Một trong những nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025 vừa được Chính phủ ban hành là 5 thành phố trực thuộc Trung ương được yêu cầu nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.
Theo đó, UBND các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh dựa trên cơ sở thực tế rà soát, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu cho HĐND ban hành các nghị quyết về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30 - 35%.
Áp dụng công nghệ giao thông thông minh trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông đô thị; tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.
Nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào...
Thực tế, ở các thành phố lớn, việc hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy là giải pháp cần thiết. Thế nhưng, để thực hiện được và thực hiện hiệu quả, cần có giải pháp đồng bộ ở nhiều khâu, đồng thời có lộ trình cụ thể.
Theo đó, các địa phương phải lập tổng thể phương án vùng hạn chế gồm đánh giá lưu lượng xe máy, mức độ “phủ” của giao thông công cộng. Tiếp đó cần phải thiết lập bãi xe, nhà xe ngoài vùng hạn chế để người dân gửi xe trước khi chọn phương tiện công cộng.
Ngoài ra, phải tính toán giới hạn, quy mô đoạn đường tối đa từ nơi người dân gửi xe đến nơi có phương tiện công cộng gần nhất. Đặc biệt, phải tính cả đến việc hạn chế xe ôtô đi vào khu vực hạn chế xe máy thì mới đạt hiệu quả bởi giảm xe cá nhân nhưng lại tăng xe ôtô trong vùng hạn chế là không khả thi vì không loại trừ việc người dân sẽ thay thế xe máy bằng ôtô. Như vậy, mục tiêu giảm ùn tắc khó đạt được - một chuyên gia nêu ý kiến.
Tán thành với quan điểm này, một chuyên gia khác cũng cho rằng, khi cấm xe máy nhưng giao thông công cộng chưa đáp ứng được thì ôtô lại trở thành “tác nhân” chính của việc ùn tắc, ô nhiễm. Do đó, khi thực hiện phương án cấm xe máy thì cũng phải cấm ôtô thông qua các biện pháp kinh tế như thu phí vào vùng đô thị, phí bảo vệ môi trường, cấm vào vùng phát thải thấp.
Không phải đến bây giờ, các chủ trương, giải pháp, đề án liên quan đến dừng hoặc hạn chế hoạt động của xe máy mới được đưa ra.
Nhưng từ chủ trương, đề xuất... đến thực hiện vẫn là khoảng cách rất lớn, thậm chí ở nhiều thời điểm là không khả thi bởi câu hỏi đơn giản là nếu cấm thì người dân sẽ đi lại bằng gì? Về lý thuyết là sẽ phát triển các phương tiện công cộng. Nhưng đến bao giờ mới phương tiện giao thông công cộng mới đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân vẫn rất khó trả lời...