Đây không phải lần đầu tiên, sự học của trẻ em bị người lớn đem ra làm công cụ để phục vụ một mục đích khác, chẳng liên quan gì đến quyền lợi của trẻ.
Sự việc đáng buồn xảy ra đúng dịp cả nước mừng Ngày nhà giáo Việt Nam. Giáo viên một số trường ở Mê Linh có lẽ không còn tâm trạng chào đón ngày hội của mình vì vừa lo, vừa buồn; vì HS của mình vắng đến quá nửa lớp; rồi ngoài việc chuyên môn, các cô lại phải tất tả đến từng gia đình để vận động cha mẹ cho HS đến trường…
Việc cha mẹ lấy chính việc học của con em mình để gây sức ép không phải hiếm. Điểm qua trên báo chí, ngay năm 2019, cũng tại huyện Mê Linh, người dân thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng) không cho con đến trường để phản đối xây trường mới ở thôn khác khiến con họ phải đi học xa. Trước đó vài tháng, một số đối tượng xấu gây áp lực cho phụ huynh Trường Tiểu học Phú Lương 1 (Hà Đông, Hà Nội) ngăn cản HS không được đến trường. Khai giảng năm nay, tại điểm trường mầm non thôn Trung Hiếu Thượng (Thanh Liêm, Hà Nam), mỗi lớp chỉ lác đác vài trẻ được cha mẹ cho đến lớp, cũng bởi một lý do chẳng liên quan là phản đối một dự án bãi chứa và bến thủy trên sông Đáy.
Năm 2018, lợi dụng tranh cãi xung quanh sách Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục, một số đối tượng đã kích động cha mẹ HS ở Quảng Xuân (Quảng Trạch, Quảng Bình) buộc con phải nghỉ học. Năm 2015, HS nghỉ học để cùng bố mẹ đi biểu tình, phản đối xây trung tâm thương mại ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội); năm 2014 phụ huynh xã Hương Bình (Hà Tĩnh) ngăn cấm gần 600 HS đến lớp để phản đối sáp nhập trường cũng tốn không ít giấy mực của báo chí...
Năm 1989, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Công ước quốc tế nhấn mạnh quyền của trẻ em được học hành, trong đó có nêu phải tiến hành các biện pháp khuyến khích việc đi học đều đặn ở trường và giảm tỷ lệ bỏ học. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em vào năm 1990. Từ đó đến nay, quyền trẻ em, trong đó có quyền được học hành đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật.
Hiến pháp 2013 quy định rõ “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Luật Trẻ em năm 2016 quy định: Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập, hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn.
Còn theo Luật Giáo dục 2019, cha mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc, tạo điều kiện cho con hoặc người được giám hộ được học tập, thực hiện phổ cập giáo dục, hoàn thành giáo dục bắt buộc, rèn luyện, tham gia các hoạt động của nhà trường…
Ngăn cấm không cho trẻ đến trường là một việc làm cực đoan và thiếu hiểu biết. Mục đích của việc làm này đạt được hay không chưa rõ, nhưng người gánh chịu hậu quả đầu tiên chính là con trẻ. Giáo dục là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Trong khi ngành Giáo dục và toàn xã hội đang nỗ lực từng ngày để trẻ có một môi trường học tập hạnh phúc, hiệu quả, thì một bộ phận người làm cha, làm mẹ lại tự tước đi niềm vui và quyền chính đáng được đến trường của con em mình. Có lẽ, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, để mọi người dân ý thức được rằng, cản trở trẻ em đến trường là hành vi vi phạm pháp luật, cũng cần có hình thức xử lý nghiêm minh đối với những hành vi này.