Xác định đúng vị thế
Để tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, ngày 22/11/2011, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT trong đó có nhiều nội dung mới, hướng dẫn chi tiết cụ thể hơn so với Điều lệ ban hành năm 2008. Đây là căn cứ có tính pháp lý cao giúp các nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh xây dựng và củng cố hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh hiện nay.
Tuy nhiên, trong thực tế đâu đó vẫn còn để xảy ra những vụ việc lùm xùm, đáng tiếc, gây dư luận bất bình trong xã hội liên quan đến hoạt động của tổ chức này. Điều này đã từng có ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT nên chỉ đạo hủy bỏ việc thành lập Ban đại diện cha mẹ học sinh trong các nhà trường phổ thông.
Thầy Ngô Trí Thông – Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Trung (huyện Việt Yên, Bắc Giang) cho rằng, Ban đại diện phụ huynh có vai trò to lớn. Cần duy trì cơ cấu tổ chức và hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
"Chúng ta đều biết, tại Điều 4, Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành năm 2011 có nêu rõ chức năng nhiệm vụ: Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học. Tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh.
Bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác...”, thầy Thông nhắc lại.
Thầy Thông cũng nhấn mạnh, căn cứ vào các nội dung nêu trên có thể thấy rất rõ tầm quan trọng và tác dụng hiệu quả của tổ chức của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong các nhà trường phổ thông là rất lớn.
Phát huy tốt vai trò Ban đại diện cha mẹ học sinh, tạo sự đồng thuận trong các nhà trường tại Việt Yên. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, thầy Ngô Trí Thông thẳng thắn chỉ ra, đâu đó có 1 số nhà trường, ở một vài nơi có tình trạng lạm dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để làm một số việc nhằm mục đích tư lợi cá nhân. Để giải quyết dư luận bức xúc nêu trên, thầy Ngô Trí Thông cho rằng các nhà trường cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung.
Trong đó, phải xác định rõ vị thế, vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong mối quan hệ giữa tổ chức này với nhà trường. Ban đại diện cha mẹ học sinh giữ vị thế là đối tác đồng hành hỗ trợ nhà trường trong quá trình triển khai kế hoạch giáo dục chứ Ban đại diện cha mẹ học sinh không phải là cấp dưới hay là công cụ để Ban giám nhà trường điều khiển nhằm mục đích riêng không trong sáng nào đó.
"Thông qua việc làm rõ và xác định đúng vị thế của các bên trong mối quan hệ chung đó, chúng ta sẽ có thái độ tôn trọng lẫn nhau, có cách ứng xử phù hợp trong công việc và từ đó sẽ giảm thiểu việc phát sinh những vụ việc tiêu cực...", thầy Ngô Trí Thông bày tỏ.
Thầy Ngô Trí Thông cho biết thêm, phải tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch trong việc quản lý, sử dụng tài chính hình thành từ nguồn thu thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh (bao gồm huy động đóng góp; tài trợ ủng hộ tự nguyện...). Triệt để thực hiện nguyên tắc: dân chủ, tự nguyện, đồng thuận và tiết kiệm hiệu quả trong việc huy động, sử dụng nguồn thu tài chính thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh. Đồng thời bảo tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật hiện hành.
Tính công khai minh bạch
Hiệu trưởng trường THCS Việt Tiến (huyện Việt Yên, Bắc Giang), thầy Lê Anh Tuấn cũng cho biết, trên cơ sở các nhiệm vụ của Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất các nội dung triển khai tại cuộc họp đầu năm học.
Đồng thời, trong năm học giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh để triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường và kế hoạch hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp và của Nhà trường.
"Đầu năm học Trường THCS Việt Tiến kiện toàn Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trên cơ sở giới thiệu nhân sự của Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp. Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp giữa nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong quá trình thực hiện công khai, minh bạch các khoản thu từ người học, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh...", thầy Lê Anh Tuấn chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Hà - Đại biểu Quốc hội khóa XV nhấn mạnh, Ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn rất cần thiết trong các nhà trường. Ảnh tư liệu |
Cô giáo Nguyễn Thị Hà - Đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn rất cần thiết, có chức năng kết nối giữa nhà trường và gia đình trong quá trình giáo dục học sinh. Tuy nhiên, cần tăng cường giám sát hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh để đảm bảo đúng hiệu quả và phát huy đúng vai trò chức năng của mình.
"Nếu Bộ GD&ĐT sửa đổi thông tư hay điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và các văn bản có liên quan đến thu - chi cũng sẽ góp phần thêm đảm bảo thống nhất và phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, trách nhiệm của Ban đại diện cha mẹ học sinh và nhà trường là phải cùng nhau xây dựng môi trường giáo dục tốt nhất cho chính con em mình...", Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà bày tỏ.