷ luật là một trong các hình thức tổ chức hoạt động của mỗi nhà trường để giữ gìn và xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, tạo điều kiện cho HS bị kỷ luật có nhận thức đúng đắn hơn. Kỷ luật để giáo dục HS, tạo điều kiện cho các em phát triển, đồng thời nhà trường giữ gìn, phát triển văn hóa ứng xử trong trường học, giúp cho các HS khác có môi trường giáo dục tốt đẹp hơn.

Quyết định kỷ luật là do Hội đồng kỷ luật trường xem xét và đề nghị hiệu trưởng quyết định. Nhà trường chịu trách nhiệm với quyết định ban hành cả về nội dung, mức độ, hình thức thực hiện, cũng như báo cáo cấp trên trực tiếp của nhà trường. Nếu chưa phù hợp thì cơ quan quản lý cấp trên của nhà trường sẽ xem xét, chỉ đạo xử lý cho phù hợp, đúng quy định của pháp luật.

Cần có căn cứ để xác định mức độ phù hợp của hình thức kỷ luật phù hợp HS vi phạm; trên cơ sở đồng thuận, có tham gia phối hợp của gia đình HS vi phạm (lưu ý lỗi vi phạm mạng xã hội đã có quy định của pháp luật, cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính hoặc cao hơn). Trách nhiệm chính của nhà trường là GD, trang bị kỹ năng sống, GD học sinh có thái độ tôn trọng sự khác biệt; khi tham gia, sử dụng mạng xã hội phải lành mạnh, đúng quy định của pháp luật, phục vụ cho học tập, giải trí hiệu quả.

Hiện nay, việc xem xét kỷ luật HS phổ thông được quy định tại các thông tư quy định điều lệ nhà trường và các quy định liên quan khác... Trong đó, Thông tư 08 hướng dẫn khen thưởng và thi hành kỷ luật HS phổ thông chỉ là một trong các quy định đó.

Đến nay, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Thông tư mới để thay thế Thông tư 08. Trong quá trình xây dựng Thông tư; Bộ GD&ĐT đã tiến hành nghiên cứu, cập nhật nhiều nội dung mới, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn đổi mới GD nói riêng và đổi mới đất nước nói chung (như Luật Trẻ em 2016, Luật An ninh mạng, Luật GD 2019…). Trong đó, có những quy định xử lý cụ thể với các hành vi vi phạm đã được các luật quy định được áp dụng ngay, không cần chờ thông tư.

Việc kỷ luật HS phải bảo đảm nguyên tắc tôn trọng, vì sự tiến bộ của HS; lấy vận động, thuyết phục là chính, đặc biệt không làm tổn hại đến danh dự, tinh thần, sức khoẻ của HS; Chú trọng thực hiện các biện pháp kỷ luật tích cực, giúp HS nhận thức được khuyết điểm, khắc phục hậu quả (nếu có).

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT sẽ giao cho hiệu trưởng nhà trường ban hành quy định cụ thể về nội quy, hình thức kỷ luật tích cực tương ứng với hành vi vi phạm của HS trên cơ sở lấy ý kiến đồng thuận của giáo viên, phụ huynh, HS và các tổ chức liên quan...

Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm giải trình về hình thức kỷ luật HS với cơ quan quản lý cấp trên. Bộ và các cơ quan quản lý GD ở địa phương sẽ kiểm tra, chấn chỉnh, nếu nhà trường vi phạm nguyên tắc, nội dung hướng dẫn tại thông tư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.