"Cầu nối" quan trọng
Trong Điều lệ trường học quy định: Đại diện CMHS là thành phần không thể thiếu trong Hội đồng trường, một tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền sở hữu của nhà trường và các bên có lợi ích liên quan, cùng chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, chung tay huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, đảm bảo thực hiện mục tiêu giáo dục, phù hợp với quy định của pháp luật.
Hơn thế nữa, để giúp Ban đại diện CMHS hoạt động hiệu quả, thiết thực; ngày 22/11/2011, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 55, đánh dấu bước ngoặt trong công tác phối hợp giữa Ban đại diện CMHS với giáo viên, với nhà trường, góp phần không nhỏ cho sự phát triển của GD&ĐT.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số Ban đại diện CMHS các trường chưa hoạt động đúng vai trò của tổ chức mình. Ban đại diện CMHS chưa có kế hoạch cụ thể của từng năm học, không chủ động trong đề xuất, phối hợp với nhà trường, với giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục đạo đức học sinh. Mà Ban bầu ra chủ yếu chỉ tập trung vào việc huy động sự đóng góp, tài trợ cho nhà trường. Thậm chí có đại diện phụ huynh vì phải miễn cưỡng nhận nhiệm vụ nên hiệu quả hoạt động còn hạn chế.
Ban đại diện CMHS Trường Tiểu học Quang Trung, huyện An Lão chia sẻ trong buổi toạ đàm "Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban đại diện CMHS". |
Nói về vai trò của Ban đại diện CMHS trong nhà trường, cô Lê Thị Thuý, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Khánh Thiện, huyện An Lão chia sẻ: Trong Điều lệ trường học, Thông tư 55 quy định rất rõ vai trò của Ban đại diện CMHS. Nếu hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ thì sự phối hợp của Ban với giáo viên và với nhà trường sẽ đạt hiệu quả.
Không thể phủ nhận vai trò của Ban đại diện CMHS. Bởi nếu không có sự kết nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội thì rất khó có thể đạt được mục tiêu giáo dục một con người. Cô Thuý ví, mối quan hệ giữa Ban đại diện CMHS với nhà trường như sự gắn kết của người bố và người mẹ trong một gia đình. Nếu gia đình không thống nhất phương pháp giáo dục thì không thể giáo dục con được.
Thực tế, tại Trường THCS Lương Khánh Thiện, Ban đại diện CMHS các lớp, và Ban đại diện CMHS của trường có sự phối hợp nhịp nhàng với giáo viên và nhà trường trong việc giáo dục con em. Phụ huynh thường xuyên nắm bắt, trao đổi để điều chỉnh, uốn nắn kịp thời nếu thấy con có biểu hiện chưa đúng.
Giáo viên chủ nhiệm lớp và Ban chi hội luôn sát sao chất lượng giáo dục và tích cực vào cuộc tư vấn cho học trò, để định hướng những điều tốt nhất. Với THCS Lương Khánh Thiện thầy cô không áp đặt và nặng nề kỉ luật trò. Vì thế, học sinh Trường THCS Lương Khánh Thiện có nề nếp, thực hiện nội quy nghiêm túc, ít có tình trạng bạo lực học đường.
Ban đại diện CMHS và thầy cô phối hợp cùng tổ chức nhiều câu lạc bộ như: cầu lông, bóng rổ, văn nghệ..; các phong trào thi đua dạy tốt học tốt để cuốn trò vào hoạt động vui chơi, học tập có ích.
Cần có cách nhìn nhận đúng đắn
Bác Bùi Công Thành- Trưởng Ban đại diện CMHS của Trường tiểu học Quang Trung, huyện An Lão chia sẻ lý do bác nhận lời làm trong Ban đại diện CMHS là vì muốn cống hiến cho địa phương nơi bác sinh ra, nơi con cháu bác theo học. Được cùng nhà trường lo cho các cháu là một hạnh phúc và bác thấy được tuổi thơ của mình trong đó.
Bác Thành kể lại: Trường Tiểu học Quang Trung nằm trên địa bàn khó khăn, cơ sở vật chất xuống cấp, đặc biệt sân trường hư hỏng nghiêm trọng. Nhà trường cùng phụ huynh đã bàn tính nhiều lần nhưng số tiền quá lớn, hiệu trưởng không dám quyết vì không có nguồn.
Khi đem câu chuyện ra bàn với phụ huynh, nhiều người cho rằng việc đó không phải là việc của phụ huynh mà là trách nhiệm của nhà nước. Bác Thành cùng các thành viên trong Ban đã suy tính kĩ, nếu không làm được sau này nhà nước sẽ làm nhưng hiện tại con em mình chịu thiệt thòi hàng ngày khi không có chỗ vui chơi.
Ngay lúc khó khăn, loay hoay cách làm, một phụ huynh là phó Ban đã đứng ra nhận làm và nhận bù nếu công trình phát sinh thêm kinh phí. Từ sự tích cực của vị phụ huynh này, nhiều cha mẹ học sinh đã vào cuộc góp công sức, vật liệu để làm sân trường; thậm chí có nhiều phụ huynh hăng say chủ nhật cũng đến lao động.
