Bổ sung quy định để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh

GD&TĐ - Là tổ chức tự nguyện, Ban đại diện cha mẹ học sinh có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối giữa nhà trường và gia đình, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, ở một số trường học, hoạt động của tổ chức này chưa phát huy đúng chức năng theo quy định, dẫn đến bức xúc trong dư luận.

Ban đại diện cha mẹ học sinh thúc đẩy phong trào thi đua Dạy tốt- Học tốt
Ban đại diện cha mẹ học sinh thúc đẩy phong trào thi đua Dạy tốt- Học tốt

Cầu nối giữa nhà trường và gia đình

Thông tư 55 về điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2011 đã tạo hành lang pháp lý cho tổ chức này hoạt động ngày càng hiệu quả. Ban đại diện hội cha mẹ học sinh không chỉ là cầu nối giữa nhà trường và gia đình mà còn huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Ngoài ra, nhiều nơi Ban đại diện cha mẹ học sinh đã thực hiện tốt việc phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, từ đó nâng cao trách nhiệm của gia đình trong chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ.

Thầy Lê Việt Dương- Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cho biết: Là cầu nối giữa nhà trường với gia đình nên Ban đại diện cha mẹ học sinh có nhiệm vụ thu tiền quỹ lớp, thống nhất việc mua sắm đồ dùng cần thiết cho học sinh, đồng thời phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ học sinh tại lớp, trường.

Ban đại diện cha mẹ học sinh còn tham gia và hỗ trợ nhà trường trong việc chăm lo đời sống sinh hoạt, học tập của con em mình; chung tay huy động xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường. Ban đại diện cũng nắm bắt, lắng nghe ý kiến của các phụ huynh về tình hình sinh hoạt, học tập của học sinh, trao đổi kịp thời với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Ban đại diện Cha mẹ học sinh trong trường học, thầy Phạm Thanh Hải- Hiệu trưởng Trường THPT Bảo Yên (Lào Cai) cho hay: Hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhằm tăng cường mối quan hệ giữa cha mẹ học sinh với thầy cô giáo và nhà trường, là cầu nối giữa phụ huynh và nhà trường để thường xuyên nắm bắt, giải quyết, chấn chỉnh những vấn đề vướng mắc trong học tập, rèn luyện của con em mình.

Ban đại diện cha mẹ học sinh còn có chức năng phản ánh kịp thời với hiệu trưởng những biểu hiện của thầy cô, cán bộ trong trường nhằm phát huy, động viên, nhân rộng những điển hình tích cực, chỉ ra khuyết điểm trong các hoạt động của giáo viên để khắc phục, rút kinh nghiệm, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào thi đua Dạy tốt- Học tốt của nhà trường.

Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lấy từ nguồn đóng góp tự nguyện của phụ huynh và nguồn tài trợ hợp pháp khác, không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân; được thu chi theo đúng quy định và sự thống nhất tại cuộc họp phụ huynh của lớp và hội nghị ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường trong đầu năm học.

Ban đại diện cha mẹ học sinh nắm bắt, lắng nghe ý kiến của các phụ huynh trao đổi về tình hình sinh hoạt, học tập của học sinh

Ban đại diện cha mẹ học sinh nắm bắt, lắng nghe ý kiến của các phụ huynh trao đổi về tình hình sinh hoạt, học tập của học sinh

Cần minh bạch các loại quỹ

Tuy nhiên, ở một số trường học, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa phát huy đúng chức năng theo quy định của điều lệ mà Bộ GD&ĐT đã ban hành tại Thông tư 55. Thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, một số trường học đã thu các khoản thu không đúng quy định, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Một trong những bất cập của Thông tư 55 khiến nhiều phụ huynh bức xúc là các khoản thu tự nguyện dưới danh nghĩa xã hội hóa do Ban đại diện mẹ học sinh đứng lên thu. Đó là các khoản thu quỹ hội lớp, quỹ hội trường, thu hỗ trợ cơ sở vật chất nhà trường, hỗ trợ giáo dục... Trong khi điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh không có khái niệm “quỹ lớp” hay “quỹ cha mẹ học sinh”.

Vào đầu năm học mới, Bộ GD&ĐT đều có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục không để xảy ra tình trạng lạm thu. Ban đại diện cha mẹ học sinh phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư 55. Tuyệt đối không tổ chức thu các khoản không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường.

Cùng với đó là các khoản thu để khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng các công trình của nhà trường.

Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT cũng chỉ rõ quy định khoản kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Kinh phí này được thống nhất trong hội phụ huynh. Vì vậy, nếu khoản thu đó không hợp lý thì phụ huynh phải có ý kiến. Không có chuyện bắt Ban đại diện cha mẹ học sinh phải đóng góp mua máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho nhà trường.

Nhiều năm tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh, chị Nguyễn Thị Oanh ở quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: Hiện Ban đại diện cha mẹ học sinh gặp rất nhiều áp lực, trách nhiệm nhiều mà tai tiếng đi kèm cũng không ít. Nhiều người đã tìm lý do để từ chối tham gia. Do đó, cần bổ sung những quy định cụ thể để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò của mình trong việc kết nối gia đình- nhà trường- xã hội để giáo dục học sinh.

Thời gian thực hiện Thông tư 55 đến nay đã hơn 10 năm nên xuất hiện một số bất cập. Luật Giáo dục có hiệu lực từ năm 2019, cùng với đó Luật Trẻ em cũng được ban hành từ năm 2016, do đó cần phải sửa đổi một số điều của Thông tư 55 để phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT, hằng năm UBND các tỉnh thành phố đều có văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh tình trạng lạm thu. Do đó, cần có một văn bản thống nhất để làm cơ sở cho Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả, tránh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