Giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông thì cấm xe máy là chưa đủ
"Để đạt được hiệu quả giảm thiểu ùn tắc giao thông cần có các biện pháp đồng bộ hơn nữa, đặc biệt là về quy hoạch đô thị. Trước đây trong các kiến nghị với Thủ tướng và các cấp quản lý, Thành phố thường nêu vấn đề quy hoạch đầy đủ. Trong các tư vấn tôi đều nêu ra việc cần đầu tư làm đường trước rồi mới nghĩ đến các giải pháp về nhà ở. Tuy nhiên, trên thực tế thì mọi chuyện lại ngược lại khi người ta xây nhà cao tầng chung cư song rồi mới nghĩ đến việc mở rộng đường", ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội thẳng thắn chia sẻ tại buổi tọa đàm "Hạn chế xe máy tại Hà Nội, giải pháp nào?" diễn ra sáng nay (4/4) do báo Tiền Phong tổ chức.
Ông Nghiêm cũng đưa ra dẫn chứng cụ thể: "Mới cách đây khoảng gần 15 năm, vào năm 2005 cả Hà Nội chỉ có dưới 60 nhà cao tầng. Nhưng từ 2005 -2010 đã có hơn 200 nhà. Còn trong vòng 10 năm trở lại đây con số này đã tăng khủng khiếp và đã có tới hơn 400 ngôi nhà cao tầng. Quy hoạch không đồng bộ mới chính là nguyên nhân gây ùn tắc tại Hà Nội", ông Nghiêm chỉ ra nguyên nhân ùn tắc giao thông tại Hà Nội và cho rằng: "Nếu chỉ han chế xe máy thì quá phản cảm. Phải hạn chế tất cả các phương tiện cá nhân để nhận được sự đồng thuận xã hội. Nếu nói xe máy gây ùn tắc thì không đúng, hạ tầng chưa đồng bộ, mật độ giao thông tĩnh quá thấp. Theo các đánh giá mới đây, tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông tăng cao gấp 30 lần tốc độ đầu tư cho giao thông tĩnh tại các thành phố lớn. Do đó nếu chỉ đổ cho xe máy thì không thuyết phục".
Trước đó ông Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT Hà Nội đã nêu ra các vấn đề khó khăn, nguyên nhân gây ách tắc giao thông: "Thứ nhất về phương tiện, một Thủ đô với hơn 6,6 triệu phương tiện trong đó xe máy chiếm phần đông với hơn 86% (5,7 triệu chiếc), ngoài ra xe từ các địa phương khác đến vẫn chưa kiểm soát được".
Tuy nhiên, theo ông Long, về bức tranh toàn cảnh, cơ sở hạ tầng cũng chưa đáp ứng được. Chủ yếu là đường có nút giao đồng mức dẫn đến xung đột giữa các dòng phương tiện. Ngoài ra, điểm dừng đỗ phương tiện công cộng còn yếu, biển báo cảnh báo chưa đồng bộ và còn thiếu. Ngoài các nguyên nhân trên, một vấn đề gây tắc đường được nói đến là ý thức tham gia giao thông của đại bộ phận người dân chưa cao. Việc chấp hành luật lệ giao thông của nhiều người vẫn còn thấp.
Theo số liệu của Phòng CSGT Hà Nội, lượng phương tiện đăng ký mới ở Hà Nội vẫn đang có chiều hướng tăng trưởng. Nếu chỉ tính trong Quý I/2019 đã có tiếp tục có hơn 117.000 phương tiện được gia tăng so với năm 2018 tại Hà Nội. Điều này tiếp tục sẽ gây áp lực rất nhiều lên giao thông Thủ đô...
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, UBND TP. Hà Nội và nhiều cơ quan quản lý nhà nước đang phối hợp nhằm giảm thiểu các tác hại về ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cần cân nhắc và đánh giá kỹ các đề xuất nếu nó ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến đời sống của người dân. Các giải pháp nếu muốn hiệu quả cần nhận được sự đồng thuận của người dân nếu không sẽ rất khó thực hiện.
Tại buổi tọa đàm, ông Ngô Anh Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Sở GTVT Hà Nội đã trả lời câu hỏi về căn cứ đưa ra lộ trình cấm xe máy và tại sao chọn hai tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương để thí điểm.
"Căn cứ về mặt pháp lý, đó là Nghị quyết 16/2008 của Chính phủ, Nghị quyết 04/2017 của thành phố Hà Nội, và Quyết định 519 ngày 31/3/2016 của Chính phủ quy định về hạn chế xe máy đi vào trung tâm và việc lập đề án xe máy, đây là 1 nhiệm vụ trong 4, 5 nhiệm vụ Nghị quyết đưa ra, phù hợp quan điểm của Chính phủ.
Để đề án thành công, phải trải qua đánh giá thí điểm, rút kinh nghiệm để có giải pháp hữu ích nhất để người dân có cách thức di chuyển phù hợp nhất. Phải mất 2, 3 năm tiến hành trước, sau đó HĐND Thành phố thông qua thì Sở GTVT mới triển khai", ông Tú nói thêm.
Cũng theo ông Ngô Anh Tú, lộ trình cấm xe máy đến năm 2030 đã được xác định trong Nghị quyết 04. Mục tiêu, yêu cầu đầy đủ cũng có trong Quyết định 519 của Chính phủ. TP. Hà Nội đang tập trung cao độ, các chỉ tiêu đáp ứng được, hoàn toàn có thể triển khai được.
"Qua nghiên cứu, thời gian triển khai không đến 11 năm, theo kinh nghiệm của thế giới, quyết tâm của lãnh đạo chính quyền, đến 2030 có thể triển khai được", vị đại diện Sở GTVT Hà Nội bày tỏ quan điểm.