"Không phải chỉ 1 trường khó khăn về cơ sở vật chất mà rất nhiều trường như vậy nếu chỉ đợi nguồn lực đầu tư công thì rất khó khăn. Vì thế, để có môi trường giáo dục tốt nhất cần có sự vào cuộc của Ban đại diện CMHS kêu gọi nguồn lực xã hội", bác Thành cho hay.
Trường Mầm non Chiến Thắng, huyện An Lão thường tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm cho trẻ có sự phối hợp tích cực của Ban đại diện CMHS. |
Chị Đào Thị Hải- Trưởng Ban đại diện CMHS Trường Mầm non Chiến Thắng, huyện An Lão cho rằng, Ban đại diện bầu ra không phải để thu tiền mà điều quan trọng là cùng nhà trường chăm sóc, nuôi dưỡng các con. Ban phối hợp với nhà trường lựa chọn công ty cung cấp thực phẩm, kiểm tra an toàn thực phẩm, phối hợp chăm sóc trẻ tại nhà....
Cô Nguyễn Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Chiến Thắng nhận định: Không riêng gì bậc mầm non, mà với các bậc học, sự phối hợp phụ huynh với giáo viên, nhà trường trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục học trò là vô cùng cần thiết.
Với trẻ mầm non, nếu cha mẹ không quan tâm, Ban đại diện không là cầu nối thì hàng ngày việc trao đổi giữa cô giáo với phụ huynh về chăm nuôi trẻ không đạt hiệu quả. Đặc thù của trường mầm non rất nhiều hoạt động, không có sự vào cuộc của Ban đại diện CMHS thì khó thành công.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm, kiểm tra thực phẩm, lên thực đơn, giám sát bữa ăn của trẻ cần phụ huynh sát sao. Trường Mầm non Chiến Thắng đang nghiên cứu kế hoạch và bàn với Ban đại diện để cắt cử phụ huynh tham gia công tác chăm sóc bữa ăn cho trẻ, vừa đảm bảo tính khách quan, vừa thể hiện vai trò của phụ huynh trong đó, cô Thảo chia sẻ.
Thêm điều kiện để phát huy hiệu quả tích cực của Ban đại diện CMHS
Thông tin từ Phòng GD&ĐT huyện An Lão, căn cứ Thông tư 55 và các văn bản quy phạm pháp luật khác, Ban giám hiệu các trường trên địa bàn huyện đã quan tâm đến công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và chỉ đạo giáo viên chủ động phối hợp với cha mẹ học sinh trong công tác giảng dạy, giáo dục.
Trong thời gian dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, học sinh phải nghỉ học hoặc ở nhà học trực tuyến, phụ huynh đã chủ động liên hệ với giáo viên để kết hợp giáo dục con em. Nhiều Ban đại diện CMHS đã rất tích cực, chung tay cùng nhà trường tu bổ trường lớp, cảnh quan khuôn viên sạch đẹp, tạo dựng cho con em có môi trường học tập tốt nhất.
Cô Phạm Thị Thanh An, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, huyện An Lão cho biết, tại nhà trường Ban đại diện CMHS lớp phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh như: Giáo dục đạo đức, hoạt động ngoại khóa.
Ban chi hội thường xuyên khuyến khích HSG, giúp đỡ học sinh yếu kém, trò có hoàn cảnh khó khăn. Và nhiệm vụ quan trọng mà Ban thường làm đó là tuyên truyền các chủ trương, chính sách về giáo dục tới cha mẹ học sinh toàn trường để nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục con em. Đại diện cho phụ huynh học sinh phản ảnh những đề xuất kiến nghị bảo vệ quyền lợi cho các em học sinh và phụ huynh. Ban cũng phối hợp với nhà trường làm tốt công tác XHHGD huy động các nguồn lực xây dựng phát triển nhà trường.
Lãnh đạo huyện Đoàn An Lão trao thưởng cho học sinh Trường Tiểu học Quang Trung |
Để Ban đại diện CMHS hoạt động hiệu quả, theo cô An, Điều lệ sửa đổi cần bổ sung một số nội dung. Cụ thể, quy định rõ hồ sơ cần có của Ban đại diện CMHS nhà trường. Thủ tục hồ sơ nên đơn giản nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý. Bởi thực tế hiện nay, hồ sơ của Ban đại diện CMHS chưa đồng nhất, khó khăn cho Ban đại diện CMHS và các nhà trường khi có đoàn thanh kiểm tra.
Theo cô An, cần bổ sung chế độ chi kinh phí cho các phụ huynh tham gia Ban đại diện CMHS nhà trường, Ban đại diện CMHS lớp. Vì theo Thông tư Ban đại diện CMHS lớp, Ban đại diện CMHS nhà trường đã phối hợp với nhà trường thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả mất nhiều thời gian, công sức nhưng chưa có chế độ chi kinh phí để động viên khích lệ họ tích cực hơn.