Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh

GD&TĐ - Sáng 9/8, Phòng GD&ĐT huyện An Lão, TP Hải Phòng đã tổ chức buổi toạ đàm Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục.

Quang cảnh buổi toạ đàm.
Quang cảnh buổi toạ đàm.

Hội nghị có sự tham dự của hiệu trưởng, hiệu phó các nhà trường và hàng trăm phụ huynh đang hoạt động trong Ban đại diện CMHS trên địa bàn huyện An Lão.

Buổi toạ đàm trao đổi xung quanh vấn đề trách nhiệm của gia đình, nhà trường, các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động của Ban đại diện CMHS trong các cơ sở giáo dục; tăng cường sự phối hợp giữa Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) với giáo viên, nhà trường, góp phần cho sự phát triển của Ngành Giáo dục.

Theo đó, vai trò, hoạt động của Ban đại diện CMHS thể hiện rõ trong Điều lệ trường học, Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT.

Căn cứ Thông tư 55 và các văn bản quy phạm pháp luật khác, Ban giám hiệu các trường trên địa bàn huyện An Lão đã quan tâm đến công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và chỉ đạo giáo viên chủ động phối hợp với cha mẹ học sinh trong công tác giảng dạy, giáo dục.

Hàng trăm phụ huynh tham gia buổi toạ đàm.

Hàng trăm phụ huynh tham gia buổi toạ đàm.

Sự phối hợp giữa cha mẹ học sinh với giáo viên và nhà trường được thể hiện rõ nét nhất là trong thời gian dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp, học sinh phải nghỉ học hoặc ở nhà học trực tuyến. Cha mẹ học sinh đã chủ động phối hợp với giáo viên để quản lý, giáo dục, giúp các con hoàn thành nhiệm vụ học tập. Nhiều Ban đại diện CMHS đã rất tích cực, chung tay cùng nhà trường tu bổ trường lớp, cảnh quan khuôn viên sạch đẹp, tạo dựng cho con em có môi trường học tập tốt nhất.

Tuy nhiên, một số Ban đại diện CMHS các trường chưa hoạt động đúng vai trò của tổ chức mình, chưa có kế hoạch hoạt động cụ thể của từng năm học. Việc phối hợp với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm trong giáo dục đạo đức học sinh còn mờ nhạt. Thực tế, hoạt động của Ban đại diện CMHS chủ yếu chỉ tập trung vào việc huy động sự đóng góp, tài trợ cho nhà trường.

Buổi toạ đàm lắng nghe nhiều ý kiến của giáo viên, ban đại diện cha mẹ học sinh các nhà trường về những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động của nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh và sự phối hợp giữa các bên. Các đại biểu cùng nêu và thống nhất cách làm để hoàn thành nhiệm vụ cho từng tổ chức, cá nhân.

Toạ đàm cũng là dịp để các phụ huynh chia sẻ những kinh nghiệm hay trong hoạt động của Ban đại diện CMHS để cùng lan toả với phương châm “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”.

Ông Vũ Trọng Dũng- Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Lão cho rằng, thực tế trong quá trình hoạt động Ban đại diện CMHS có nhiều áp lực và nếu các phụ huynh không nhiệt tình, bản lĩnh, chia sẻ, thông cảm thì không thể hoạt động hiệu quả được.

Ý kiến chia sẻ của phụ huynh tại buổi toạ đàm rất quý báu, trên cơ sở những quy định của nhà nước, những ý kiến đóng góp của các vị đại biểu, Phòng GD&ĐT sẽ tham mưu cho UBND huyện có những chỉ đạo sát sao hơn nữa đến cán bộ, giáo viên toàn ngành, tư vấn, giúp đỡ cha mẹ học sinh, Ban đại diện CMHS thực hiện tốt vai trò của mình, cũng như phối hợp, đồng hành cùng nhà trường, cùng thầy cô giáo thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo, giáo dục con em.

Phụ huynh trong Ban đại diện CMHS Trường Tiểu học Quang Trung chia sẻ những khó khăn trong hoạt động cũng như sự đóng góp tích cực của Ban cho giáo dục nhà trường.

Phụ huynh trong Ban đại diện CMHS Trường Tiểu học Quang Trung chia sẻ những khó khăn trong hoạt động cũng như sự đóng góp tích cực của Ban cho giáo dục nhà trường.

Tham gia toạ đàm, bà Nguyễn Thị Thuý Liễu- Phó trưởng phòng chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP Hải Phòng đánh giá, đây là hoạt động thiết thực nhằm lắng nghe ý kiến, quan điểm của Ban đại diện cha mẹ học sinh, các nhà trường về vai trò, tầm quan trọng của Ban đại diện với các hoạt động giáo dục.

Thực tế, sự phối hợp của nhà trường và gia đình rất quan trọng, theo tinh thần đổi mới giáo dục, các nhà trường không chỉ dạy kiến thức văn hoá mà còn tăng cường các môn học nhằm giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng cho học trò. Vì thế, nếu nhà trường không có sự phối hợp của phụ huynh thì không thể làm được. Ban đại diện cha mẹ học sinh không chỉ đứng ra để vận động, tài trợ, xã hội hoá vật chất đảm bảo cơ sở vật chất cho trường học mà quan trọng là sự phối hợp trong giáo dục đạo đức lối sống, bạo lực học đường, an toàn trường học...

Để Ban đại diện CMHS thực hiện tốt vai trò của mình, ông Vũ Trọng Dũng yêu cầu các nhà trường tích cực tuyên truyền, động viên cha mẹ học sinh để họ hiểu và chủ động phối hợp; cử đại diện chuyên trách phối hợp Ban đại diện để hoạt động hiệu quả; tham gia các cuộc họp định kì cùng Ban đại diện để giúp Ban vận hành đúng theo điều lệ; hỗ trợ cho ban đại diện trong các hoạt động đặc biệt là giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách, quản lý học sinh.

Ban đại diện cha mẹ học sinh cần phối hợp cùng giáo viên chuẩn bị cuộc họp cha mẹ học sinh; phối hợp với nhà trường trong giáo dục học sinh; thống nhất các khoản vận động tài trợ, thu chi quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh đúng quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...