Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia từ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em. Trong gần 30 năm qua, Việt Nam có nhiều nỗ lực để thực hiện các cam kết theo điều ước quốc tế nhằm mang lại cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn tới trẻ em, đặc biệt là việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi và theo dõi thi hành pháp luật; tăng cường sự phối hợp liên ngành xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến trẻ em…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng cho rằng: Thực tế còn không ít khó khăn như: Hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em nói chung, về bảo vệ trẻ em nói riêng vẫn còn khoảng trống. Do đó, các cơ quan của Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong quá trình hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em và tư pháp cho trẻ em.
Ghi nhận những nỗ lực trong việc hoàn thiện khung pháp luật để tăng cường bảo vệ trẻ em trai và trẻ em gái khỏi mọi hình thức xâm hại, bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nhận định: Quyền được bảo vệ của trẻ em được quy định trong Hiến pháp, Luật Trẻ em, và gần đây nhất là Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn một số tội xâm hại tình dục và xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
Đưa ra định hướng về những bước đi tiếp theo để tiếp tục mang lại kết quả tốt đẹp hơn cho trẻ em, bà Lesley Miller chia sẻ: Việc công bố một đạo luật mới chỉ là điểm khởi đầu. Thực hiện và thi hành pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng để đem lại những thay đổi thực sự trong đời sống của cả trẻ em trai lẫn trẻ em gái. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để cải cách thành công, cần chú trọng đến công tác truyền thông để mọi người dân ủng hộ và tham gia thực hiện các quy định mới của pháp luật; cần đầu tư đầy đủ vào nguồn nhân lực, điều phối liên ngành hiệu quả, và cần có một hệ thống giám sát mạnh mẽ.
Do hệ thống pháp luật vẫn còn những kẽ hở cần được hoàn thiện để bảo đảm quyền cho mọi trẻ em. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát và hoàn thiện Bộ luật Hình sự để bảo đảm, mọi hình thức xâm hại trẻ em dưới 18 tuổi, đặc biệt là xâm hại tình dục, đều bị quy định là tội phạm.
Ngoài ra, hệ thống tư pháp người chưa thành niên có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Để hệ thống này vận hành trơn tru, cần quy định rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, nhưng cũng phải có cơ chế để điều phối hoạt động của các biên được hiệu quả và thống nhất.